Nhà tâm lý học Akiyoshi Kitaoka đến từ Kyoto, Nhật Bản, đã đăng một đoạn clip về ảo ảnh quang học trên Twitter, cho thấy các vật thể chuyển động có thể đánh lừa não người về màu sắc của chúng.
Ảo ảnh này bao gồm 1 hình vuông nhỏ chạy qua lại trong một hình chữ nhật có nửa màu hồng và nửa màu xanh, với màu sắc pha trộn ở giữa. Dưới con mắt người xem, hình vuông có màu xám khi di chuyển trong không gian màu hồng, sau đó dường như chuyển sang màu hồng khi ở trong màu xanh.
Tuy nhiên, Kitaoka giải thích rằng dù người xem nhìn thấy sự thay đổi màu sắc, nhưng trên thực tế màu của khối hình vuông vẫn giữ nguyên khi di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác. Màu thực của khối hình vuông chính là màu hồng.
Điều này là do chuyển động của hình vuông và màu sắc mà nó di chuyển qua đã đánh lừa bộ não của chúng ta. Bộ não con người đưa ra giả định về màu sắc của vật thể chuyển động dựa trên những vật thể xung quanh nó.
Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng tắc kè hoa”, nó đã được giải thích vào năm 2016 bởi hai nhà nghiên cứu Sang-Wook Hong và Min-Suk Kang trên tạp chí Nature.
Trong nghiên cứu có tên “Sự thay đổi chuyển động màu sắc”, Hong và Kang giải thích ảo ảnh quang học này tạo ra do một nguyên lý gọi là cảm nhận màu - một sự thay đổi màu sắc từ nhận thức xảy ra “khi một vật thể có màu di chuyển xung quanh một vật thể đứng yên giống nhau”.
Các tác giả viết: “Quá trình chuẩn hóa do chuyển động của đối tượng gây ra có thể làm trung gian cho sự thay đổi về cảm nhận màu sắc”.
Do đó, nhận thức của con người về màu sắc không phải là chính xác tuyệt đối. Điều này có thể dẫn đến ảo ảnh quang học gây tranh cãi, khi mọi người nhìn thấy các màu sắc khác nhau trong một hình ảnh - chẳng hạn như "chiếc váy" đã trở thành một chủ đề màu sắc nổi tiếng vào năm 2015. Người xem hình ảnh sẽ chia làm hai xu hướng, một là nhìn thấy màu đen và xanh, hai là màu trắng và vàng.
Đoạn clip này được đăng lần đầu vào năm 2018 nhưng đang trở nên phổ biến trên Twitter, khiến rất nhiều người xem phải kinh ngạc.
Tham khảo: Petapixel