Theo Interfax, một quan chức quốc phòng Nga cấp cao tiết lộ Ankara và Moscow đang đàm phán mua tiếp hệ thống phòng không hiện đại S-400.
Hai bên hi vọng có thể chốt thương vụ trong nửa đầu năm 2020, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết hoàn toàn các lo ngại của Mỹ.
"Chúng tôi đang thảo luận về vấn đề này. Điều quan trọng hơn cả là hai bên đều có ý định tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực này", hãng tin Interfax dẫn lời ông Dmitry Shugaev, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga, hôm 6/12 cho biết.
Trước đó, Giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Alexander Mikheev ngày 26/11 cũng tiết lộ rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực thảo luận về việc mua thêm một số lô "Rồng lửa" S-400.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO đang trải qua giai đoạn căng thẳng khi Ankara đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Mỹ nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng "Rồng lửa" S-400 của Nga không phù hợp với các hệ thống phòng thủ của NATO, đồng thời tạo ra mối đe dọa đối với các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
Bất chấp cảnh báo trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận lô S-400 đầu tiên từ Nga hồi tháng 7. Đáp lại, Washington loại Ankara khỏi chương trình F-35, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ vừa là bên tham gia sản xuất, vừa là khách hàng mua dòng máy bay chiến đấu tối tân này.
Ankara và Moscow đang đàm phán mua tiếp hệ thống phòng không hiện đại S-400.
Việc Ankara - một thành viên của NATO do Washington dẫn dắt, lại đi mua vũ khí của Moscow đã khiến Mỹ "nóng mặt".
Người Mỹ lo ngại một khi S-400 được tích hợp vào hệ thống phòng không của NATO, các bí mật quân sự của phương Tây sẽ bị Nga nắm được giữa lúc quan hệ giữa hai bên luôn âm ỉ căng thẳng.
Mỹ hiện đang cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ S-400, thậm chí đe dọa trừng phạt nhưng có vẻ như không thể lay chuyển được Ankara.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 5/12 thừa nhận "không có tiến triển nào" trong việc thuyết phục, đồng thời cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi mua hệ thống S-400 của Nga là "hướng đi sai lầm".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng Mỹ đã sai lầm khi yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, gọi đây là một hành động "can thiệp vào các quyền chủ quyền" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan nhấn mạnh, yếu tố mang tính ràng buộc nhất hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi một số "nỗ lực chiến lược" với Nga, trong đó hệ thống khí đốt tự nhiên Turkstream khởi đầu từ Nga và chạy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan cũng nhấn mạnh rằng, ông coi cả Nga và Mỹ đều là bạn, và tất cả nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ đều hướng tới điều này.
Thông tin về cuộc đàm phán giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thương vụ mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 bắt đầu xuất hiện từ tháng 11/2016.
Đến tháng 7/2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều lần lượt xác nhận thông tin liên quan tới vấn đề này khi Nga tuyên bố nước này đã ký kết thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về S-400, trong khi ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã thanh toán trước hợp đồng mua thiết bị từ Nga.
Những hệ thống đầu tiên của S-400 đã được phía Nga bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2019, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ.