Mới khởi động cuộc đua hạ bệ ông Trump, Đảng Dân Chủ đã để lộ hàng loạt "tử huyệt"

Terry F. Buss, PhD - Tất Đạt chuyển ngữ |

Dù nhất quán trong chính sách nói chung, nhưng chưa ứng viên nào của Đảng Dân Chủ cho thấy rằng họ xứng đáng để trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Gần đây, 20 ứng cử viên Đảng Dân Chủ, trong hai cuộc tranh luận kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ được phát trực tiếp trên truyền hình, đã lần lượt cố gắng nêu ra các lí luận để chứng tỏ tại sao họ xứng đáng là người thay thế ông Donald Trump để trở thành vị tổng thống Mỹ tiếp theo vào năm 2021. Mỗi người có khoảng 10 phút để đáp lại các câu hỏi hoặc lời bình luận.

Trong các chiến dịch tranh cử trước, những ứng viên thường tự khắc họa sự rõ nét và khác biệt ở bản thân mình để cử tri có thể lựa chọn dễ dàng hơn. 

Với 20 ứng viên tham gia tranh luận - và 5 người khác không tham gia - cử tri tưởng chừng như sẽ có thể chứng kiến sự đa dạng được thể hiện bởi những đối thủ tiềm năng của ông Trump. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy: tất cả đều tập trung vào những chính sách được Đảng Dân Chủ đề xướng.

Tôi quyết định đánh giá cuộc tranh luận này thông qua điểm tương đồng phổ biến giữa các ứng cử viên và cách họ làm để "trở nên nổi bật". Kết quả đã hé lộ rất nhiều điều về những điểm khác biệt trong chính sách và làm thế nào Đảng Dân Chủ có thể thách thức được ông Trump.

Tôi sẽ nhắc tới các ứng cử viên bằng tên họ hơn là nhìn vào các chính sách cụ thể.

Đoàn kết chống lại ông Trump

Đảng Dân Chủ đã tấn công ông Trump một cách "hung bạo" kể từ khi nhân vật này đắc cử vào năm 2016. Chỉ chiến thắng cuộc bầu cử năm 2020 sẽ không thể làm hài lòng Đảng Dân Chủ mà đảng này còn muốn luận tội và bỏ tù ông Trump vì những tội có thật (hoặc do họ tưởng tượng ra); Đảng Dân Chủ cũng muốn hủy diệt đế chế kinh doanh của ông Trump cũng như hạ bệ cả gia đình tổng thống.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên, các ứng viên chỉ nhắc tới ông Trump vài lần trong 2 giờ đồng hồ. Trong cuộc tranh luận thứ 2, ông Trump được nhắc tới nhiều hơn một chút. Ở lần đầu, cái tên "Trump" được nói tới một cách khá mờ nhạt; nhưng ở lần hai, tên của tổng thống Mỹ bị gắn liền với một sự thù ghét sâu sắc.

Mới khởi động cuộc đua hạ bệ ông Trump, Đảng Dân Chủ đã để lộ hàng loạt tử huyệt  - Ảnh 1.

Cuộc tranh luận đầu tiên của Đảng Dân Chủ. Ảnh: Doug Mills/The New York Times

Bernie Sanders đã tức giận hét lên rằng ông Trump là "kẻ nói dối bệnh hoạn, phân biệt chủng tộc và giả tạo". Kamila Harrí, cựu công tố viên da màu, muốn buộc ông Trump ngồi tù.

Mặc dù ông Trump đã thường xuyên dùng tới những lời công kích cá nhân khi nhắc tới đối thủ trên Twitter, nhưng các ứng viên Dân Chủ cũng khiến nhiều cử tri cảm thấy mệt mỏi vì sự tiêu cực tới từ cả hai phía. Tất cả những lời lẽ "không hay ho" này đã thực sự làm tổn hại nền dân chủ của Mỹ.

