Ngày 28/10, trong khuôn khổ diễn đàn Khoa học - Doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo lần thứ I - 2023 (FIIS) được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), PGS.TS Trần Văn Mẫn, Trưởng khoa Khoa học Công nghệ tham luận với chủ đề vai trò của trường đại học trong hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Theo PGS.TS Trần Văn Mẫn, nền kinh tế ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là kinh tế tri thức, cạnh tranh bằng tri thức và khoa học công nghệ.
Sản xuất hàng hóa và dịch vụ chủ yếu dựa trên các hoạt động sử dụng tri thức, thông tin và sự đổi mới: vốn con người, tài sản trí tuệ và công nghệ thông tin trong việc tạo ra giá trị.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp có những lợi thế cạnh tranh mang tính "truyền thống" như đất đai, vị trí, nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, chính sách, nhân công...
Tuy nhiên, để tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, doanh nghiệp cần đổi mới, sáng tạo.
Điều này đặt ra vấn đề kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp.
PGS.TS Trần Văn Mẫn trình bày tham luận. Ảnh: Mạnh Tùng
Ông Trần Văn Mẫn cho rằng, sự hợp tác giữa một trường đại học và doanh nghiệp thể hiện trong 8 hoạt động chính, như hợp tác trong nghiên cứu; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên, giới hàn lâm; xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo; tinh thần sáng nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp; tham gia quản trị nhà trường...
Trong đó, trường đại học đóng vai trò là nơi truyền đạt và sáng tạo tri thức với những những lợi thế như: hệ thống phòng thí nghiệm; môi trường nghiên cứu học thuật; nguồn nhân lực chất lượng cao (giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học…).
"Tuy nhiên, trường đại học cũng có những hạn chế nhất định. Phần lớn nghiên cứu trong trường đại học đều theo ý tưởng mới từ nhà khoa học, nếu có tương tác với doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn ý tưởng dồi dào hơn.
Trong quá trình nghiên cứu ở môi trường đại học, có khoảng cách trong việc áp dụng các mô hình từ lý thuyết và phòng thí nghiệm sang mô hình sản xuất. Nhà trường cũng thiếu nguồn lực trang thiết bị và tài chính để tổ chức thử nghiệm và sản xuất", ông Trần Văn Mẫn cho biết.
Lễ ký kết thỏa thuận giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và các doanh nghiệp tại FIIS 2023. Ảnh: Mạnh Tùng
Trong việc hợp tác với doanh nghiệp, trường đại học có thể nghiên cứu, tìm hiểu các câu hỏi dài hạn trong quá trình phát triển sản phẩm; đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm và thực hiện các gói dịch vụ.
Các gói dịch vụ này có thể là các báo cáo tổng quan/chuyên đề trong lĩnh vực sản phẩm mà doanh nghiệp quan tâm; phối hợp đào tạo ngắn hạn phát triển các kỹ thuật mới 2 chiều (tại doanh nghiệp, tại nhà trường); dịch vụ phân tích các tính chất của vật liệu, sản phẩm trung gian, thành phẩm…
Trường đại học có thể giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp như hỗ trợ nghiên cứu và cùng tạo ra các sáng chế, xây dựng các giải pháp cốt lõi cho doanh nghiệp, giải pháp chuyển đổi số…
Theo PGS.TS Trần Văn Mẫn, doanh nghiệp chính là nhà trường thứ hai song hành với trường đại học để hình thành năng lực cho người lao động trong thời đại 4.0.
Từ mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp, có thể nghĩ xa hơn nữa mối quan hệ với nhà nước, nhà đầu tư.
FIIS 2023 tổ chức trong khuôn khổ ngày hội kết nối Cộng động cựu sinh viên khoa học, do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) và Ban đại diện Cộng đồng cựu sinh viên tổ chức.
Diễn đàn có hơn 1.000 người tham dự với nhiều hoạt động như phiên chợ khoa học, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, báo cáo giữa doanh nghiệp và nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ...