"Bôi đen" là một phong tục bất thường, nếu không muốn nói là khá thô bạo, khi cặp đôi mới cưới phải trải qua một loạt thử thách như bị trói lại và bôi chất bẩn vào người. Đặc biệt, người thực hiện những điều này sẽ thường là bạn bè, người thân của cô dâu và chú rể.
Bất cứ thứ gì từ bột mì, mật, trứng, sữa đến bụi than đều được sử dụng như một “vũ khí” để đảm bảo rằng cặp đôi mới càng bẩn càng tốt. Cuối cùng, họ sẽ bị phủ một lớp lông vũ lên người và bị mang đi diễu hành quanh khu dân cư, hoặc bị trói ở một địa điểm nào đó trong vài giờ.
Những cặp đôi vui vẻ hứng chịu đủ mọi loại chất bẩn bị hắt lên người
Amber Love - cô dâu mới đến từ thị trấn Mauchline (Scotland) - đã nói với bạn bè và phù dâu rằng cô không muốn bị bôi bẩn trước ngày trọng đại của mình. Tuy nhiên, điều đó không đủ để khiến bạn bè của cô từ bỏ truyền thống.
Cô gái 25 tuổi chia sẻ: “Việc đó chắc chắn không nằm trong kế hoạch mà tôi sắp đặt. Những người phù dâu đã sắp xếp và cố gắng giữ bí mật với tôi. Một ngày nọ, mẹ đến và nhờ tôi chuyển giúp chuồng ngựa. Nhưng khi tôi mở cửa ra, 25 người khác lại lao vào nhà và tóm lấy tôi. Tôi bị trói bằng dây thừng và bị phủ đầy lên người mù tạt, kem trứng, và hàng tá thứ khác".
“Chồng tôi cũng tham gia vào vụ đó, nhưng điều anh ấy không biết là bạn bè của anh ấy cũng đã sắp xếp một cuộc “bôi đen" cho anh ấy. Khoảng 20 người trong số họ đã bất ngờ quay sang và trói chồng tôi lại".
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Sheila Young thuộc Đại học Aberdeen, phong tục “bôi đen" cô dâu chú rể trước đám cưới ra đời vào thế kỷ 19 và bắt nguồn từ nghi lễ rửa chân cho phụ nữ trước khi về nhà chồng. Theo nghi lễ này, trước khi rửa, bàn chân của cô dâu sẽ được bôi đen bằng bụi than lấy từ ống khói của mỗi gia đình.
Nhiều người thậm chí còn bị mang đi diễu hành quanh phố hoặc bị trói vào gốc cây trong vài giờ
Tuy nhiên, đến thế kỷ 20, nghi lễ này lại dần thay đổi và trở thành hoạt động vui chơi ngoài trời, đặc biệt là các cặp đôi kết hôn vào mùa hè. Kể từ đây, phong tục dần được mở rộng thêm, từ việc bôi đen bàn chân trở thành bôi đen cả người, đồng thời thêm vào các hoạt động khác như diễu phố, đóng cọc... Qua thời gian, việc này ngày càng trở nên biến tướng và hướng về việc bôi bẩn cặp đôi hơn là ý nghĩa tẩy rửa lúc ban đầu.
Trên thực tế, dù nghi thức ban đầu chỉ áp dụng đối với cô dâu, nhưng cũng không có quy định nào viết rằng chú rể không thể tham gia. Vì vậy, nhiều gia đình vẫn lựa chọn thực hiện phong tục này cho cả cô dâu và chú rể.
Nhìn chung, dù bị biến tướng về mặt hành động nhưng ý nghĩa của phong tục vẫn hướng đến sự tốt đẹp, bày tỏ sự cầu chúc của mọi người dành cho cô dâu, chú rể. Người dân Scotland tin rằng sau khi cùng nhau vượt qua khó khăn này, họ có thể cùng đồng cam cộng khổ vượt qua những thử thách trong cuộc sống hôn nhân sắp tới.
Hiện nay, phong tục này được thực hiện chủ yếu ở các vùng nông thôn phía đông bắc Scotland.
Nguồn: Glasgow Times