Đoàn bác sĩ quốc tế Cuba được đề cử giải Nobel Hòa bình

Lê Hà - Lê Hiền |

Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, ngày 26/9, Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) đã chính thức đề cử Phái đoàn Bác sĩ Quốc tế chuyên ứng phó các Tình trạng Thảm họa và Dịch bệnh nguy cấp “Henry Reeve” của Cuba cho giải thưởng Nobel Hòa bình 2020.

Trong thư đề cử gửi Ủy ban Nobel Na Uy, WPC nhấn mạnh những thách thức lớn mà nhân loại đang đối mặt do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và vai trò cốt lõi của tình đoàn kết quốc tế để hỗ trợ những người phải chịu đựng hậu quả trực tiếp và nặng nề nhất từ tình trạng khẩn cấp này.

WPC nhận định: “Chúng tôi nhận thấy một ví dụ chân thật nhất về tình hữu nghị quốc tế chính là công tác mà phái đoàn y tế “Henry Reeve”của Cuba đã triển khai từ rất lâu trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát”.

Tổ chức phi chính phủ có chi nhánh hoạt động tại trên 100 quốc gia này khẳng định công việc của đoàn y tế “Henry Reeve” của Cuba không mang tính tình thế mà là một phần của “truyền thống lâu năm của Cuba trong việc chăm sóc đầy tính nhân văn tới các dân tộc khác, bất chấp việc phải chịu đựng những trừng phạt vô cùng nặng nề từ hơn 6 thập kỷ qua và từng tước đi nhiều quyền lợi chính đáng của người dân Cuba”.

Đích thân Chủ tịch Cuba Miguel Diáz-Canel đã công bố thông tin này trên tài khoản Twitter cá nhân: “Cuba trước thế giới: bác sĩ thay vì bom đạn. Hội đồng Hòa bình Thế giới đã chính thức đề cử đoàn y tế Cuba Henry Reeve cho Giải thưởng Nobel Hòa bình”.

Đoàn bác sĩ quốc tế Cuba được đề cử giải Nobel Hòa bình - Ảnh 1.

Phái đoàn y tế “Henry Reeve” của Cuba từ Italy về tới sân bay quốc tế Jose Marti ở thủ đô La Habana ngày 8/6/2020, sau khi hoàn thành sứ mệnh hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát huy chủ nghĩa quốc tế trong hoạt động y tế bắt đầu từ những năm 1960, đoàn y tế tình nguyện quốc tế “Henry Reeve” được chính lãnh tụ cách mạng lịch sử Cuba Fidel Castro thành lập ngày 19/9/2005 để sẵn sàng giúp đỡ khắc phục hậu quả cơn bão Katrina tại bang New Orleans của Mỹ, với số lượng ban đầu là 12.000 nhân viên y tế, và tên gọi của đoàn y tế này lấy theo chiến sĩ quốc tế người Mỹ Henry Reeve, người từng tham gia và hi sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập đầu tiên của Cuba (1868 - 1878).

Cho dù Chính phủ Mỹ đã từ chối sự giúp đỡ của Cuba khi đó, đoàn y tế này đã tiếp tục hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới. Theo thống kê chính thức, hiện tại đoàn y tế Henry Reeve gồm 3.700 chuyên gia y tế, được chia thành 46 nhóm, hoạt động tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ riêng trong nhiệm vụ đối phó đại dịch COVID-19. Còn theo thống kê của WPC, các sứ giả nhân đạo này đã tham gia giúp đỡ hỗ trợ các nạn nhân của 16 trận lụt, 8 cơn bão lớn, 8 trận động đất và 4 đại dịch y tế trên khắp thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại