Dọa đánh thuế EU, ông Trump phát đi thông điệp đáng sợ với thế giới: Chiến tranh Thương mại chưa kết thúc

Linh Anh |

Khi cả thế giới còn chưa kịp hưởng niềm hân hoan Mỹ và Trung Quốc chấm dứt chiến thương mại, Washington đã công bố kế hoạch đánh thuế Liên minh châu Âu (EU), một đồng minh thân cận.

Mâu thuẫn suốt 14 năm

Khi các nhà hoạch định chính sách của Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đang nhóm họp tại Washington, Nhà Trắng đã phát đi một thông điệp đáng quan ngại. Bằng việc xem xét đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu, ông Trump muốn nói với cả thế giới rằng: "Cuộc chiến thương mại của tôi chưa kết thúc và nền kinh tế toàn cầu, vốn đang yếu dần, sẽ phải đối diện với nó".

Hôm 8/4, Nhà Trắng công bố kế hoạch đánh thuế lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 11 tỷ USD từ EU. Các mặt hàng bị đánh thuế đa dạng, từ máy bay trực thăng tới phô mai. Khi Mỹ và Trung Quốc đang tiến rất gần tới thỏa thuận thương mại, ông Trump lại chọn một nạn nhân mới và lần này là EU bất chấp đôi bên có những mối quan hệ rất khăng khít. Ông Trump không chỉ muốn viết lại quan hệ thương mại với đối thủ mà còn cả các đồng minh.

Đối với Quỹ tiền tệ Quốc tế hay những tổ chức kinh tế khác, động thái của ông Trump sẽ gây những tác động không nhỏ tới hệ thống thương mại toàn cầu cũng như làm tổn hại đầu tư kinh doanh và mối quan hệ giữa các bên.

Dọa đánh thuế EU, ông Trump phát đi thông điệp đáng sợ với thế giới: Chiến tranh Thương mại chưa kết thúc - Ảnh 1.

Nếu người Mỹ hiện thực hóa mức thuế mới, đây sẽ là biện pháp trả đũa cáo buộc EU trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus. Suốt 14 năm qua, Mỹ đã theo đuổi vụ kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm vào châu Âu và Airbus vì cho rằng nó làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Boeing, hãng sản xuất máy bay thương mại của Mỹ.

Tuy nhiên, trong lần hành động này, Mỹ nói rõ họ sẽ chờ phán quyết của WTO về việc châu Âu trợ cấp trái phép cho Airbus trước khi tiến hành đánh thuế. Đây có thể là tin tốt cho WTO và hệ thống mà ông Trump nhiều lần tuyên bố muốn đập bỏ. Cuộc chiến Airbus – Boeing cũng có trước khi ông Trump trở thành Tổng thống và phải công bằng mà nói, bất cứ chính quyền nào của Mỹ cũng sẽ sẵn sàng sử dụng các biệp pháp thuế để đáp trả EU nếu WTO tuyên bố họ trợ cấp sai.

Dấu hiệu tốt

Trong một cuộc phỏng vấn, Simon Lester, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Cato có trụ sở ở Washington, nhấn mạnh: "Đó là một dấu hiệu tốt. Chính quyền Trump đã gửi đi những dấu hiệu hỗn độn về WTO nhưng quyết định này cho thấy họ vẫn tuân thủ luật chơi".

Tuy nhiên, ông Trump có những vấn đề sâu sắc hơn với EU. Và đó là vấn đề có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. IMF dự đoán tăng trưởng năm nay sẽ ở mức chậm nhất kể từ sau dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước đây.

Mỹ và EU không tiến hành các biện pháp mong manh sau cái gọi là "lệnh ngừng bắn mong manh" được xác lập tháng 7 năm ngoái. Khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và ông Trump đã đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán về giảm thuế công nghiệp. Động thái này giúp giảm lo ngại Tổng thống Trump đánh thuế ô tô nhập khẩu và phụ tùng từ EU. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn chưa được tiến hành một cách nghiêm túc. Hiện tại, 28 nước EU vẫn đang trên đường đạt đồng thuận để Ủy ban châu Âu đứng ra đàm phán với Mỹ.

Không chỉ có EU trong vòng xoáy chiến tranh thương mại

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận thương mại. Nhiều khả năng, nó sẽ được công bố trong tháng tới. Tuần tới, một phái đoàn Nhật Bản sẽ tới Washington để đàm phán về các thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ. Trong khi đó, các công ty và nông dân Mỹ đang kêu gọi được bồi đắp những thiệt hại khi ông Trump rút khỏi TPP sau khi lên nhậm chức.

Dọa đánh thuế EU, ông Trump phát đi thông điệp đáng sợ với thế giới: Chiến tranh Thương mại chưa kết thúc - Ảnh 3.

Mối đe dọa về thế ô tô có thể làm hỏng nền kinh tế Nhật Bản, buộc Tokyo phải ngồi vào bàn đàm phán. Toshimitsu Motegi, nhân vật được coi là người đứng đầu các quan điểm thương mại của Nhật Bản, khẳng định rằng bất cứ thỏa thuận nào được ký cũng phải có lợi cho cả hai bên. Điều đó cho thấy Nhật Bản sẽ không dễ dàng nhượng bộ. Hiện tại, chưa rõ nội dung của cuộc đàm phán.

Canada và Mexico cũng đang tiếp tục thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép trong bối cảnh cả ba nước đều đang nỗ lực để các cơ quan lập pháp phê chuẩn hiệp định thương mại tự do mới thay thế cho NAFTA. Ấn Độ thì đang đe dọa đánh thuế táo của Mỹ và các sản phẩm khác nhằm trả đũa ông Trump trong việc loại quốc gia Nam Á này khỏi danh sách ưu đãi cho các nước đang phát triển.

Wendy Cutler, cựu chuyên gia đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ đang làm việc tại Asia Society, nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn ở trong tình thế chẳng khác gì năm ngoái". Điều đó mang đế rủi ro và rất nhiều điều không chắc chắn. Ông Trump có thể sử dụng biện pháp đánh thuế để buộc EU, Nhật Bản và các đối tác khác ngồi vào bàn đàm phán. "Câu hỏi đặt ra chỉ là khi nào", Cutler nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại