Tuy nhiên, thực tế theo các kỹ thuật viên bảo dưỡng ô tô, việc dựng đứng cần gạt nước phía trước kính lái khi đỗ xe dưới trời nắng nóng cũng không giúp kéo dài tuổi thọ của bộ phận này. Bởi khi lắp ráp, sản xuất một chiếc ô tô, nhà sản xuất đã tính đến tác động của các yếu tố môi trường.
Bên cạnh đó, ngay cả khi được dựng đứng, cần gạt nước dù không chịu tác động nhiệt từ bề mặt thuỷ tinh của kính lái nhưng cũng sẽ bị nóng lên do nhiệt độ môi trường, cũng như ảnh hưởng từ tia UV của ánh nắng mặt trời.
Không cần thiết phải dựng đứng cần gạt nước kính
Không những vậy, thói quen dựng đứng cần gạt nước phía trước kính lái còn khiến cho phần lò xo trên tay gạt bị giãn ra, qua đó làm giảm áp lực của cần gạt lên bề mặt bên ngoài của kính lái, dẫn đến cần gạt không thể làm sạch được bề mặt kính.
Chính vì vậy, người chỉ nên dựng đứng cần gạt nước phía trước kính lái khi vệ sinh, bảo dưỡng hay thay thế chi tiết này.
Tuy nhiên, để giảm thiểu các tác hại của nắng nóng đối với gạt mưa nói riêng cũng như toàn bộ chiếc xe nói chung, chủ xe nên hạn chế đỗ xe ô tô ở những nơi nắng gắt hoặc có biện pháp che chắn cẩn thận.
Chủ động thay thế khi cần thiết
Trung bình, tuổi thọ của cần gạt mưa rất ngắn, chỉ 4 - 6 tháng với xe di chuyển nhiều hoặc hơn 1 năm đối với xe di chuyển ít.
Thực tế giá thành các bộ gạt mưa hiện nay cũng không quá đắt đỏ và dễ tháo lắp để thay thế. Do vậy, chủ xe nên định kỳ kiểm tra lớp cao su trên cần gạt mưa. Khi phát hiện những dấu hiệu hỏng hóc như nứt vỡ, mòn, chai cứng…ở lớp đệm cao su của cần gạt, chủ xe cần phải có phương án thay thế cho hợp lý.
Chủ động thay cần gạt nước khi bị hư hỏng. (Ảnh minh họa).
Nếu để lớp đệm gạt cao su quá mòn có thể dẫn tới những tiếng rít khó chịu khi bật gạt nước hoặc thậm chí tạo nên những vết xước trên kính chắn gió của cabin xe. Thay thế đệm cao su hoặc cả cần gạt sẽ giúp gạt mưa hoạt động hiệu quả hơn.