Các ứng viên Dân Chủ đang gặp phải một thử thách giữa hai bên là "tấn công" ông Trump ở mức nào và nên tập trung vào chính sách của đảng ở mức nào. Những người lí trí sẽ kết luận rằng đưa ra các chính sách tốt đẹp và giải thích chúng một cách hợp lí sẽ là giải pháp chiến lược tối ưu nhất.

Tuy nhiên, các ứng viên dường như tin rằng kế hoạch của họ sẽ chẳng đi tới đâu nếu họ không bầu ra được một người có thể hạ gục ông Trump. Vì vậy, đây dường như là mấu chốt chính. Cựu Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Obama là ông Joe Biden tuyên bố mục tiêu chính của ông là đánh bại ông Trump. Marianne Williamson nói bà sẽ hạ gục ông Trump "bằng tình yêu".

Tuyên bố như vậy và "vẽ" ý tưởng đó lên một trang giấy trong bộ chính sách của ông Trump, tất cả các ứng viên đã thể hiện quan điểm rằng họ sẽ đảo ngược tất cả mọi thứ ông Trump đã làm - bất kể tốt hay xấu. Ông Trump đã triển khai thành công chiến lược này đối với các chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama.

Mặc cho người nào chiến thắng chức tổng thống Mỹ, nước Mỹ cũng sẽ chao đảo vì những nỗ lực liên tiếp để cải tổ đất nước. Tuy nhiên, cố gắng thay đổi cả quốc gia một cách ồ ạt sẽ chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. "Sự gia tăng theo từng thời kì" từng là nguyên tắc dẫn dắt nước Mỹ, nhưng hiện tại thì không.

Cả ông Trump lẫn Đảng Dân Chủ đều nhận ra rằng thậm chí các chính sách tốt nhất cũng không thể được xây dựng và áp dụng mà không có sự cộng tác và thỏa hiệp.

Thúc đẩy chính trị bản sắc

Các ứng viên Đảng Dân Chủ, bắt đầu từ ông Obama vào năm 2008, đã hướng sự chú ý tới những nhóm người khác nhau dựa trên sắc tộc, giới tính, xu hướng tình dục và gần đây nhất là những người nhập cư bất hợp pháp. 

Đảng Dân Chủ nỗ lực khắc phục những sự bất bình của các nạn nhân thực tế (hoặc do họ tưởng tượng ra), cho các nhóm này quyền lợi để đổi lại phiếu bầu. Đây gọi là "chính trị bản sắc".

Những ứng cử viên thuộc các nhóm bị phân biệt đối xử bởi sắc tộc hay giới tính đang phụ thuộc vào những đặc điểm này, mặc dù chúng dường như chẳng có liên quan gì tới phẩm chất của họ. Các ứng viên Dân Chủ muốn nhấn mạnh vào việc bản thân họ là người da màu, là phụ nữ hoặc gay (người đồng tính). 

Những người già, da trắng, nam giới, những người không thuộc về các nhóm bị phân biệt đối xử buộc phải thừa nhận "đặc quyền của người da trắng" với hi vọng sẽ tránh bị gọi như vậy.

Mới khởi động cuộc đua hạ bệ ông Trump, Đảng Dân Chủ đã để lộ hàng loạt tử huyệt  - Ảnh 2.

Cựu phó tổng thống Mỹ Joseph R. Biden Jr. và Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders. Ảnh: Doug Mills/The New York Times

Ông Biden - một nam giới da trắng, 77 tuổi - là một ví dụ. Harris đã dùng lời lẽ để tấn công và gọi ông Biden là một kẻ phân biệt chủng tộc, thậm chí còn cáo buộc ông Biden vì đã hỗ trợ các chính sách phân biệt chủng tộc và có ảnh hưởng tới bà Harris từ khi bà còn nhỏ. Điều này đã khiến ông Biden chết lặng. Đòn tấn công của Harris dường như đã được ủ mưu, tập luyện sẵn và có chủ đích rõ ràng.

Một ứng viên khác, Corey Booker - một Thượng Nghị sĩ nam giới da màu - đã nói không ngừng nghỉ về tình cảnh khốn khổ của quê ông ở Newark, New Jersey. Đó là một thành phố nhỏ, nghèo khó. Booker là thị trưởng ở đây vài năm trước. Ông ta tin rằng những kinh nghiệm ít ỏi đó là đủ để trở thành tổng thống. Thật thú vị. Có lẽ ông Booker đã sớm bị loại khỏi cuộc đua rồi.

Một ứng viên khác, Beto O'Rourke, một nam giới da trắng, đã chen một vài từ Tây Ban Nha bập bẹ khi trả lời câu hỏi về tình trạng nhập cư. Ứng viên người Latinh Julian Castro đã hạ gục ông Beto, và có lẽ kết thúc luôn cả con đường tranh cử của ông Beto nhờ vào chi tiết nói trên. Castro cho thấy đã lên kế hoạch cho việc này.

Vấn đề nữ quyền cũng được chú trọng, nhưng chủ yếu về quyền phụ nữ đối với phá thai. Các ứng viên Dân Chủ đầu năm nay đã loại bỏ tất cả những người không ủng hộ phá thai. Một số ứng viên dường như lại tiếp tục phàn nàn Đảng Cộng Hòa và ông Trump - người bị cáo buộc là đã kích động "một cuộc chiến với phụ nữ".

Một thách thức cho Đảng Dân Chủ là nhiều phụ nữ mong muốn có giới hạn đối với việc phá thai vì một số vấn đề liên quan tới đạo đức hoặc tôn giáo, đặc biệt giữa những người da màu và người Latinh.

Quyền cho người đồng tính và người chuyển giới đã được nhắc tới thường xuyên, nhưng không được mạnh mẽ như chủng tộc và giới tính.

Người nổi bật giữa cuộc tranh luận là Pete Buttigieg và có lẽ là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho ghế tổng thống: là nam giới, trẻ trung, từng tham chiến tại Afghanistan, tốt nghiệp Harvard, được nhận học bổng Rhodes (tại đại học Oxford), là thị trưởng của South Bend, Indiana và có thể nói 6 ngôn ngữ. 

Buttigieg là người đồng tính, nhưng người này không lợi dụng đặc điểm đó trong cuộc tranh luận. Có thể Buttigieg sẽ tiến xa hơn.

Độ tuổi cũng là một yếu tố quan trọng. Ba ứng viên dẫn đầu: Elizabeth Warren, Biden và Sanders sẽ bước vào độ tuổi 80 nếu trở thành tổng thống. Các ứng viên khác đều trẻ hơn. Đây sẽ là điều thú vị khi chứng kiến xem liệu "ngọn lửa lãnh đạo" có được truyền từ thế hệ lớn tuổi tới thế hệ nối tiếp khi ứng viên Eric Swalwell đã đòi hỏi ở ông Biden hay không.

Biden, vốn nhận được nhiều sự ủng hộ, đã có phần trình diễn tồi tệ trong các cuộc tranh luận, kể cả ở phong thái lẫn tuyên bố về chính sách. Ông dường như đã kiệt sức. Biden buộc phải bảo vệ một số chính sách thất bại của ông Obama. 

Thú vị ở chỗ, ông Obama chỉ được nhắc tới 1 hoặc 2 lần trong suốt 4 giờ tranh luận. Biden có lẽ đã bị loại khỏi đường đua trong cuộc chiến tìm lại chiến thắng cho Đảng Dân Chủ.

Phá hoại nước Mỹ

Bất kể một người nghĩ gì về ông Trump, thì tổng thống Mỹ hiện tại cũng đã là người mở đường cho một trong những nền kinh lớn mạnh nhất thế giới: tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỉ lục, lương cao hơn, thị trường chứng khoán mạnh, thuế giảm và tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ổn định. Những người Latinh và người da màu là những nhóm nhận được nhiều lợi ích lớn trong nền kinh tế thăng hoa này.

Mới khởi động cuộc đua hạ bệ ông Trump, Đảng Dân Chủ đã để lộ hàng loạt tử huyệt  - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: AFP

Những người có tiền của không tin vào lời tranh luận của Đảng Dân Chủ rằng tầng lớp lao động và trung lưu đang phải chịu thiệt thòi dưới thời ông Trump. Vậy nên, các ứng viên Dân Chủ cố gắng kích động tranh luận kiểu "chiến tranh giai cấp" để thuyết phục những người Mỹ tụt hậu bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ.

Elizabeth Warren - một thượng nghị sĩ, cựu giáo sư luật ở Harvard, và một triệu phú - đã đưa ra ví dụ rằng: một loạt các tầng lớp tinh hoa đại diện bởi các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, bảo hiểm, y dược, quốc phòng và tài chính; các tỉ phú; và "chính quyền" Washington đang điều hành nước Mỹ nhờ vào việc lợi dụng người lao động. Họ ích kỉ, sống vật chất, vô đạo đức và tha nhũng. Họ phải bị loại bỏ và thay thế bởi một chính phủ tự trị của nhân dân...

Thật thú vị khi chờ xem liệu lời tranh luận này có thể thu hút được các cử tri hay không bởi tất cả những người đứng trên bục tranh luận đều là một trong những người thuộc tầng lớp tinh hoa của Mỹ!

Xét một cách toàn diện tới bình luận của các ứng viên, có thể thấy họ tin rằng bản thân họ là người lương thiện và ông Trump, Đảng Cộng Hòa và Chính quyền đều đóng vai ác.

Đây là điều họ đã nói hoặc hàm ý trong các tranh luận: nước Mỹ là một xã hội phân biệt chủng tộc, ghét phụ nữ, ghét người đồng tính, kì thị người nhập cư, được điều hành bởi các những nhân vật tinh hoa của chính phủ và doanh nghiệp, với mục tiêu thuộc địa hóa và chinh phục thế giới.

Họ căm ghét những thành tựu, sự khác biệt, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước ở Mỹ. Họ "nhảy dựng" lên trước mục tiêu chính của ông Trump là "Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại" và "Nước Mỹ Trên Hết".

Hãy nhớ lại bà Hillary Clinton vào năm 2016, trong cuộc đối đầu với ông Trump, đã gọi những người ủng hộ ông Trump là "những người đáng thương hại", và qua đó đã khiến bà mất đi phiếu bầu từ 44 triệu cử tri Cộng Hòa. 

Các ứng viên Dân Chủ cần nghĩ về việc liệu có nên sử dụng chiến thuật thua cuộc này một lần nữa hay không.

Một hệ quả của sự ghét bỏ giữa Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa là cả hai bên đều không mong muốn thỏa hiệp và cùng nhau giải quyết vấn đề. 

Chỉ 3 trong số các ứng viên đề nghị rằng họ cần tiếp cận phe Cộng Hòa. Phần còn lại nói rằng họ mong muốn giành quyền điều hành chắc chắn tại Quốc hội để không cần phải thỏa hiệp.

Ông Biden, người cho rằng bản thân có nhiều lần giao tiếp với phe đối lập, đã bị Harris gọi là kẻ phân biệt chủng tộc.

Chăm sóc y tế, biến đổi khí hậu

Trong trường hợp Đảng Dân Chủ, hai vấn đề chính sách lớn nhất bao trùm cuộc tranh luận là chăm sóc y tế và biến đổi khí hậu. Ở phần bề mặt, dường như tất cả đều đồng thuận cao về tầm quan trọng của hai vấn đề này, nhưng về chi tiết thì không.

Về chăm sóc y tế, một số người muốn cải cách chính sách Obamacare vốn hỗ trợ bảo hiểm tư nhân và công cộng; vài người khác muốn bảo hiểm y tế được chính phủ trợ cấp toàn phần và không có chi phí tư nhân, và vài người khác muốn có sự kết hợp của các mô hình khác nhau.

Những lựa chọn mơ hồ, phi tiền tệ cho thấy các ứng viên Đảng Dân Chủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giới thiệu chính sách của họ trước cử tri. Lợi thế của phe Dân Chủ là các ứng viên Cộng Hòa không có chính sách cải cách về vấn đề này.

Về biến đổi khí hậu, dường như cũng có ít sự đồng thuận ngoại trừ việc chấp nhận rằng thế giới dường như sẽ kết thúc trong vòng 12 năm tới trong trường hợp không có chính sách hiệu quả về vấn đề biến đổi khí hậu. Các ứng viên chưa đề xuất rõ ràng kế hoạch chính hoặc tầm nhìn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Mới khởi động cuộc đua hạ bệ ông Trump, Đảng Dân Chủ đã để lộ hàng loạt tử huyệt  - Ảnh 6.

TT Trump đã khởi động chiến dịch tái tranh cử. Ảnh minh họa: USA Today

Harris cam kết sẽ theo đuổi "Green New Deal" - một danh sách chi tiết những điều mà chính sách của Đảng Dân Chủ đang theo đuổi. Bên cạnh những lời cam kết về biến đổi khí hậu, kế hoạch này cũng kêu gọi áp dụng toàn bộ chương trình không liên quan tới khí hậu của ông Bernie Sanders, ví dụ như cung cấp một khoản lương cho tất cả công dân Mỹ dù họ có đi làm hay không.

Kế hoạch này, mặc dù được Đảng Dân Chủ ca ngợi nhiệt tình, lại không có tiềm năng được thông qua. Tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở Thượng viện, không ai bỏ phiếu cho kế hoạch này!

Chính sách hội tụ ở cực tả

Các hứa hẹn về chính sách của Đảng Dân Chủ đã đi tới phía cực tả - từ chủ nghĩa tự do tới chủ nghĩa tiến bộ và chủ nghĩa xã hội. Ví dụ: cung cấp bảo hiểm y tế thông qua trợ cấp cho các công ty bảo hiểm tư nhân bằng việc cung cấp các lựa chọn công cộng để bổ sung cho thị trường bảo hiểm tư nhân và hướng tới chăm sóc sức khỏe miễn phí cho tất cả mọi người. Đảng Dân Chủ cam kết "phân phối tài sản" ở mức cao nhất.

Các ứng viên đều đồng thuận về việc "mở cửa biên giới" cho những người nhập cư bất hợp pháp và tăng cường quyền lợi cho họ; phá thai không giới hạn, được tài trợ bởi quỹ liên bang; giáo dục đại học miễn phí; xóa các khoản nợ sinh viên vay để học đại học; chính sách biến đổi khí hậu triệt để; sử dụng năng lượng tái tạo để thay thế nhiên liệu hóa thạch; nhà ở miễn phí hoặc có trợ cấp; một mức lương đủ sống cho mọi người bất kể công việc; tăng trợ cấp lương thực; vấn đề nữ quyền; các vấn đề về cộng đồng LGBT; và gần đây nhất, trả tiền bồi thường cho con cháu của những người nô lệ trong các giai đoạn trước.

Các chính sách được đưa ra trong tài liệu của chiến dịch rất mập mờ về chi phí. Hầu hết các ứng viên đều đề nghị đánh thuế người giàu, doanh nghiệp và tập đoàn; vài người muốn đánh thuế giới giàu có. 

Một mặt, hầu hết đều muốn đảo ngược chính sách cắt giảm thuế của ông Trump vào năm 2018, trong khi ở mặt còn lại, lại tăng thuế thu nhập cá nhân. Sẽ cần tới hàng nghìn tỉ USD để đầu tư cho những mơ mộng của Đảng Dân Chủ.

Quan trọng hơn nữa, những ứng viên không phải trả lời câu hỏi nào về nợ quốc gia, hiện đang ở mức $22,000,000,000,000 (22 nghìn tỉ USD)!

Những ứng viên của Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa, cả hai đều muốn nhận được nguồn đầu tư vào các chương trình của họ, và không có ý định sẽ giải quyết vấn đề này.

Ông Sanders hiện đang là ứng viên duy nhất theo phe xã hội chủ nghĩa, nhưng cụm từ "xã hội chủ nghĩa" chỉ được nhắc tới 2 lần trong suốt 4 giờ tranh luận. 

Dường như các ứng viên theo đuổi khuynh hướng xã hội chủ nghĩa quyết định theo đuổi đường lối này nhưng không muốn nhắc tới mối liên hệ với chủ nghĩa xã hội.

Mới khởi động cuộc đua hạ bệ ông Trump, Đảng Dân Chủ đã để lộ hàng loạt tử huyệt  - Ảnh 7.

Sanders và một số người khác cho rằng mô hình của họ đang dựa trên mô hình của Thụy Điển và Đan Mạch. Nhưng ông dường như chống lại doanh nghiệp trong gần như tất cả các chính sách.

Chỉ có hai ứng viên chỉ ra rằng hợp tác với lĩnh vực tư nhân là điều cần thiết trong bối cảnh chính phủ phụ thuộc vào doanh nghiệp để có nguồn tiền và sản xuất các sản phẩm và dịch vụ.

Hai ứng viên Warren và Sanders không chỉ là nhà cực đoan về chính sách, mà còn rất tức giận, thường hay bác bỏ và hạ thấp đối thủ khi bảo vệ chính sách của họ. Họ cứng nhắc, không khoan nhượng và không hài hước.

Cả hai đều là triệu phú. Cả hai đều bài trừ doanh nghiệp. Họ dường như ghét sự phản đối từ bất kì ai. Họ có khả năng vẫn là ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống sau những cuộc tranh luận này.

Một nhà xã hội chủ nghĩa khác là Thị trưởng New York Bill DeBlasio, người đang cố gắng thực hiện theo chương trình của ông Sanders, và gần như không thành công. Ông cống hiến rất ít trong cuộc tranh luận. Lời bình luận nổi tiếng mà ông từng đưa ra là người dân ở New York có thể sẽ không bầu ông làm thị trưởng một lần nữa.

Ít sự quan tâm tới chính sách đối ngoại và quốc phòng

Đảng Dân Chủ không quá ưu tiên đầu tư vào quốc phòng. Họ không tin rằng Mỹ đang chịu mối đe dọa từ các nước khác và họ thấy các khoản chi tiêu cho quốc phòng nên được sử dụng cho các chương trình xã hội. Họ chống lại tự do thương mại và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ.

Có thể dự đoán được rằng, các ứng cử viên đã liên kết được một số các chính sách đối ngoại, ngoại trừ nghĩ tới việc làm hồi sinh mối quan hệ đồng minh với NATO và EU vốn đã bị hủy hoại bởi ông Trump. Một số ứng viên tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một vấn đề lớn, trong khi những người khác lo ngại về Nga.

Không ai nói gì về Trung Đông, Venezuela, Triều Tiên, Mexico hay khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên đây là tất cả những vấn đề lớn mà tổng thống tương lai phải đối mặt.

Các ứng viên Dân Chủ đã đưa ra một số điểm mạnh của họ để các ứng viên tiềm năng có thể thấy. Hiện tại, sẽ có một số cuộc cạnh tranh để chiếm được những lợi thế để dẫn tới chiến lược chiến thắng.

Các ứng viên sẽ tranh luận thêm 4 lần nữa trước khi một số người sẽ bị loại. Những người bỏ phiếu sẽ theo dõi phiếu bầu để xem ai sẽ là người đi tiếp vào vòng trong. Sự hứng thú đích thực sẽ tới vào mùa hè năm 2020 khi Đảng Dân Chủ gặp ông Trump.

Không may là, còn gần 18 tháng nữa mới tới cuộc bầu cử tháng 11/2020. Chiến dịch của Đảng Dân Chủ có thể cầm cự được lâu như vậy không? Đây là điều đáng lưu ý, đặc biệt đối với các ứng viên lớn tuổi. Có lẽ Mỹ nên áp dụng mô hình tranh cử của Anh hoặc Australia, để mọi sự ngã ngũ chỉ trong khoảng 1 tháng mà thôi!

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại