Gốm là một vật liệu rất được ưa chuộng trong thời kỳ La Mã cổ đại tính từ thế kỷ thứ 8 Trước Công Nguyên cho tới thế kỷ thứ 5 Sau Công Nguyên. Đó là lý do tại sao cho tới tận ngày nay, các nhà khảo cổ học vẫn tìm thấy đủ mọi vật dụng bằng gốm có niên đại từ thời kỳ này.
Nếu là những chiếc bát hay chiếc đĩa thì không nói làm gì, nhưng khi tìm thấy một đồ vật bằng gốm có hình thù kỳ lạ, các nhà khảo cổ sẽ phải tìm đủ mọi cách giải mã xem nó là cái gì, và cụ thể thì người La Mã đã dùng nó để làm gì?
Chẳng hạn, họ đã tìm thấy những chiếc bình như thế này, chúng thực ra là những bầu vú giả để trẻ em uống sữa.
Rồi kỳ lạ hơn nữa, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một chiếc bình gốm đựng trong đó xương một con gà. Khi đối chiếu với các ghi chép tập tục của người Athen Trước Công Nguyên, họ mới tá hỏa phát hiện đó là một chiếc bình yểm bùa.
Bên ngoài lớp đất nung của nó vẫn đọc được một lời nguyền lên tên của 55 người bị yểm. Con gà bị cắt chân và đầu, đại diện cho một hình nhân thế mạng. Người La Mã cổ đại làm vậy với niềm tin sẽ phong ấn được trí tuệ và sức mạnh của những người họ muốn trấn yểm.
Tiếp tục tìm kiếm trong các tàn tích, một nhóm các nhà khảo cổ học tại Đại học Cambridge và Đại học British Columbia đã tới thị trấn Gerace ở Italia, nơi có một di chỉ được cho là biệt thự của một người đàn ông sống trong thời La Mã cổ đại.
Được gọi là "Điền trang của Philippiani", các nhà khảo cổ đã phát hiện dòng chữ ghi tên chủ nhân của nó trên một bức tranh khảm cẩm thạch mà họ khai quật được.
Căn biệt thự này không quá lớn, nhưng nó có cấu trúc đầy đủ các phòng, bao gồm một mảnh sân được trang trí bằng đá cẩm thạch, một căn phòng mặt tiền để buôn bán, một lò nung và phía sau cùng có một phòng tắm biệt lập.
Trong phòng tắm ấy, đoàn khảo cổ người Anh và Canada lại tìm thấy một số mảnh vỡ của một chiếc bình gốm. Họ chú ý đến nó bởi đây là chiếc bình duy nhất còn lại ở trong phòng. Khi phục dựng lại chiếc bình này, họ thấy nó có dạng hình trụ nón, cao khoảng 32 cm và miệng bè ra rộng 34 cm.
Trước đây, những chiếc bình dạng này đã từng được tìm thấy ở nhiều di tích khảo cổ, bao gồm cả những xác tàu đắm ở Serbia. Một số được làm bằng vật liệu xa xỉ và trang trí rất công phu. Nhưng chiếc bình mới được tìm thấy chỉ có các đường lượn sóng song song bên ngoài rất giản dị.
Các nhà khảo cổ không biết nó được dùng để làm gì, bởi thực tế căn nhà tắm này đã bị chủ nhân bỏ hoang, có lẽ từ hư hại sau một trận động đất ở thế thứ 5. Gia đình chủ sở hữu đã tháo mọi vật dụng hữu ích, bao gồm một chiếc bồn tắm lớn, ra khỏi đó trước khi đóng cửa và quyết định không tu sửa nó nữa.
Chiếc bình gốm có thể đã bị vỡ trong trận động đất và vì thế họ vứt nó lại.
"Những chiếc bình dạng hình nón kiểu này khá phổ biến trong Đế chế La Mã cổ đại. Trong trường hợp không có bằng chứng nào cho công dụng của nó, chúng thường được coi là một cái bình chứa thông thường", nhà khảo cổ Roger Wilson đến từ Đại học British Columbia cho biết.
Nhưng với hi vọng sẽ tìm ra được công năng của chiếc bình này, Roger và các đồng nghiệp của ông đã quyết định cạo mặt trong của nó để phân tích thứ vật chất họ tìm được. Các nhà khảo cổ hi vọng thứ chứa trong chiếc bình này sẽ tiết lộ người La Mã cổ đại dùng nó để làm gì.
Và điều họ phát hiện ra thực sự gây bất ngờ. Phía bên trong lớp khoáng hóa của đất nung, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trứng giun. Những quả trứng này không phải của giun đất, mà là một chủng giun sán (Trichuris trichiura) ký sinh trong đường ruột con người.
