"Đổ thêm dầu vào lửa" ở Trung Đông, TT Trump châm ngòi cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran của TT Trump không bất ngờ. Nó nằm trong kế hoạch vận động tranh cử năm 2016 nhằm thay đổi chính sách Trung Đông của người tiền nhiệm.

Quyết định nằm trong kế hoạch của Tổng thống Trump

Ngày 9/5/2018, bất chấp mọi lời khuyên của các đồng minh châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA, sớm hơn ba ngày so với thời hạn.

Quyết định này không có gì ngạc nhiên, bởi vì nó nằm trong kế hoạch của ông Trump được đưa ra trong cuộc vận động tranh cử năm 2016 nhằm thay đổi các chính sách Trung Đông của người tiền nhiệm Barack Obama. Ngay sau khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump đã coi việc chống Iran là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington.

Đổ thêm dầu vào lửa ở Trung Đông, TT Trump châm ngòi cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thoải thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AP

Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Trump đã chọn Ả rập Xê út và Israel là hai nước chống Iran kịch liệt cho chuyến công du nước ngoài đẩu tiên của mình ngay sau khi nhậm chức. Tiếp theo việc thành lập một Liên minh Hồi giáo chống khủng bố tại Ryahd (5/2017), thực chất là chĩa mũi nhọn vào Iran, sau khi đặt nền móng cho quan hệ "cùng hội cùng thuyền" giữa Ả rập Xê út và Israel, việc ông Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể là màn dạo đầu cho một hành động quân sự mới mạnh mẽ hơn chống lại nước Cộng hoà Hồi giáo này.

Một số nhà quan sát đang nói đến khả năng một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran, nhưng trước mắt có lẽ Israel và Ả rập Xê út sẽ tăng cường các cuộc tấn công vào các vị trí của Iran tại Syria và tiếp tục tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại các lực lượng được Iran ủng ở Yemen, Nam Lebanon và dải Gaza.

Việc Thủ tướng Israel thăm Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin ngay trong ngày ông Trump tuyên bố quyết định rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran là nhằm thuyết phục Nga hoãn việc cung cấp tên lửa S-300 cho Syria để Israel có thể dễ dàng không kích các vị trí của Iran ở Syria.

Ông Trump đang ở trong tình thế khó khăn. Quyết định của ông Trump rút khỏi JCPOA đang chia rẽ nội bộ nước Mỹ. Đảng Dân chủ, thậm chí nhiều thành viên đảng Cộng hoà trong Quốc hội đã phê phán mạnh mẽ quyết định này và cho đây là một sai lầm nghiêm trọng. Ông Trump gần như đơn độc trong quyết định của mình. Chỉ có Israel, Ả rập Xê út, Bahrain và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump.

Ngoài ra, ông Trump còn đang phải đối mặt với các cuộc điều tra của Cục điều tra liên bang (FBI) về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, về trốn thuế và quan hệ với diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels.

Tác động của việc Mỹ rút khỏi Thoả thuận JCPOA

Đổ thêm dầu vào lửa ở Trung Đông, TT Trump châm ngòi cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm - Ảnh 2.

Iran tỏ ra khá ôn hoà trước quyết định của TT Mỹ. Ảnh: Getty

Quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran là tạo thêm một lò lửa căng thẳng mới không chỉ ở khu vực Trung Đông vốn đang cháy rừng rực, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoà bình và an ninh thế giới. Thỏa thuận hạt nhân JCPOA có thể chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của tất cả các bên nhưng nó là một nhân tố tích cực góp phần vào hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông và làm cho nước Mỹ an toàn hơn.

Tuyên bố của Tổng thống Trump sẽ làm cho quan hệ giữa Iran với Israel và các nước vùng Vịnh, trước hết là với Ả rập Xê út, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Bahrain sẽ trở nên căng thẳng hơn. Qua tuyên bố này, ông Trump đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới tại khu vực và nếu Iran trở lại làm giàu Uranium thì sẽ còn dẫn đến cuộc chạy đua hạt nhân cực kỳ nguy hiểm. Ngoại trưởng Ả rập Xê út tuyên bố nếu Iran tìm cách có vũ khí hạt nhân thì nước ông cũng sẽ làm điều đó.

Việc Mỹ rút khỏi thoả thuận JCPOA sẽ làm cho các lực lượng thuộc phái cứng rắn, bảo thủ trong nội bộ Iran, trước hết là giới giáo sỹ và các lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) trỗi dậy chống lại đường lối cởi mở, ôn hoà của Tổng thống Hassan Rouhani đang chủ trương bình thường hoá quan hệ với Mỹ, phương Tây và các nước vùng Vịnh. Điều này về lâu dài hoàn toàn không có lợi cho Mỹ và các nước khu vực.

Việc chính quyền của Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ đáp ứng các đòi hỏi của đồng minh Israel mà còn nhằm mục tiêu thực dụng hơn là tranh thủ các nước dầu mỏ giàu có ở vùng Vịnh, đặc biệt là Ả rập Xê út và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Các nước này đang là những nước mua vũ khí lớn nhất của Mỹ và các công ty dầu mỏ hàng đầu của Mỹ đang tham gia vào khai thác dầu mỏ và khí đốt tại đây, đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ. Ngoài thị trường vũ khí, công nghệ và hàng hoá Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Ả rập Xê út và các nước vùng Vịnh khác hiện đang nắm giữ một số lượng cổ phiếu rất lớn tại Mỹ và gửi hàng ngàn tỷ đô la tại các ngân hàng Mỹ. Với tư duy của một doanh nhân, ông Trump có thể làm bất cứ điều gì để giữ được quan hệ tốt với các nước này.

Việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ đưa Tổng thống Trump vào thế yếu trong nói chuyện tại cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên sắp tới.

Mỹ đánh Iraq năm 2003, tấn công Libya năm 2011 vì biết chắc hai nước này không có vũ khí hủy diệt và bây giờ dám dọa đánh Iran vì nước này không có vũ khí hạt nhân. Một trong những lý do Mỹ phải ngồi lại với Triều Tiên vì Triều Tiên đã chế tạo thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể bắn tới lãnh thổ của Mỹ.

Triều Tiên không còn tin Mỹ sẽ tôn trọng các Hiệp định ký kết và chắc chắn trong các cuộc đàm phán sắp tới Triều Tiên sẽ đưa ra các đòi hỏi cao hơn đối với Mỹ, đặc biệt là những đòi hỏi liên quan tới an ninh của Triều Tiên. Quyết định của Mỹ rút khỏi JCPOA đã tạo cho Triều Tiên lý do để giữ kho vũ khí hạt nhân của mình. Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên sẽ không dễ dàng.

Tương lai số phận thỏa thuận hạt nhân JCPOA

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, năm nước còn lại gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc vấn đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận này. Mặc dù tuyên bố quyết tâm duy trì Thỏa thuận JCPOA, ủng hộ Iran, nhưng phản ứng của tất cả các nước khá ôn hoà, không muốn gây căng thẳng và làm hỏng quan hệ với Mỹ.

Anh, Pháp và Đức ra thông cáo chung ủng hộ giữ thỏa thuận JCPOA, nhưng cũng tỏ thông cảm với lo lắng của chính quyền Mỹ sau khi thỏa thuận này hết hạn vào năm 2025, Iran có thể nối lại các hoạt động làm giàu Uranium và chế tạo vũ khí hạt nhân. Các nước này cho biết sẽ cố gắng thuyết phục Iran đàm phán về các vấn đề liên qua để có thể tiếp tục thực hiện thỏa thuận này.

Ngay cả Nga là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc giữ Thoả thuận JCPOA, nhưng cũng tuyên bố ủng hộ ý kiến của Pháp tiến hành đàm phán về một số vấn đề liên quan. Mỹ cũng nói bóng nói gió rằng sẽ quay lại Thỏa thuận JCPOA một khi các điều kiện của họ được đáp ứng.

Đổ thêm dầu vào lửa ở Trung Đông, TT Trump châm ngòi cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm - Ảnh 4.

Bản thân Iran, khác với những tuyên bố hết sức cứng rắn trước đây là nếu Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân thì Iran cũng sẽ xé bỏ ngay thỏa thuận và nối lại chương trình làm giàu Uranium trong vòng 24 giờ, ngày 9/5/2018, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố sẽ tham khảo kiến năm nước ký kết còn lại và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về những bước cần làm. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp E. Macron, ông H. Rouhani vẫn khẳng định sẽ ở lại Thỏa thuận hạt nhân nếu lợi ích của Iran được đảm bảo. Như vậy, phản ứng bước đầu của Iran tỏ ra khá ôn hoà. Cánh cửa đối thoại vẫn chưa bị khép lại.

Chưa thể khẳng định được điều gì sẽ xảy ra, nhưng sắp tới có khả năng các bên sẽ ngồi lại đàm phán để giữ thỏa thuận được thực hiện. Iran đã quyết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và chấp nhận sự giám sát nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay thì việc ghi thêm một điều khoản cam kết từ bỏ vĩnh viễn chương trình vũ khí hạt nhân cũng không có gì trái với Thỏa thuận JCPOA.

Thực tế, sau 2015, Iran vẫn phải chịu giám sát nghiêm ngặt của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đàm phán chỉ có thể được nối lại và đạt được kết quả trên cơ sở thiện chí và tôn trọng lẫn nhau.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

TT Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại