Đằng sau những pha bóng quyết liệt của trung vệ này chất chứa rất nhiều tài nghệ của Công "Tây" về khả năng kiếm tiền.
Bỗng dưng đổi đời
Trong làng bóng đá nội, trung vệ Vũ Như Thành vẫn được xem là người được hưởng số tiền lót tay cao nhất mỗi khi ký kết hợp đồng. Giới thạo tin cho rằng, Thành "kếu" đã bỏ túi không dưới 30 tỷ đồng sau những lần anh chuyển về đá cho B.BD, Ninh Bình.
Thành "kếu" đã có thương hiệu nên việc anh liên tục được trải thảm đỏ kèm số tiền lót tay lớn là điều đương nhiên. Còn với Chí Công, trung vệ ngoài 20 tuổi mới bước vào con đường bóng đá chuyên nghiệp thì lại là trường hợp khá đặc biệt.
Từ việc đang thi đấu phập phù trong màu áo đội hạng Nhất 2008 Cần Thơ, anh được HLV Calisto để ý rồi đưa lên tuyển tập trung cho AFF Cup 2008 đã trở thành mốc son trong sự nghiệp cầu thủ người Cần Thơ.
Được lên tuyển và tên tuổi được nhắc đến nhiều, Công "Tây" về B.BD với bản hợp đồng có giá 5 tỷ đồng. Chưa hết, năm 2011, anh được đội bóng đất Thủ gia hạn hợp đồng kèm số tiền 11 tỷ đồng.
Sở dĩ con số 11 tỷ đồng được công bố vì năm 2013, Chí Công và B.BD rơi vào cuộc đấu pháp lý khi đội bóng đất Thủ bắt Công "Tây" trả lại số tiền hơn 5 tỷ đồng khi hai bên nói lời chia tay nhau.
Đến năm 2014, anh về đầu quân cho Long An cũng với con số tiền tỷ. Chưa hết, năm 2016 khi hồi hương đầu quân cho Cần Thơ, anh cũng được nhận số tiền lót tay lớn. Nên nhớ, thời điểm đó, Chí Công được rất nhiều CLB nhảy vào "đấu giá" với mức giá sàn 1,5 tỷ đồng. Ký 3 năm với Cần Thơ, rất có thể Chí Công đã bỏ túi không dưới 5 tỷ đồng.
Tính ra, từ lúc rời Cần Thơ cho đến khi hồi hương, anh đã trải qua 4 lần ký kết hợp đồng với số tiền không dưới 20 tỷ đồng. Đây là con số mơ ước với bất kỳ cầu thủ nào và Công "Tây" may mắn có được.
Có nhiều tiền sau mỗi vụ chuyển nhượng, Chí Công quay sang đầu tư bất động sản với rất nhiều mảnh đất tại Bình Dương, Cần Thơ, thậm chí anh còn xây nhà cho thuê kinh doanh.
Qủa thật, dù vẻ ngoài khuôn mặt trông khá "Hai lúa", nhưng Chí Công tính toán rất sắc sảo và không bao giờ để tiền nằm một chỗ, mà phải bắt nó hoạt động, đem lại lợi nhuận cao với công thức: "chồng đi đá bóng kiếm tiền rồi 'bơm' cho vợ kinh doanh".
Tại sao Công "Tây" hay nhận án phạt?
Với những người ít tiếp xúc với Chí Công thì sẽ có ý nghĩ cầu thủ này quá dữ dằn cả trên sân lẫn ngoài đời. Không nghĩ như vậy làm sao được bởi trong mỗi pha bóng, anh đều vào bóng theo kiểu hết chân, đôi khi còn khiến đối thủ phải rời sân với phương song song mặt đất.
Thực tế, từ ngày khoác áo B.BD, Chí Công đã "gây sốt" với pha bóng cắt kéo, đạp thẳng vào đùi đối với tiền đạo CLB Hà Nội ACB hay khi về đá cho Long An anh cũng sẵn sàng phun mưa, gây sự với Văn Học. Rồi về đá cho Cần Thơ, anh cũng gây sự, mắng chửi trọng tài Duy Lân. Hay mới nhất, pha vào bóng khiến Thái Quý ngã lăn ra sân trước khi dành tặng cho đối thủ cú đạp gầm giày.
Nhiều người lý giải rằng do cái đầu không điều khiển được đôi chân nên Công "Tây" mới thường xuyên "gây án" trên sân cỏ để rồi nhận liên tiếp những hình phạt từ Ban Kỷ luật VFF.
Có một thực tế rằng, ở ngoài đời trung vệ này khá lành, được lòng rất nhiều các đồng đội. Còn nhớ, ngày ở B.BD, anh là cặp bài trùng khá thân với đội trưởng Anh Đức. Đội trưởng của B.BD khá kén chọn bạn bè nhưng khi gặp Chí Công, họ nhanh chóng tìm được sự thân thiết.
Hãy nghĩ mà xem, năm 2011, khi bị nhiều đối tượng xã hội ở đất Thủ truy sát, chém loạn xạ khiến Chí Công phải nhập viên thì chỉ có Anh Đức mới "dũng cảm" phi xe ô tô đến đưa người bạn của mình từ nơi bị chém đến bệnh viện.
Chưa hết, khi về khoác áo Long An hay Cần Thơ, Chí Công được tất cả các cầu thủ đồng loạt bầu làm đội trưởng, dù chưa hẳn ở các đội đó anh là người lớn tuổi nhất. Nói thế để thấy, ngoài đời Chí Công được nhiều đồng đội quý mến chứ không dữ dằn như trên sân cỏ.
Vậy, tại sao Chí Công liên tục đá láo rồi nhận án phạt? Điều này có lẽ xuất phát từ tư duy chơi bóng ngay từ khi mới chập chững theo nghiệp quần đùi áo số của trung vệ này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn khi rời Cần Thơ đến B.BD vào năm 2008, Chí Công đã thẳng thắn nói rằng: "Ưu điểm nhất của tôi là thể lực. Nhiều pha bóng tôi cậy vào sức của mình để ngăn cản đối thủ".
Lời bộc bạch đó hoàn toàn đúng bởi năm 2008, 2010 khi được lên tuyển, anh chỉ được HLV Calisto thường xuyên xếp vào đội hình phụ nhằm mục đích giúp các tiền đạo đội hình chính được "va đập" với cầu thủ có lối chơi thiên về sức mạnh như Chí Công để từ đó rèn giũa, làm quen trước khi bước vào giải.
HLV Miura dùng sức vóc của Chí Công để hạn chế sức tấn công của Man City.
Rồi năm 2015, khi đã 32 tuổi, Chí Công vẫn được HLV Miura gọi lên tuyển đá giao hữu với Man City bởi ông biết sức vóc hơn người của Công "Tây" có thể sẽ gây khó khăn cho dàn sao đến từ nước Anh.
Chí Công luôn trông cậy vào thể lực để cắt bóng nên thành thử nhiều tình huống khi bị đối phương vờn bóng qua người khiến anh buộc phải đá láo như cách để chữa thẹn khi bị "ngửi khói".
Có lẽ, với Chí Công, những ngày ngồi thụ án treo giò 3 trận từ VFF là quãng thời gian vàng để anh suy nghĩ lại để đá bóng bằng cái đầu hơn là những pha đạp gầm giày gây phản cảm với người xem!