Cơ hội từ việc xuất khẩu yến sào chính ngạch vào Trung Quốc
Năm 2019, thời điểm yến sào của Việt Nam đang trong quá trình đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, các thương lái đã trực tiếp đến nhà nuôi yến ở Việt Nam để mua yến sào sơ chế với giá khoảng 1.000 USD/kg và bán ra tại Trung Quốc với giá gấp nhiều lần qua đường tiểu ngạch.
“Giá yến sào tinh chế tại Việt Nam khoảng 50 triệu đồng/kg nhưng tại Trung Quốc họ có thể bán được giá 500 triệu đồng/kg. Do chưa thể xuất khẩu chính ngạch nên phần lớn hoạt động thương mại 2 bên do thương lái thực hiện và hưởng lợi nhuận trong khi nhà yến thu được rất ít so với công sức bỏ ra”, lãnh đạo một doanh nghiệp yến sào tại TP.HCM từng chia sẻ với báo chí bên lề cuộc hội nghị về yến sào diễn ra vào năm 2019.
Vị này cũng cho biết, nếu Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch yến sào sang Trung Quốc, giá trị thu về sẽ rất lớn, có thể lên đến hàng tỷ USD với sản lượng yến sào hiện nay đạt khoảng 100 tấn/năm và khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.
Sau hơn 4 năm đàm phán, vào tháng 11/2022, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch yến sào Việt Nam sang Trung Quốc đã được chính thức ký kết. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, một bên có thị trường, một bên có điều kiện ưu đãi, ngành yến được đánh giá có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu to lớn, chính vì thế, từ năm 2019, tổ yến đã là một trong các sản phẩm được Bộ NN&PTNT chú trọng, đàm phán và gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Với Nghị định thư này Việt Nam trở thành quốc gia thứ 4 được xuất khẩu tổ yến theo đường chính ngạch sang Trung Quốc sau Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Hiện Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với sản lượng tiêu thụ khoảng 2.000 tấn. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch 451,6 tấn tổ yến, chủ yếu từ Indonesia và Malaysia.
Doanh nghiệp yến sào trên sàn chứng khoán sẵn sàng cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Tại Việt Nam, nghề nuôi yến bắt đầu xuất hiện từ năm 2004 và ngày càng phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh phía trung, nam bộ như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định,…Nhờ địa hình trải dài cùng khí hậu phù hợp, số lượng nhà yến tại Việt Nam hiện đã lên tới hơn 30.000, mang lại sản lượng khoảng 150 tấn và con số này ngày càng gia tăng. Dù vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực yến sào tại Việt Nam hiện khá phân mảnh và chỉ có một vài doanh nghiệp có quy mô đủ lớn.
Trên sàn chứng khoán, hiện có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực yến sào đang giao dịch trên UpCOM là CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (mã SKV) và CTCP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (mã SKH). Cổ đông lớn nhất nắm giữ 51% vốn của cả SKV và SKH là Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa – đơn vị sở hữu các thương hiệu yến sào Sanest, Sanvinest, nước giải khát Sanna.
Hiện tại, SKV là đơn vị sản xuất các sản phẩm yến sào mang thương hiệu Sanvinest, Sanest, trong khi SKH chuyên sản xuất sản phẩm yến sào Sanest.
Hoạt động kinh doanh của 2 doanh nghiệp yến sào đầu ngành những năm qua tăng trưởng khá đều đặn. Riêng SKV, trong năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 2.152 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 103 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21% và 29% so với năm trước.
Trong khi đó, SKH dù chưa xác lập đỉnh cao về kết quả kinh doanh nhưng cũng tăng trưởng 33% lợi nhuận so với năm trước lên gần 94 tỷ đồng.
Sản phẩm yến sào Sanest, Sanvinest của SKV, SKH đã xuất khẩu nhiều quốc gia, và mục tiêu trọng tâm tiếp theo là thị trường Trung Quốc. Ngay sau khi Nghị định thư xuất khẩu yến sào được ký kết giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, SKV đã được Công ty mẹ Yến sào Khánh Hòa giao nhiệm vụ xuất khẩu sản phẩm Yến sào Sanest, Sanvinest sang thị trường Trung Quốc.
Trên cơ sở Nghị định thư ký kết, SKV đã nhanh chóng thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với các đối tác Trung Quốc. SKV cũng thực hiện và hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, được Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông xác nhận, thực hiện đăng ký tài khoản Cifer cho công tác xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, SKV cũng triển khai xây dựng chuỗi nhà yến đạt quy chuẩn, chất lượng cao; thực hiện chuỗi liên kết sản phẩm, xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc Yến sào hướng đến phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho việc xuất khẩu sản phẩm yến sào sang thị trường Trung Quốc, SKV đã tiến hành xây dựng nhà máy nước giải khát cao cấp yến sào Khánh Hòa tại KCN Sông Cầu nhằm nâng cao năng suất sản phẩm. Dự kiến vào cuối năm 2023, giai đoạn 1 của nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
Theo bà Trịnh Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị SKV, việc thị trường Trung Quốc đón nhận là cơ hội rất lớn cho ngành yến sào của Việt Nam. Giá trị cốt lõi là việc truy suất nguồn gốc, đảm bảo uy tín, nâng cao giá trị xuất sang Trung Quốc - một thị trường tiềm năng và am hiểu về yến sào.
“Công ty hiện đã ký kết hợp đồng với nhà phân phối, sau khi hồ sơ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt sẽ tiến hành xuất khẩu luôn”, bà Vân cho biết.
Trước đó, ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Cũng theo công điện, Chính phủ kỳ vọng trong năm 2023 sẽ hoàn tất việc đánh giá, xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc và xúc tiến mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khác.
Những điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với nghề khai thác, nuôi, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm yến sào, bảo tồn đàn chim yến, một mặt hàng nông sản được kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2020, sản lượng tổ yến của Việt Nam dự kiến đạt 350-400 tấn, giá trị thu về ước tính có thể lên tới hàng tỷ USD.