Dỗ con bằng điện thoại, ipad: Cái kết đắng và cảnh báo của bác sĩ bố mẹ cần biết ngay!

Thảo Nguyên |

Bác sĩ Dũng cảnh báo, việc phó mặc đôi mắt của con cho các thiết bị công nghệ số rất nguy hiểm. Nếu trẻ bị tật khúc xạ được khám xác định khúc xạ muộn thì sẽ rất hại cho mắt.

Trẻ được bố mẹ "nuôi dạy" bằng công nghệ và cái kết đắng

Thấy con nheo mắt, mẹ của Nguyễn Hải Hà 11 tuổi, Vĩnh Tuy, Hà Nội đưa con ra hiệu kính mắt gần nhà đo mắt và đeo kính. Sau khi đo mắt, cháu được chẩn đoán cận thị 2,5 độ, kèm theo loạn thị 1 độ.

Yên tâm với kính cận, mẹ cháu Hà cũng không còn để ý gì đến mắt của con. Đến khi con có dấu hiệu nhìn khó, mắt nheo nheo bố mẹ mới đưa con đi khám thì cháu đã chuyển sang giai đoạn nhược thị. Bác sĩ cho biết, may mắn là cháu phát hiện ở độ tuổi còn can thiệp được chứ đến 14 tuổi trở lên nhược thị sẽ rất khó can thiệp.

Trường hợp của cháu Trần Diệu L. 7 tuổi, học sinh lớp 2 nhưng cháu đã bị cận nặng và khi chỉ ra nguyên nhân thì cả bố mẹ cháu đều sững sờ. Diệu L. được bố mẹ "nuôi dạy" bằng công nghệ từ việc học hành cho đến mọi thứ đều qua ti vi, ipad. 

Bố mẹ L. còn tự hào con có thể tự học tiếng Anh trên ipad và các bài tập về tin học, công nghệ con luôn làm tốt. Đến khi con kêu mờ mắt, đau nhức mắt, bố mẹ cháu cho con đi kiểm tra thị lực lúc này độ cận đã lên tới 4,5 đi ốp kèm theo loạn thị lên tới 2 đi ốp.

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc Bệnh viện Mắt DND, cuộc sống hiện đại khiến trẻ được tiếp xúc nhiều và sớm với những thiết bị công nghệ như tivi, ipad, điện thoại… Thậm chí nhiều bà mẹ con cho trẻ xem tivi, chơi trò chơi điện thoại để dỗ cho trẻ ăn. Những hành động này vô tình khiến mắt trẻ phải điều tiết quá nhiều. Đây chính là thủ phạm khiến trẻ bị mắc các tật khúc xạ.

Bác sĩ Dũng cùng đồng nghiệp đã làm một nghiên cứu thống kê thấy tỷ lệ cận thị trong giới học sinh ở nước ta hiện chiếm khoảng 30-40%. Số liệu mới nhất này cao hơn 10% số liệu cách đây 5 năm trong chương trình sàng lọc mắt học đường.

Dỗ con bằng điện thoại, ipad: Cái kết đắng và cảnh báo của bác sĩ bố mẹ cần biết ngay! - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng đang khám cho bệnh nhân

Bác sĩ Dũng cho biết, tình trạng tật khúc xạ ở thành phố lớn đáng báo động đặc biệt là ở một số trường chuyên, lớp chọn hoặc các lớp cuối cấp, số học sinh bị dị tật khúc xạ thậm chí chiếm đến 60%-70%; tỉ lệ cứ 10 em học sinh thì có tới 6 đến 7 em phải đeo kính. 

Nếu so sánh, trẻ em ở khu vực thành thị trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25% đến 40%, tại khu vực nông thôn tỷ lệ này là từ 10% đến 15%.

Bác sĩ chỉ 3 nguyên nhân và cảnh báo biến chứng nguy hiểm của tật khúc xạ

Bác sĩ Dũng cảnh báo, việc phó mặc đôi mắt của con cho các thiết bị công nghệ số rất nguy hiểm. Nếu trẻ bị tật khúc xạ được khám xác định khúc xạ muộn thì sẽ rất hại cho mắt. Đồng thời, thói quen đeo kính không đúng độ, đo kính ở các hiệu kính đã khiến không ít trường hợp trẻ từ mắt sáng thành mắt mờ.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, mỗi bệnh nhân với từng loại tật khúc xạ khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng. Đặc biệt đối với những trường hợp có độ khúc xạ cao: cận thị, viễn thị, loạn thị cao, những bệnh nhân có lệch khúc xạ trên 2 diop giữa hai mắt, hoặc có tật khúc xạ chỉ ở 1 bên mắt rất dễ mắc tình trạng nhược thị. 

