Đổ nước đá lên đầu, "bóc giá" và câu chuyện từ những bãi rác

Bảo Nam |

Hiệu ứng mạng xã hội, hiệu ứng đám đông... có thể mang đến những hành động khó hiểu, đôi khi là điên rồ mà... chẳng hiểu tại sao.

Thử thách dọn rác từ đâu mà ra?

Suốt trong nửa tháng gần đây những bãi rác khổng lồ bỗng dưng được dọn dẹp sạch sẽ, đóng thành những túi ngăn ngắp, và dĩ nhiên không thể thiếu thủ tục "chụp ảnh đăng Facebook" gắn hashtag #trashtag.

Tìm hiểu mới biết, trào lưu này được tạo ra bởi anh chàng Bryon Roman. Anh đăng lên facebook của mình một bức ảnh theo dạng "Before and After" (trước và sau).

Đổ nước đá lên đầu, bóc giá và câu chuyện từ những bãi rác - Ảnh 1.

Bức ảnh 1 chụp Bryon đang đóng bộ bảnh bao ngồi trên một đống rác khổng lồ. Bức ảnh 2 chụp lại thành quả sau khi Bryon đã dọn dẹp sạch sẽ, đóng thành 9 túi rác xếp thẳng hàng.

Trong phần chú thích ảnh, Bryon thách thức mọi người tìm một bãi rác lớn và dọn dẹp giống anh. Bài post của anh chàng này nhận tới hơn 314 nghìn lượt chia sẻ.

Trào lưu này nhanh chóng lan rộng khắp thế giới và dĩ nhiên, thế giới có trào lưu gì không bao giờ thiếu sự góp mặt của lớp trẻ Việt Nam.

Hàng trăm bài post đã xuất hiện trên mạng ghi lại cảnh những bạn trẻ hoàn thành "thách thức dọn rác". Những bãi rác lớn, tồn tại nhiều năm bỗng dưng được dọn dẹp sạch sẽ.

Những bài post kiểu này nhận được rất nhiều lượt thích và những bình luận tích cực. Nhờ đó mà trash challenge ngày càng tăng nhiệt, thôi thúc càng nhiều người đi dọn rác.

Bình luận về trào lưu này, tờ Insider viết: "Đây là một trào lưu có ích dành cho những bạn trẻ buồn chán và nghiện mạng xã hội". Bài viết nhấn mạnh vào một khía cạnh quan trọng: trash challenge sẽ không bao giờ thu hút nổi người chơi nếu thiếu đi những lượt thích trên mạng xã hội.

Đây có thể là một lời gợi mở cho tương lai.

Muốn lan tỏa phải gắn với hơi thở cuộc sống

Bấy lâu nay, công tác tuyên truyền lối sống văn minh luôn chỉ dừng ở việc tuyên truyền. Những tấm băng rôn kêu gọi không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, không lấn tuyến của xe bus nhanh BRT, không vứt rác bừa bãi… được căng lên rồi lại hạ xuống một cách bất lực.

Năm 2015, nhiều người dân ở Bình Định xôn xao trước việc băng rôn tuyên truyền an toàn giao thông với dòng chữ "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học" căng tại các trục đường chính thành phố Quy Nhơn.

Mục đích của băng rôn này là đánh vào lòng tự trọng của người tham gia giao thông, với hy vọng vì tự ái mà người dân sẽ chấp hành tốt đèn tín hiệu giao thông.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực nâng cao nhận thức đều đi vào ngõ cụt. Một bộ phận người dân tiếp nhận những thông tin tuyên truyền kiểu này bằng thái độ chống đối, hằn học, bởi nó ảnh hưởng tới thói quen và sự tự do của họ.

Nhưng thành công của "thử thách dọn rác" sẽ khiến những nhà làm công tác tuyên truyền phải suy nghĩ lại.

Nếu chịu khó để ý thì tất cả những trào lưu, dù tốt hay ngớ ngẩn, nhưng miễn sao gắn với mạng xã hội, đều được thực hiện một cách nhiệt tình.

Giới trẻ Việt Nam từng thi nhau đổ nước đá lên đầu theo thử thách "Ice Bucket Challenge". Vài người làm mà không hiểu ý nghĩa đằng sau của hoạt động này là gì, miễn sao có thứ đăng Facebook.

Đổ nước đá lên đầu, bóc giá và câu chuyện từ những bãi rác - Ảnh 2.

Trào lưu "Ice Bucket Challenge" tùng gây sốt một thời.

Trào lưu "ngã sấp mặt" (tên tiếng Anh là FallingStars) cũng nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội. Rất đơn giản, bạn chỉ việc chụp ảnh trong thế đang ngã úp mặt xuống đất, vây quanh là cơ man đồ đạc, rồi đăng Facebook là xong.

Sau sneaker fest, giới trẻ lại bị cuốn vào trào lưu "bóc giá trang phục". Hàng trăm bài post khoe khoang những bộ outfit hàng hiệu giá tiền triệu cho tới những trào lưu ăn theo hài hước mọc lên như nấm sau mưa.

Trước đó, mạng xã hội cũng rầm rộ một thời gian trào lưu Halu Halu, hay đơn giản là "đặt tay lên cằm". Không chỉ các bạn trẻ, đến cả giới showbiz, cầu thủ… cũng bị kéo vào.

Bên cạnh những trend vô thưởng vô phạt, sinh ra cho vui, Facebook đã không ít lần bị đầu độc bởi những trào lưu rợn tóc gáy. Đáng kể đến nhất là Blue Whale Challenge - thử thách 'Cá voi xanh'.

Đổ nước đá lên đầu, bóc giá và câu chuyện từ những bãi rác - Ảnh 3.

Blue Whale Challenge - thử thách 'Cá voi xanh' khiến dư luận phẫn nộ.

Đây là trào lưu gây sốc với thế giới khi hàng loạt vụ án mạng của giới trẻ đều phát hiện bắt nguồn từ cách thức của trò chơi này.

Tuy nhiên, phải đến trào lưu dọn rác, mạng xã hội mới thật sự xuất hiện một trend có ý nghĩa. Như mọi khi, cứ có trend là giới trẻ đổ xô thực hiện, cốt là để làm phong phú hơn trang facebook, Instagram của mình.

Mạng xã hội đang trở thành một nguồn tài nguyên vô tận, vô giá mà nếu biết khai thác đúng cách, xã hội hoàn toàn có thể tốt đẹp hơn mỗi ngày.

*Bài viết thể hiện quan điểm của người viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại