Có lẽ, trong ký ức mỗi người, Tết thường gắn liền những điều vui vẻ, đoàn viên bên gia đình nhưng với ca sĩ Đoan Trường, Tết toàn kỷ niệm buồn. Đó chính là lý do, năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi độ xuân về, nam ca sĩ lại chọn cách đi du lịch nước ngoài thay vì ở nhà đón Tết. Chỉ riêng năm nay, do ảnh hưởng dịch covid-19 nên Đoan Trường "đành" phải ở nhà.
Đoan Trường tâm sự: "Mỗi người, mỗi cảm xúc khác nhau, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng trong tâm thức của tôi, Tết luôn mang đến sự day dứt, tiếc nuối và cô đơn. Tết - một chữ rất ngắn nhưng hàm chứa biết bao kỷ niệm buồn đối với tôi và gia đình. Mỗi lần Tết đến, tôi lại…chạy trốn. Vì Tết mà năm nào tôi cũng rơi nước mắt..."
Tết nghèo: toàn ăn cơm với rau cải luộc, nhà dột trước thấm sau...
Đoan Trường nhớ lại, vào khoảng cuối thập niên 1980, vụ án "nước hoa Thanh Hương" bị phá sản khi huy động lãi suất lên tới 15% /tháng từng gây chấn động cả nước với số nạn nhân lên đến con số hàng triệu người. Chính biến cố đó đã khiến gia đình anh rơi vào tận cùng khó khăn ngay vào những ngày cận Tết khi mất trắng 50 cây vàng là tiền dành dụm, của cải ông bà để lại.
Đoan Trường hồi trẻ cùng bố mẹ và em gái. (ảnh trong bài do NVCC)
Nam ca sĩ kể: "Tôi nhớ hồi đó, hầu như ngày nào cũng chỉ ăn cơm với rau cải, nước luộc rau thay canh. Lâu lâu mới có ít thịt mỡ ăn cùng và cả nhà đều ở ngôi nhà cấp 4 dột trước thấm sau. Bố mẹ tôi suýt chia tay vì cả hai luôn dằn vặt nhau nên cái Tết năm đó chẳng có gì là vui vẻ.
Nhà tôi nằm ngay trước cổng công viên văn hóa Tao Đàn, nơi thường tổ chức hội hoa xuân trong suốt những ngày Tết nên bố tôi quyết định lập bãi trông xe cho du khách. Vậy là, Tết người ta đi di xuân thì cả nhà tôi vẫn hì hục làm để kiếm từng đồng lẻ.
Đến cái Tết tiếp theo thì vận rủi ập đến khi tôi làm mất một chiếc xe máy ngay gần giao thừa vì bị đánh tráo thẻ gửi xe. Tiền trông xe thì không đủ, các ngân hàng và cửa hàng trang sức đều đã đóng nên mẹ tôi phải nuốt nước mắt vào trong để lấy ít trang sức gia bảo đền bù cho người ta.
Những cái Tết sau đó tôi cũng phải trông xe cho khách du xuân suốt từ 27 đến mùng 6 Tết, ngày nào cũng từ 8 giờ sáng đến 24 giờ đêm. Phòng khách trong nhà cũng bị trưng dụng làm chỗ để xe nên không thể trang trí hay bày biện gì cả. Khách hay bạn bè đến chúc Tết đều cho ra "ngồi" ngay trước cửa xe vào. Thấy vậy, nhiều bạn bè tôi cũng phụ giúp việc ghi thẻ xe".
Đoan Trường hồi du học ở Nga.
8 năm đất khách quê người, Tết ăn vội mỳ gói, cật lực làm thêm trong mưa tuyết
Chính vì trải qua những ngày tháng sống cực khổ đó, chứng kiến sự vất vả của gia đình nên Đoan Trường quyết tâm phải thành đạt, phải khá giả để lo được cho bố mẹ và em gái.
Anh tâm niệm chỉ có tri thức mới giúp mình đổi đời. Đoan Trường đỗ điểm cao vào trường Đại học Bách khoa và được nhận học bổng du học ở Nga. Tuy nhiên, từ lúc này cuộc đời anh lại bước sang một trang mới với tám năm nơi đất khách quê người và gần như không biết đến Tết là gì.
Đoan Trường chia sẻ: "Thời bao cấp tem phiếu nên đời sống sinh viên bên Nga khó khăn vô cùng. Tôi cũng đổ xô đi buôn bàn là, nồi cơm điện, ấm nước, thuốc men, quần áo vào các ngày cuối tuần. Buổi tối tranh thủ đi làm phục vụ cho một nhà hàng của người Việt hay bán băng đĩa để kiếm tiền.
Khi vừa tốt nghiệp xong năm 1995, tôi chính thức đi hát chuyên nghiệp. Cứ vài tháng tôi lại gửi tiền và hàng về nhà một lần để đỡ đần kinh tế trong nhà".
8 năm đó, Đoan Trường không biết đến Tết, một phần cũng vì việc học hành bận rộn không trùng vào ngày nghỉ, phần cũng vì chi phí đi đi về về quá đắt đỏ. Thời đó lại chưa có internet và điện thoại quốc tế nên chỉ có thể liên lạc với gia đình bằng những lá thư viết tay vội vàng hay đánh điện tín về nhà.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, anh bảo "8 năm đón Tết xa nhà, cái gì cũng đủ chỉ thiếu gia đình"!
Ở Nga, anh vừa đi buôn bán vừa làm thêm nhà hàng, vừa làm bầu show các chương trình ca nhạc... để mưu sinh.
Trong tâm trí của anh, tuổi thơ nghèo khó chẳng có lấy một cái Tết no ấm, đủ đầy và hạnh phúc nên anh cũng chỉ khóc thầm cho cái Tết sinh viên đầu tiên xa quê. Khi Việt Nam đón Giao thừa thì ở Nga mới 8 giờ tối và lúc đó, anh vẫn còn đang hát trên sân khấu.
Những ngày cận Tết, anh vẫn cật lực làm thêm trong cái giá lạnh và mưa tuyết mùa đông khắc nghiệt của nước Nga. Khi về đến ký túc xá sinh viên, giây phút giao thừa tại Việt nam đã qua từ lâu, anh ăn vội gói mỳ tôm rồi chong đèn chuẩn bị bài học ngày mai.
"Thật ra hội sinh viên đồng hương Việt nam vẫn tự tổ chức họp mặt đón năm mới nhưng chưa có năm nào tôi có mặt đúng thời khắc quan trọng này được vì mải chạy theo cơm áo gạo tiền", Đoan Trường cho hay.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Hóa tại trường Đại học Công nghệ Hóa Tinh Vi tại Moskva (Mát-xcơ-va), anh quyết định ở lại thêm hai năm nữa để kiếm tiền tiếp tục chăm lo gia đình.
Nếu đem 8 năm đó ra để so sánh với một đời người thì không dài nhưng với một người xa quê như Đoan Trường, đó thật sự là khoảng thời gian dài đằng đẵng, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về. Anh luôn đau đáu nỗi nhớ nhà, dù tuổi thơ nghèo khó, không được ăn một cái Tết đàng hoàng thì trên hết, anh vẫn có gia đình, người thân bên cạnh.
Bố của nam ca sĩ lúc sinh thời.
Cha mất đúng ngày 28 Tết nên năm nào cũng... chạy trốn nỗi buồn!
Những tưởng khi trở về quê hương, gần gũi gia đình, cuộc sống kinh tế khấm khá thì Đoan Trường sẽ có những cái Tết viên mãn nhưng tai họa lại ập đến khi bố anh đột ngột ra đi vì cơn đau tim vào đúng ngày 28 Tết năm 2008.
Anh không dám thông báo cho mọi người, đám tang chỉ để đúng một ngày. Anh cũng không dám tiếp khách dịp Tết năm đó và cũng không dám đi chúc Tết ai vì sợ mang xui xẻo đến cho người khác như định kiến lâu nay của người Việt.
Đối với Đoan Trường, cái Tết năm đó được gói gọn trong một chữ "buồn" nhất từ trước đến nay. Mỗi năm, Tết đến, cái cảm giác cô đơn, trống vắng, đau buồn lại bắt đầu hiện về trong lòng mẹ, lòng anh nên anh cứ muốn... chạy trốn Tết là vì thế!
Anh trải lòng: "Cho dù tin hay không thì tôi đủ lớn để biết một điều chắc chắn là, mẹ luôn buồn lòng khi Tết sắp đến. Đó là lý do mà sau này, tôi luôn nhận show hát vào các ngày Tết tại Cà Mau, Cần Thơ hay có khi tại Hải Phòng, Hà Nội.
Một phần vì đang ở thời đỉnh cao nên tôi cũng tranh thủ kiếm thêm nhiều tiền khi được trả gấp đôi nếu hát vào đêm giao thừa hay Mùng 1 Tết. Một phần cũng vì đối với tôi hầu như cảm giác đón Tết đã không còn được trọn vẹn như bao gia đình khác, mặc dù tôi luôn chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầy đủ để bù lại những năm tháng nghèo khó cơ cực ngày xưa".
Đoan Trường trang trí Tết cho không gian nhà riêng ở quận 3 (ảnh: Thanh Tú)
Nhận quyết định ly hôn của tòa án vào đúng những ngày cận Tết
Có thể nói, Đoan Trường đã có một sự nghiệp rực rỡ lại nhận được Tổ nghiệp đãi cho sự nổi tiếng bất ngờ khi dấn thân vào con đường ca hát. Thế nhưng tình yêu hôn nhân của anh lại hai lần gẫy gánh. Ở lần chia tay thứ hai, anh và bà xã nhận quyết định ly hôn từ tòa án vào những ngày cận Tết năm 2012.
"Tết đã đánh mất đi trong tôi niềm hạnh phúc, sự tự tin, nét hồn nhiên và yêu đời. Mà cũng đúng thôi, vui làm sao được khi Tết đã đưa đẩy gia đình tôi gặp quá nhiều nỗi buồn như thế. Hầu như năm nào tôi cũng đi du lịch nước ngoài từ mùng 2 Tết sau khi chúc thọ mẹ và tự tay làm mâm cơm tất niên dâng cúng tổ tiên và bố".
Nam ca sĩ trầm ngâm. Anh bỗng nhắm mắt lại, lặng lẽ để hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Anh thở dài "Thế là Tết lại đến nữa rồi! Tôi lại thêm một tuổi. Năm nào, tôi lặng lẽ tự mình quét dọn nhà cửa, bày biện bàn thờ gia tiên và mua sắm bánh mứt trà thuốc, thức ăn…
Tết năm nay, tôi không bày biện hay trang hoàng như mọi năm vì kinh tế khó khăn, phần vì cũng không mấy vui vẻ khi thu nhập giảm. Tôi chủ trương ăn Tết tiết kiệm và không mua sắm thêm quần áo mới hay vật dụng mới.
Tôi cũng hạn chế ra nơi tập trung đông người như đường hoa, hội hoa xuân hay phố ông đồ trong tình hình dịch vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn khó lường như thế này", anh nói.