Doanh nghiệp đầu tiên "họ FLC" báo lỗ trong mùa BCTC quý 3

Tuệ Giang |

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 174 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí giá vốn ăn mòn phần lớn doanh thu khiến GAB lỗ gần 1,3 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (HOSE: GAB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 với doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.

Cụ thể, trong quý 3, GAB ghi nhận hơn 7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh nghiệp chỉ lãi gộp hơn 300 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tài chính giảm 21% xuống còn hơn 523 triệu đồng. Chi phí tài chính hơn 440 triệu đồng. Chi phí bán hàng và chi phí QLDN lần lượt giảm 31% xuống 719 triệu đồng và 923 triệu đồng. Khấu trừ đi các khoản chi, GAB báo lỗ sau thuế 1,26 tỷ đồng trong khi quý 3/2021 vẫn lãi hơn 200 triệu.

 Doanh nghiệp đầu tiên họ FLC báo lỗ trong mùa BCTC quý 3  - Ảnh 1.

Đơn vị: Tỷ đồng

Theo giải trình của GAB, nguyên nhân tình hình kinh doanh kém sắc là do ảnh hưởng khách quan của sự việc nguyên Chủ tịch FLC Ông Trịnh Văn Quyết dẫn đến các đối tác, tổ chức tín dụng dùng hoặc hạn chế giao dịch với Công ty CP đầu tư khai khoáng & quản lý tài sản FLC do lo ngại là bên liên quan.

Bên cạnh đó, giá cả thị trường có sự biến động mạnh ảnh hưởng đến nền kinh tế cả nước, cũng như giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Đồng thời, thị trường tiêu thụ hàng hóa các mặt hàng nông sản trong kỳ giảm.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm 41% xuống 174 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí giá vốn triệt tiêu phần lớn doanh thu, kết quả GAB lỗ gần 1,3 tỷ đồng sau 3 quý.

Tại thời điểm cuối quý 3/2022, tổng tài sản của GAB đạt 242 tỷ đồng, giảm 48 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả giảm gần 50 tỷ xuống còn hơn 80 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 162 tỷ đồng, LNST chưa phân phối tại thời điểm 30/9 đạt hơn 13 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu GAB đang thuộc diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thoả thuận kể từ ngày 7/10/2022. Lý do bởi GAB chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Trong văn bản giải trình, công ty cho biết, trong thời gian 6 tháng qua, cổ phiếu GAB không phát sinh giao dịch hoàn toàn do ý chí, nhu cầu của nhà đầu tư khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Công ty GAB khẳng định không có can thiệp, tác động đến hoạt động giao dịch của nhà đầu tư.

Về vấn đề chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, GAB cho biết đã nhiều lần liên hệ các đơn vị kiểm toán tuy nhiên vẫn không nhận được phản hồi tích cực. GAB cho rằng đây là khó khăn mang tính thời điểm, sự việc bất khả kháng do bị ảnh hưởng uy tín, niềm tin từ việc cổ đông Trịnh Văn Quyết đang bị cơ quan điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi phối hợp cùng đơn vị kiểm toán đủ điều kiện theo quy định pháp luật, GAB sẽ nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022. Trên cơ sở phát hành được báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, công ty GAB sẽ công bố thông tin theo quy định để khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại