Doanh nghiệp Đức đi ngược xu hướng thời Covid-19: Sa thải lao động, cắt giảm lương là sai lầm, hãy phát triển nguồn nhân lực!

Xuân Hoài |

Các doanh nghiệp Đức không tỏ ra hoảng loạn trước đại dịch Covid-19, trái lại, họ rất sáng suốt và mọi hoạt động của doanh nghiệp đều hướng đến tương lai.

Một cuộc khảo sát đã được tiến hành với 400 doanh nghiệp Đức tại Nhật Bản cho thấy tình hình khá ảm đạm của các doanh nghiệp này trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Từ kết quả đó, ông Marcus Schürmann, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Nhật bản (AHK Japan) đã giải thích vì sao đại dịch Covid-19 lần này có thể trở thành chất xúc tác tạo nên lợi thế cạnh tranh trên Tạp chí Wirtschaftswoche (Đức) mới đây.

----

Wirtschaftswoche: Ông Schürmann, kết quả nổi bật của cuộc điều tra nhanh mà ông tiến hành từ thứ Hai đến thứ Tư vừa qua là gì?

Schürmann: Giữa tháng Hai, chúng tôi tiến hành cuộc điều tra đầu tiên, khi đó các doanh nghiệp quan ngại nhất về những gián đoạn trong chuỗi cung ứng, bởi vào thời điểm đó, dịch bệnh Covid-19 chỉ mới tác động xấu đến sản xuất ở Trung Quốc. Một tháng rưỡi sau dịch bệnh mới chỉ ảnh hưởng hạn chế đối với hoạt động kinh doanh ở Nhật Bản. Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng trong chuỗi kết nối với nước ngoài, đặc biệt có sự ảnh hưởng của các biện pháp chống đại dịch ở châu Âu và Mỹ. 55% số người được hỏi cho rằng doanh thu của họ bắt đầu đi xuống, 52% cho rằng tình hình này tác động tiêu cực đến các quyết định kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.

Wirtschaftswoche: Vậy thưa ông, tương lai của các doanh nghiệp hướng tới viễn cảnh nào?

Schürmann: Ba trong bốn doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng, năm nay doanh thu sẽ giảm: Trên 25% dự kiến sẽ bị thua lỗ, có thể âm tới 40%; một vài doanh nghiệp lo ngại sẽ sụt giảm 60%. Gần một nửa cho rằng sẽ bị giảm tới 20%.

Wirtschaftswoche: Bản thân ông có lường đến những con số như thế này không?

Schürmann: Tôi bị bất ngờ một phần vì có nhiều doanh nghiệp có doanh số giảm lớn đến như vậy. Mặt khác, có điều làm tôi thấy vui vì hoàn toàn không cảm nhận có sự hoang mang, hoảng loạn. Chúng tôi quan sát thấy các nhà quản lý rất sáng suốt và mọi hoạt động của họ đều hướng tới tương lai. Điều ấn tượng đặc biệt với tôi là, các nhà quản lý rất quan tâm lo lắng đến sức khoẻ và đời sống của người lao động làm việc trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Đức đi ngược xu hướng thời Covid-19: Sa thải lao động, cắt giảm lương là sai lầm, hãy phát triển nguồn nhân lực! - Ảnh 1.

Marcus Schürmann, Giám đốc điều hành của AHK Japan. Ảnh: Wirtschaftswoche

Wirtschaftswoche: Các doanh nghiệp đã làm gì để duy trì liên tục hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Schürmann: Ở Nhật chúng tôi không bị hạn chế đi lại, chính phủ Nhật tin tưởng vào các biện pháp có tính chất tự nguyện. Theo điều tra của chúng tôi thì 81% doanh nghiệp cho nhân viên của mình làm việc tại nhà. 56% tạo điều kiện để thực hiện thời gian làm việc cực kỳ linh hoạt, qua đó người lao động có thể tới văn phòng doanh nghiệp ngoài giờ cao điểm. Nhờ thế các toa tàu đỡ đông đúc chật chội, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm. 22% áp dụng mô hình giữa làm việc ở nhà và lên văn phòng, nhờ vậy số người có mặt tại văn phòng giảm được một nửa. Do đó tạo khoảng cách lớn hơn giữa người với người tại nơi làm việc.

Wirtschaftswoche: Theo ông, trong lĩnh vực này các doanh nghiệp Đức có phản ứng nhạy bén và thông thoáng hơn so với các doanh nghiệp Nhật?

Schürmann: Có thể nói rằng cung cách làm ăn này đã “ngấm vào máu” giới doanh nhân Đức. So với các doanh nghiệp Nhật - sử dụng lao động Đức khi tuyển dụng lao động ở Nhật, có những ưu đãi và khuyến khích khác với các doanh nghiệp Nhật. Trong đó có mô hình thời gian làm việc linh hoạt, thông thoáng. Nhờ thế lúc này các doanh nghiệp Đức có thể có những phản ứng dễ dàng hơn để thích ứng với tình hình.

Wirtschaftswoche: Ở Đức hiện nay có tới hàng trăm nghìn người lao động buộc phải làm việc thời gian ngắn. Các doanh nghiệp Đức ở Nhật phản ứng như thế nào?

Schürmann: Trong cuộc khảo sát này có một vài bình luận khá thú vị, ví dụ một số doanh nghiệp trong tình hình hiện nay lại tăng cường đầu tư vào khâu phát triển nhân lực.

Trong đó có đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, sa thải lao động hay cắt giảm lương là một tín hiệu sai lầm và thực chất vấn đề này không được đưa ra tranh luận. Tất nhiên điều này liên quan trực tiếp tới Bộ luật lao động và các quy định về bảo vệ người lao động rất chặt chẽ của Nhật Bản.

Trong khi đó, khoảng 20% doanh nghiệp sẽ bỏ lương thưởng bổ sung, 15% tiếp tục giảm chế độ tính ngày nghỉ cộng dồn, 24% doanh nghiệp không cho phép làm thêm giờ.

Wirtschaftswoche: Ông có quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Đức ở Nhật. Ông suy nghĩ gì về đợt khảo sát này?

Schürmann: Tôi thấy cuộc khủng hoảng này được xem là một cơ hội để tăng cường số hoá và thử nghiệm các định dạng làm việc mới. Cuối cùng thì các doanh nghiệp có thể cải thiện và tiếp tục phát triển hơn nữa các mô hình kinh doanh trên thị trường. Trong các doanh nghiệp của chúng tôi, số hoá đang diễn ra với tốc độ cao. Rút ra được những kết luận đúng đắn từ sự sa sút đột ngột do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ tác động đáng kể đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.

Wirtschaftswoche: Ông đã quan sát thấy hiệu ứng từ những bài học đó?

Schürmann: Hệ quả của cuộc khủng hoảng hiện nay có thể là sự ra đời các tình huống cạnh tranh mới, điều này đòi hỏi phải tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Bài học của thời gian này có thể là sự củng cố nhận thức, số hoá là một yếu tố quan trọng, có ý nghĩa to lớn hơn trong cuộc cạnh tranh tới đây.

Một ví dụ, khi đề cập đến việc duy trì và chăm sóc quan hệ trực tiếp với khách hàng, ai định vị nhanh hơn? Tốc độ loại bỏ cạnh tranh. Theo tôi thì các doanh nghiệp Đức ở đây có một lợi thế, vì các doanh nghiệp Nhật vẫn thiên về phong cách truyền thống, vẫn thiên về giấy tờ, họ áp dụng kỹ thuật số và hoà mạng toàn cầu không bằng chúng ta.

Wirtschaftswoche: Một thách thức đối với các doanh nghiệp Đức là doanh nghiệp có địa điểm ở Nhật nhưng lại có vai trò khác nhau đối với tập đoàn của họ. Họ xử lý vấn đề này như thế nào?

Schürmann: Theo quan sát của tôi, nhiều nhà quản lý dựa vào điều kiện thực tế, nói chung họ tiếp cận tương đối phổ biến mô hình kinh doanh ở Nhật. Họ định hướng vào việc mua sắm, tiêu thụ hay nhằm cung ứng cho thị trường nội địa Nhật Bản? Hay mục đích sự hiện diện của họ ở Nhật nhằm khai thác khả năng hợp tác và buôn bán với người Nhật tại thị trường thứ ba?

Wirtschaftswoche: Ví dụ tình hình đối với các doanh nghiệp Đức chuyên cung cấp thiết bị phụ tùng ô tô ở Nhật thì như thế nào? Lĩnh vực này bị ảnh hưởng rất nặng nề của sự đình trệ sản xuất.

Schürmann: Do mạng lưới toàn cầu của mình nên các hãng cung cấp thiết bị ô tô bị ảnh hưởng rất nặng nề do sự lây lan virus. Đầu tiên, thiết bị từ Trung quốc không tới, người ta buộc phải mua thiết bị của nơi khác với giá cao hơn. Bây giờ, Trung Quốc bắt đầu vận hành thì các nhà máy ở Đức phải đóng cửa, do đó các bộ phận thiết bị của Đức lại không có để giao cho Nhật. Tình hình rắc rối phức tạp này đòi hỏi phải có sự giám sát tỉ mỉ hết sức nhạy cảm nhằm sớm phát hiện những điểm thắt để tháo gỡ.

Wirtschaftswoche: Vì Covid-19 nên Thủ đô Tokyo buộc phải hoãn Thế vận hội Olympic sang năm 2021. Liệu Hội nghị kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của giới doanh nhân Đức, dự kiến ​​diễn ra vào giữa tháng 10 tại Tokyo, cũng phải đối mặt với số phận này?

Schürmann: Đến lúc đó còn trên sáu tháng nữa. Vì thế chúng tôi không chịu áp lực lớn như IOC đối với Thế vận hội, do đó việc này sẽ còn được tiếp tục bàn bạc trao đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại