Chỉ vì một bản án thiếu tình, vô lý, một con người có gia đình, vợ con đã sụp đổ niềm tin, đã tuyệt vọng đến mức tự sát (bất thành) trong trại giam.
Vụ án lùi xe trên cao tốc đã có phán quyết. Theo đó, tòa phúc thẩm Thái Nguyên đã tuyên bị cáo Lê Ngọc Hoàng, người lái xe container án 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Lý lẽ chính của Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn là bị cáo Hoàng đã vi phạm quy định về giữ khoảng cách an toàn với các xe phía trước.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Hoàng chân thành mong muốn HĐXX hãy đặt vào vị trí của Hoàng để xem có phương án xử lý nào khác không. “Anh Sơn chạy lùi trên cao tốc, nghĩa là chạy ngược chiều.
Khi thấy xe Innova từ xa, bị cáo đã dời chân ga sang chân phanh, nghĩa là đã giảm tốc độ. Khi anh Sơn lùi xe ra làn đường của bị cáo, bị cáo đã phanh gấp nhưng xe Innova vẫn lùi, không cho bị cáo một cơ hội nào để tránh né”.
Cay đắng và bi thảm cho số phận một con người.
Chỉ vì một chiếc xe, được điều khiển từ một người miệng nồng nặc mùi rượu, chở quá số người và quan trọng nhất, đi lùi trên cao tốc đã khiến một người tử tế lâm vòng lao lý, gia đình khuynh gia bại sản.
Chỉ vì một bản án thiếu tình, vô lý, một con người có gia đình, vợ con đã sụp đổ niềm tin, đã tuyệt vọng đến mức tự sát (bất thành) trong trại giam.
Nếu hôm ấy ngồi trên cabin, các thẩm phán sẽ thấy quy định về khoảng cách an toàn chỉ áp dụng với xe đi cùng chiều chứ hoàn toàn vô nghĩa với một chiếc xe đi lùi và bất thần lùi ngoặt sang làn đường xe container.
Nếu như hôm ấy, phía trước không phải là một chiếc Innova mà là một chiếc xe tải thì phải chăng bị cáo hôm nay đã không còn có thể đứng trước mặt các pháp quan?
Nếu như hôm ấy người lái container đánh lái chuyển làn để tránh thì sẽ lại có một tai nạn khác, một người lái khác mắc lỗi “không giữ khoảng cách an toàn”?
Nếu hôm ấy ngồi trên xe container, các vị sẽ hiểu được cảm giác oan ức, tuyệt vọng khi bị khép tội, sẽ hiểu câu hỏi thất thần của Hoàng: Có tài xế nào có thể xử lý an toàn trước tình huống đó hay không?
Tuyên một người có tội khi anh ấy hoàn toàn không vi phạm, khi anh ấy chính xác là một nạn nhân, khi anh ấy rơi vào tình huống bất khả kháng. Đó có phải là công lý mà nhân dân, và cả những nạn nhân muốn thấy?