Doanh nghiệp 'đau đầu' lo hàng Tết

N.Bình |

Dù kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc so với những năm bị ảnh hưởng bởi dịch, nhưng giá cả hàng hóa tăng và xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng buộc các nhà kinh doanh phải linh hoạt hơn trong chiến lược dự trữ hàng hóa mùa Tết 2023.

Doanh nghiệp đau đầu lo hàng Tết - Ảnh 1.

Sức mua hàng Tết năm nay gặp nhiều thách thức bởi giá hàng hóa và tình hình kinh tế - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đến thời điểm này, nhiều nhà kinh doanh đã chốt gần như xong sản lượng Tết với nguồn cung hàng hóa dồi dào hơn năm trước. Việc chuẩn bị dự trữ hàng hóa Tết được nhà bán lẻ, nhà kinh doanh hoàn tất khoảng 80%.

Nguồn hàng Tết tăng 20-30%

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Dũng, phó tổng giám đốc Vissan, cho biết đơn vị đã chuẩn bị ngân sách 710 tỉ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% so với Tết trước, cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%.

"Ảnh hưởng kinh tế chung khiến sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể, ước tính sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của Vissan 9 tháng đầu năm 2022 giảm ít nhất 20% so với cùng kỳ. Vì thế, để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến", ông Dũng nói.

Để chuẩn bị cho dịp Tết 2023, đại diện hệ thống MM Mega Market VN cho biết hệ thống này lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20 - 30% so với Tết 2022 và tăng 40 - 50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt... tăng đến 100%.

"Chúng tôi tập trung đảm bảo nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt, cá, hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống... nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm mùa Tết, tránh tình trạng hàng hóa khan hiếm và giá cả leo thang trong dịp mua sắm lớn trong năm này", vị này cho biết.

Ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, giám đốc khối thu mua ngành hàng khô Lottemart Việt Nam, cho biết hệ thống đặt mục tiêu tăng trưởng thị trường Tết năm nay khoảng 30% so với năm ngoái, nguồn hàng cũng được chuẩn bị phục vụ cho tăng trưởng này. "Các nhóm hàng chủ lực vẫn là thực phẩm thiết yếu, bánh kẹo và nước ngọt, đồng thời tăng cường thêm các loại hạt, sữa hạt, ngũ cốc...", ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà bán lẻ lo lắng là biến động thị trường từ cuối quý 3 đến nay. Sức mua đang có dấu hiệu chững lại, rồi thông tin người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do đơn hàng xuất khẩu giảm... Do đó, theo ông Tuấn, các nhà kinh doanh sẽ phải đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, thậm chí nhiều nhóm hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm đảm bảo kế hoạch tiêu thụ đề ra trước đó.

Doanh nghiệp đau đầu lo hàng Tết - Ảnh 2.

Nhiều mặt hàng bánh, mứt đã được các siêu thị đưa lên kệ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Khẩu vị hàng Tết có thay đổi?

Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - cho biết tác động của các yếu tố tỉ giá, xăng dầu... đang ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chuẩn bị hàng Tết của doanh nghiệp ngành thực phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều nỗ lực kìm giá cho đến khi không chịu nổi nữa mới điều chỉnh.

"Hàng hóa đa dạng, sản lượng khá dồi dào, được chăm chút về mẫu mã, bao bì... do đây là mùa kinh doanh lớn nhất trong năm của các doanh nghiệp ngành thực phẩm", bà Chi cho biết.

Theo các nhà kinh doanh, chưa có năm nào mà việc dự trữ hàng Tết phải "tính toán cân não" như năm nay. Ngay từ quý 3-2022, mặt bằng giá thị trường đã có nhiều thay đổi, rất nhiều nhà cung cấp bánh kẹo, nước giải khát, hóa mỹ phẩm đều thông báo điều chỉnh tăng giá, đa số là những nhà cung cấp có thị phần lớn trên thị trường. Chính vì vậy, việc chọn nhóm hàng để trữ bán Tết phải cân đối từ sớm và xác định đúng nhóm hàng để trữ quyết định rất lớn đến thành công kinh doanh Tết.

Giám đốc kinh doanh của một hệ thống siêu thị cho biết giá nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu trong năm 2022 đã tăng từ 15 - 20% so với năm trước. Hàng nhập khẩu tăng do ảnh hưởng của tỉ giá, chi phí xăng dầu... nên hệ thống ưu tiên nhiều nhóm hàng trong nước ở giỏ quà Tết, vốn mức tăng ít hơn.

Đại diện một hệ thống siêu thị khác cho biết đặc biệt chú trọng hơn vào các sản phẩm đóng gói lớn, nhằm giúp khách hàng thoải mái mua sắm nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm, trong đó ưu tiên những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm...

Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap.asia, thuộc Liên minh hỗ trợ sản vật địa phương, cũng nhìn nhận thị trường Tết năm nay có nhiều ẩn số. Một mặt là các tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp trẻ đang phát triển nhanh và mạnh theo hướng hội nhập toàn cầu, mặt khác là những âu lo của biến động tài chính, tỉ giá... có thể ảnh hưởng lớn tới sức mua.

"Nhưng điều làm chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh sản phẩm hàng Tết năm nay là sự cam kết đồng hành của các đơn vị thủ công làng nghề, từ đan lát, giỏ mây cho tới làng sen, làng trà. Ai cũng đang nâng cấp sản phẩm mình lên theo hệ thống tiêu chuẩn chung, không chỉ là OCOP mà còn các chuẩn quốc tế về sản xuất, bảo quản", ông Anh Tùng nói và cho biết dự án giỏ quà Tết của Liên minh hỗ trợ sản vật địa phương đã chọn 144 sản vật từ hơn 500 sản phẩm của 40 tỉnh thành cả nước.

Sản vật địa phương vào giỏ quà Tết

Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, sáng lập Trà Quế Studio, thành viên dự án Liên minh hỗ trợ sản vật địa phương, cho biết xu hướng tiêu dùng hàng Tết với những sản vật địa phương vẫn được đón nhận và được nâng cấp hơn bằng "mặc áo mới" cho quà quê.

"Trong dự án quà Tết của chúng tôi, rất thú vị là có nhiều bạn trẻ dân tộc ít người tham gia với tư duy bền vững, chẳng hạn sản phẩm khô heo mắc mật của người Tày ở Lạng Sơn, giờ đã kèm theo câu chuyện về canh tác kiểu vườn rừng quốc tế thuận tự nhiên với chính sách ăn của rừng phải trả cho rừng, hay sản phẩm tôm rừng Cà Mau đã có màu sắc của việc bảo tồn và phát huy rừng ngập mặn nơi cửa biển...", bà Yến chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại