Đổ bệnh do lạm dụng thực phẩm siêu chế biến

DƯƠNG LIỄU - THU HIẾN |

Đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội, đặc biệt là những người bận rộn, thực phẩm siêu chế biến như đồ đóng gói, đồ hộp, thức ăn nhanh trở nên thịnh hành, hạn sử dụng có khi đến 2-3 năm.

Đổ bệnh do lạm dụng thực phẩm siêu chế biến - Ảnh 1.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân sử dụng thực phẩm siêu chế biến cần hợp lý, thường xuyên nấu ăn theo cách truyền thống - Ảnh: THU HIẾN

Nhưng thực phẩm này chưa hẳn an toàn cho sức khỏe.

Một cuộc điều tra ở Brazil mới đây đã phát hiện 57.000 ca tử vong sớm ở nước này có liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến. Việc tiêu thụ những thực phẩm này gia tăng có liên quan đến hơn 10% tổng số ca tử vong sớm có thể dự phòng.

Thực phẩm siêu chế biến lên ngôi

Vào mỗi ngày nghỉ cuối tuần, anh H.T. (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) có thói quen đến các siêu thị gần nhà để mua thức ăn dự trữ tủ lạnh cho tuần tiếp theo. Tại siêu thị, anh thường mua những loại thực phẩm đóng gói sẵn như: cá hộp, thịt hộp, xúc xích, bánh ngọt và đặc biệt không thể thiếu nước ngọt.

"Tôi có thói quen này từ hồi bắt đầu ra trường đi làm. Những ngày đi làm công việc nhiều, tôi dường như không có thời gian để mua thức ăn tươi và cũng không có thời gian chế biến vì rất lâu. Mỗi lần đi làm về chỉ cần cắm cơm, chọn những loại thức ăn đóng gói sẵn, đun nóng vài phút là có ngay bữa ăn", anh T. nói.

Theo anh T., mặc dù biết các thức ăn đóng hộp có chứa nhiều chất bảo quản, thậm chí có những sản phẩm ghi hạn dùng đến 2-3 năm, nhưng "bận rộn mà", đành chịu. Anh cũng lo lắng việc sử dụng quá nhiều liều lượng các chất bảo quản, dù khi mua sắm anh luôn chọn hàng có nhãn mác và thương hiệu.

Các thức ăn lề đường, quán xá không còn xa lạ gì với gia đình đô thị, đặc biệt là những đứa trẻ. Để dỗ dành hay tự thưởng bọn trẻ, các mẹ thường xuyên mua pizza, nước ngọt có gas cho con nhỏ ăn uống.

Ban đầu chỉ là cuối tuần đưa con đi ăn, sau đó thì sau khi đi học về, sau khi chơi thể thao... "Mỗi lần đi học về gia đình lại cho con một vài miếng xúc xích, pizza hay bánh đã trữ sẵn, vì học xong ở trường con tiếp tục đi học thêm cho nhanh và tiện, nhưng sau này thấy con ăn cơm, rau xanh ngày càng ít. Gần đây, con lên cân nhanh nên tôi đang tìm cách hãm lại", chị H., một phụ huynh ở Hà Nội, chia sẻ.

Đổ bệnh do lạm dụng thực phẩm siêu chế biến - Ảnh 2.

Người dân lựa chọn các sản phẩm tươi sống để chế biến thay vì sử dụng đồ ăn chế biên sẵn - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Thủ phạm gây nhiều bệnh

Thị trường thực phẩm siêu chế biến như thức ăn đóng gói, đồ hộp, thức ăn nhanh đa dạng. Ông Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết thực phẩm siêu chế biến là những loại thực phẩm được chế biến sẵn công nghiệp, có thể sử dụng ngay hoặc làm nóng (đun nấu hoặc nướng) như pizza đông lạnh, xúc xích, nước ngọt, kem... thu hút giới trẻ.

"Nếu chỉ sử dụng các loại thực phẩm siêu chế biến trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin và nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó thực phẩm tươi sống sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin, dưỡng chất để nuôi dưỡng cơ thể.

Mặc dù tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về việc các thực phẩm siêu chế biến gây nguy hại đến sức khỏe như thế nào, ăn đến bao nhiêu thì tổn hại sức khỏe, thế nhưng rõ ràng việc lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn không tốt cho sức khỏe", ông Thịnh khẳng định.

Còn ông Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho rằng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh chứa rất nhiều năng lượng, chất béo chuyển hóa, đường, muối... cần hạn chế tối đa. Bởi đây được coi là "thủ phạm" gây bệnh mãn tính không lây như thừa cân béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư...

Bác sĩ Hưng cũng cho hay việc sử dụng thực phẩm ăn nhanh cũng khiến trẻ em gia tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường. "Trước đây, thường người trung niên mới bắt đầu tiểu đường type 2, nhưng hiện có trẻ 11-12 tuổi đã mắc tiểu đường type 2. Đây là một hệ lụy của việc thường xuyên cho trẻ sử dụng thức ăn nhanh, không kiểm soát năng lượng và thực phẩm cho trẻ", bác sĩ Hưng nói.

Ăn nhanh thế nào cho hợp lý?

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mỗi bữa ăn cần có đủ bốn nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng). Với thức ăn nhanh, do đây là nhóm thực phẩm đã chế biến công nghiệp nên thiếu các thành phần vi lượng và chất khoáng. Do đó, thức ăn nhanh thường thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng.

Chưa kể đến vấn đề không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào không được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ chứa đựng thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.

Vì vậy, khi sử dụng thức ăn nhanh tùy theo chủng loại nên lựa chọn các thực phẩm bổ sung vào trong bữa ăn như thêm đạm hoặc rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ.

"Đặc biệt, để tránh thừa cân béo phì và các bệnh mãn tính không lây, mỗi người cần thường xuyên vận động thể lực. Thời gian vận động khoảng 60 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Các môn thể thao giúp cải thiện và duy trì sức khỏe như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bơi, chạy bộ... tùy theo nhu cầu và sở thích của mỗi người", một chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại