Ghi nhận tại các hệ thống vàng bạc đá quý tại Hà Nội, ngay từ sáng nay, nhiều nơi ghi nhận giao dịch nhộn nhịp, liên tục nhiều lượt khách ra vào. Chuẩn bị cho ngày Thần Tài, ngoài sản phẩm với mẫu mã, trọng lượng đa dạng, khâu phòng dịch cũng được chú trọng.
Hàng vàng đông khách trước ngày Vía Thần Tài |
Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua vàng và trang sức trong ngày vía thần tài đầu năm 2022, doanh nghiệp đã tuyển chọn và chế tác nhiều sản phẩm vàng và trang sức thần tài.
Sản phẩm chế tác riêng cho ngày Vía Thần Tài 2022 |
Tại hệ thống Bảo tín Minh Châu, quầy thanh toán, tư vấn đông kín khách. Các sản phẩm được quan tâm nhiều hơn là đĩnh vàng tài lộc, vỉ kim dần, vỉ thần tài, nhẫn tròn trơn,… Các sản phẩm chế tác riêng cho ngày Thần tài chủ yếu có bản vị từ 1 chỉ, chế tác hình hổ, túi lộc, thỏi vàng, chữ may mắn. Để đảm bảo phòng dịch, hệ thống cửa hàng này đã phun khử khuẩn toàn bộ cơ sở trong ngày hôm qua.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các thương hiệu lớn tiếp tục đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Sau dịp Thần tài 2021 ghi nhận hơn 3.000 giao dịch trên ứng dụng eGold, năm nay Doji tiếp tục phát triển mảng online. Sau khi mua vàng, nếu khách hàng không có nhu cầu giữ hộ vàng trên tài khoản eGold, có thể đăng ký rút vàng tại các địa điểm giao dịch của DOJI ở các thành phố lớn.
Quầy thanh toán liên tục đón khách ra vào, xếp hàng chờ tới lượt |
Ghi nhận đơn hàng chục tỷ đồng
Tại FJC, đại diện doanh nghiệp cho biết, tổng đài chăm sóc khách hàng liên tục nhận hàng trăm cuộc gọi tư vấn và đặt hàng mỗi ngày. Đáng chú ý, FJC cũng ghi nhận những đơn hàng lớn trị giá hàng chục tỷ đồng với chính sách thanh toán trước.
Trong dịp Thần Tài, từ 8/ 2-14/2/2022, FJC mở cửa sớm 1h 30 phút và đóng cửa muộn 2h so với ngày thường (hoạt động từ 7h30 đến 20h30).
Về nhu cầu tiêu thụ vàng thời gian qua, theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế Giới, nhu cầu tiêu dùng vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) đã phục hồi sau nhiều tổn thất do COVID gây ra từ năm 2020 và đạt 4.021 tấn trong cả năm 2021.
Nhu cầu về trang sức ở Việt Nam ghi nhận đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong quý 4 giảm còn 2 tấn, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID.
Đầu tư bán lẻ trong quý 4 tại Việt Nam giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 6 tấn. Mặc dù tình hình phong tỏa bắt đầu bớt căng thẳng vào tháng 10, nhưng niềm tin của người tiêu dùng vẫn cần thời gian để phục hồi hoàn toàn.
Nhu cầu bán lẻ theo quý tăng một phần do mối lo ngại về lạm phát, lãi suất tiết kiệm giảm và đồng Việt Nam giảm giá trị. Nhu cầu cả năm về vàng miếng và tiền xu ở Việt Nam đạt 31 tấn, tăng nhẹ so với 29 tấn được mua trong năm 2020.
Giá vàng cận kề ngày vía Thần Tài tiếp tục giảm mạnh |
Tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chiều nay (9/2), vàng miếng SJC niêm yết ở mức 61,25 – 62,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 550.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và 450.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Nhẫn tròn trơn 999.9 giao dịch ở mức 53,4 - 54,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cũng giảm 200.000 – 300.000 đồng/lượng so với đầu phiên sáng.
Công ty Phú Quý niêm yết vàng miếng SJC ở mức 61,4 – 62,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua. Nhẫn tròn trơn 999.9 giao dịch ở mức 53,3 – 54,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Hà Nội, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết vàng miếng ở mức 61,1 – 62,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch mua vào - bán ra là 1,3 triệu đồng/lượng.