Theo đó, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) mới đây có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, để công bố thông tin về quyết định giải thể CTCP Thế giới số Trần Anh.
Nguyên nhân giải thể được đưa ra là do Thế giới Di động muốn tái cơ cấu công ty con để tối ưu việc vận hành.
Trên thực tế, CTCP Thế giới số Trần Anh là công ty con của Thế giới Di động, với tỷ lệ sở hữu là 99,33% vốn điều lệ.
Sau gần 7 năm về Thế giới Di động, thương hiệu điện máy Trần Anh đã chính thức biến mất trên thị trường. Dù Thế giới Di động đưa ra lý do là để tái cơ cấu công ty con nhằm tối ưu vận hành, nhưng thực tế chuỗi điện máy này không còn hoạt động từ năm 2018.
Trần Anh làm ăn ra sao trước khi bị "khai tử"?
CTCP Thế giới số Trần Anh tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trần Anh, bắt đầu được thành lập vào ngày 11/3/2002. Công ty này từng là một thương hiệu nổi tiếng khi sở hữu chuỗi Điện máy Trần Anh, đồng thời là nhà phân phối hàng đầu trong lĩnh vực về thiết bị tin học và điện máy ở thị trường miền Bắc.
Trần Anh bắt đầu chuyển đổi sang mô hình CTCP kể từ ngày 8/8/2007. Trong giai đoạn từ 2007 – 2017, doanh thu của CTCP Thế giới số Trần Anh tăng trưởng dần đều và đạt được mức kỷ lục là hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2016. Trong thời kỳ hoàng Kim, thương hiệu Trần Anh có tơi 39 siêu thị điện máy và chủ yếu phủ rộng tại các tỉnh thành phía Bắc. Tuy nhiên, đến năm 2017, công ty này ghi nhận khoản lỗ hơn 60 tỷ đồng khi mở rộng quy mô quá nhanh.
Vào tháng 8/2017, Thế giới Di động và Trần Anh đã chính thức công bố thương vụ mua bán và sáp nhập. Đến tháng 1/2018, Thế giới Di động chính thức hoàn tất việc mua lại Trần Anh, từ đó trở thành công ty mẹ chi phối toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp này.
Sau thương vụ này, Thế giới Di động đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của Trần Anh và biến chuỗi điện máy này từ một nhà bán lẻ độc lập trở thành đối tác của MWG. Theo đó, Trần Anh chủ yếu tạo ra doanh thu bằng việc cho thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu. Tài sản chính của công ty này là tiền gửi ngân hàng để thu lãi hàng năm.
Doanh thu của CTCP Thế giới số Trần Anh giảm từ vài nghìn tỷ đồng mỗi năm xuống còn hơn 100 tỷ đồng. Chi phí bán hàng của doanh nghiệp này giảm về 0 và lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tài chính.
Đến ngày 14/8/2018, cổ phiếu của Trần Anh bị hủy niêm yết và đóng cửa ở mức giá 34.900 đồng/ đơn vị, tương đương với vốn hóa khoảng 865 tỷ đồng. Trần Anh sau đó được chuyển sang giao dịch ở trên Upcom và bị hủy tư cách công ty đại chúng kể từ tháng 10/2022, vì cơ cấu cổ đông không đáp ứng được quy định của pháp luật.
Theo báo cáo tài chính cho thấy, trong giai đoạn từ 2019 – 2022, Trần Anh chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế là hơn chục tỷ đồng mỗi năm.
Việc giải thể CTCP Thế giới số Trần Anh cho thấy Thế giới Di động cho thấy sự tập trung tối ưu hóa vận hành và duy trì những thương hiệu mạnh như Điện máy xanh, Bách hóa xanh…
Trước Trần Anh, Thế giới Di động từng giải thể CTCP 4Kfarm và CTCP Logistics Toàn Tín. Lý do giải thể hai công ty này là để tái cơ cấu lại nhóm những công ty con, từ đó tối ưu việc vận hành.