Điều đó khiến các nhà khảo cổ giật mình, chiếc bình gốm mà họ tìm thấy, nằm ở trong nhà tắm, và có chứa ký sinh trùng đường ruột. Còn gì thuyết phục hơn chuyện nó là một cái bô, và từng chứa phân?
Piers Mitchell, một chuyên gia về ký sinh trùng tại Đại học Cambridge cho biết: "Chiếc bình này đến từ khu phức hợp nhà tắm của một biệt thự La Mã. Vì các phòng tắm kiểu này không có nhà tiêu riêng, có vẻ như những người sử dụng nó sẽ cần đến những chiếc bình như vậy khi họ muốn đi vệ sinh. Người La Mã thời đó rất coi trọng sự thuận tiện".
Các nhà khảo cổ cho biết người sử dụng chiếc bô này có thể là chủ nhà Philippiani, người trong gia đình ông ta hay khách ghé thăm. Nhưng bất chấp là ai, họ sẽ phải ngồi trực tiếp lên đó.
Miệng của chiếc bình đủ rộng để một người lớn trưởng thành ngồi vừa. Và trong trường hợp muốn thoải mái hơn, người La Mã có thể thiết kế thêm một khung ghế bằng gỗ hoặc liễu gai bao ngoài chiếc bình, khiến nó giống hơn với một chiếc toilet như thời hiện đại.
Mặc dù phát hiện này đã tầm thường hóa những kỳ vọng của chúng ta vào một chiếc bình gốm cổ, trong một biệt thự La Mã 1500 năm tuổi. Nhưng các nhà khảo cổ học cho biết họ lại vui mừng khi tìm ra nó. Đây thực sự là một bằng chứng vô cùng quan trọng.
"Quả thực là thú vị khi chúng tôi có thể tìm thấy trứng của những con giun ký sinh sau một khoảng thời gian lên tới 1500 năm", Tianyi Wang, một nhà khảo cổ học đến từ Đại học Cambridge cho biết.
Những quả trứng giun này thuộc cùng họ với loài giun đã ký sinh vào đường ruột của con người từ hàng chục ngàn năm trước. Và từ khi loài vượn người xuất hiện ở Châu Phi, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy đường ruột của chúng bị nhiễm giun sán.
Bằng cách so sánh các mẫu giun này qua thời gian, các nhà khoa học có thể biết được nhiều điều về sức khỏe đường ruột cũng như sự thay đổi chế độ ăn uống của loài người.
Cho tới tận ngày nay, thế giới vẫn có khoảng 700 triệu người bị nhiễm giun, nếu chỉ tính những con giun ký sinh dài tới 4 cm.
Những loài ký sinh này thường sống trong ruột già của chúng ta. Chúng đẻ trứng vào phân và trứng đó có thể nhiễm sang những người khác. Nhiễm ký sinh trùng có thể dẫn đến chứng thiếu máu, đau ruột và chậm chí sa trực tràng.
Không rõ ký sinh trùng này có thể đe dọa sức khỏe của người La Mã cổ đại tới mức nào. Nhưng các bằng chứng khảo cổ trước đây đã cho thấy đường ruột của họ cũng ngập tràn các loài amip và giun sán khác. Có khả năng cao ở thời La Mã cổ đại, kiết lỵ là một căn bệnh phổ biến.
Ngoài ra, với việc phát hiện trứng ký sinh trùng trong chiếc bình gốm cổ, các nhà khoa học cho biết đây là một bằng chứng khẳng định đầu tiên và xác đáng nhất cho thấy, những chiếc bình hình nón trong nhà tắm thực ra là bô của người La Mã cổ đại.
Trước đó các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều chiếc bình dạng này ở các di chỉ khác, ở đó, chúng dường như đã được sử dụng để đựng ngũ cốc, nước, hoặc thậm chí hài cốt.
Vì vậy, một câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu những người La Mã có sử dụng những chiếc bình theo lối tái chế, biến nó thành một chiếc bô khi đã xong công dụng? Hay họ đang sản xuất hàng loạt những chiếc bình có hình dạng như nhau nhưng công dụng thì khác nhau?
Mitchell cho biết để làm sáng tỏ bí ẩn đó, ông và các đồng nghiệp sẽ phải phân tích vật chất bên trong những chiếc bình tương tự đã được tìm thấy.
"Nhiều chiếc bình La Mã như này còn được lưu trữ trong các bảo tàng và họ nói chúng cũng có lớp khoáng hóa. Chúng tôi có thể dùng kỹ thuật của mình để lấy mẫu những chiếc bình đó, cuối cùng để xem có phải chúng thực ra cũng là những chiếc bô hay không?", Mitchell nói.
Tham khảo Arstechnica, Sciencealert