Nhiều bệnh nhân bị nhược thị do đeo kính không đủ số hoặc được khám xác định độ khúc xạ muộn. Cũng có những trường hợp vô tình đi khám thì mới được chẩn đoán có tật khúc xạ ở 1 bên mắt và mắt đó đã bị nhược thị, thậm chí nhược thị sâu (thị lực chỉnh kính dưới 3/10).

Dỗ con bằng điện thoại, ipad: Cái kết đắng và cảnh báo của bác sĩ bố mẹ cần biết ngay! - Ảnh 2.

Ánh sáng xanh từ điện thoại khiến mắt trẻ bị tật khúc xạ

Khi trẻ thường xuyên nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn. Khi đi học, trẻ không nhìn rõ chữ viết trên bảng hoặc đưa sách sát gần mắt để nhìn… Trẻ hay chép bài nhầm, đọc nhầm chữ. Việc thay đổi điều tiết của mắt dẫn đến trẻ dễ bị mỏi mắt, đau đầu, nhức mắt và chảy nước mắt thì cần cho trẻ đi khám nhãn khoa ngay để chẩn đoán đúng tật khúc xạ.

Nếu trẻ bị tật khúc xạ, bố mẹ không nên đưa con đi tập thiền, yoga, massager để chữa cận thị vì thực tế nó không có tác dụng thậm chí còn làm tật khúc xạ nặng hơn. 

Bác sĩ Dũng đã khám khá nhiều trường hợp sau khi bỏ kính và đi tập bấm huyệt, massager sau một thời gian độ khúc xạ bị tăng lên kèm theo gây ra nhược thị. Đó thực sự là điều đáng tiếc cho các bố mẹ không tìm hiểu cặn kẽ, đầy đủ thông tin, gây ảnh hưởng tới thị lực các con. Nếu trẻ bị nhược thị sâu sẽ không có khả năng phục hồi lại được thị lực.

Với những bệnh nhân khi đã được chẩn đoán bị nhược thị, việc chỉnh thị, chỉnh quang rất quan trọng. Càng được khám chẩn đoán và điều trị sớm thì tiên lượng điều trị càng tốt. Tốt nhất là khi trẻ dưới 12 tuổi, tiên lượng kết quả điều trị sẽ cao hơn hẳn nhóm bệnh nhân tuổi lớn hơn. 

Ngoài việc ảnh hưởng tới chức năng thị giác với những bệnh nhân có độ khúc xạ cao, lệch khúc xạ còn dễ có nguy cơ ảnh hưởng tới chức năng thẩm mỹ, đó là gây lác trong hoặc lác ngoài.

Bác sĩ Dũng chỉ ra 3 nguyên nhân gây tật khúc xạ:

Thứ nhất, do trẻ thường xuyên nhìn gần quá nhiều khiến mắt phải điều tiết trong thời gian dài. Trẻ học tập trong môi trường ánh sáng kém, ánh sáng xanh hoặc có thói quen đọc sách, sử dụng thiết bị nhìn không hợp lý.

Máy vi tính, Tivi, điện thoại di động, máy tính bảng… đều phát ra ánh sáng xanh. Đây là thứ ánh sáng gần với tia cực tím và có ở khắp mọi nơi. Tiếp xúc với lượng lớn ánh sáng xanh và trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến mắt theo độ tuổi. Nếu trẻ sử dụng các thiết bị có màn hình điện tử trong thời gian dài mà không cho mắt nghỉ ngơi sẽ dễ mắc các tật khúc xạ.

Thứ hai, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin A cũng khiến mắt trẻ có thị lực yếu hơn.

Thứ ba, trẻ mắc tật khúc xạ do yếu tố di truyền hoặc do cấu trúc giác mạc, thủy tinh thể bẩm sinh…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại