Tại một bệnh viện ở Zimbabwe, một phụ nữ 30 tuổi đang nằm trên băng ca chờ được đưa vào phòng mổ, tình cờ nữ bác sĩ Rebecca Bingham đi ngang qua.
Mặc dù chưa từng gặp cũng như đọc bệnh án của bệnh nhân này, Bingham bỗng có một cảm giác bất an, một sự thôi thúc bí ẩn buộc chị phải kiểm tra tim người bệnh.
Áp ống nghe vào ngực bệnh nhân, chị nhận thấy dấu hiệu của chứng hẹp van hai lá, một tình trạng có thể gây ra biến chứng trong quá trình gây mê để phẫu thuật. Chị lập tức báo với bác sĩ đang chuẩn bị ca phẫu thuật và họ quyết định hoãn lại.
Các cuộc xét nghiệm kỹ lưỡng sau đó xác định những điều Bingham nói là đúng. Tuy nhiên khi được hỏi do đâu mà chị nhận định được điều đó, Bingham trả lời đơn giản: Đó là một linh cảm.
Trong cuộc sống của chúng ta, những linh cảm như của bác sĩ Bingham xuất hiện khá nhiều, đôi khi vượt ngoài tầm chú ý của mọi người.
Nhiều nhà tâm lý học, trong đó có tiến sĩ Timothy D. Wilson, Giáo sư Đại học Virginia và là tác giả cuốn Strangers to Ourselves (Những kẻ xa lạ với chính mình), tin rằng linh cảm là sự gợi nhớ từ một miền vô thức.
Nó không như những ký ức bị dồn nén hay những cảm xúc nguyên thuỷ như trong lý thuyết của Freud, mà là một cơ chế trong não có tác dụng điều hành các thông tin về cảm giác, phân loại chúng, tìm ra các nguyên cớ, phán đoán về con người và tác động lên cảm xúc cùng những cách ứng xử vượt ra ngoài tầm ý thức của chúng ta.
Theo Tiến sĩ Gary Klein, tác giả cuốn Intuition at work (Trực giác hoạt động), "chính những năng lực tiềm tàng của tri giác là điều mà người ta thường gọi là khả năng nhìn thấy cái vô hình".
Trong trường hợp của Bingham, sự bí ẩn nằm bên dưới bề mặt ý thức. Kinh nghiệm công tác tại châu Phi mách bảo cho chị biết rằng, chứng hẹp van hai lá ở châu lục này có tính phổ biến hơn ở Mỹ.
Cũng như Bingham, hầu hết trong chúng ta đều có một trực giác chính xác xuất phát từ một nơi nào đó.
Chúng thường được gọi là "những loé sáng đầy bí ẩn của linh cảm", "tri giác ngoại cảm", "bản năng loài vật" hay "giác quan thứ sáu"…
Tiến sĩ Klein luôn chú tâm đến năng lực tiềm tàng của trực giác. Ông dành thời gian nghiên cứu hành vi của những người mà nghề nghiệp buộc họ phải đưa ra quyết định tức thì và có tính sinh tử như lính cứu hoả, y tá cấp cứu hay lính trận.
Trong một cuộc phỏng vấn, một trung uý cứu hoả miêu tả chính giác quan thứ sáu đã cứu sống anh cùng đồng đội. Khi vào một ngôi nhà để dập tắt lửa phát ra từ một căn bếp, họ luôn bị ngọn lửa đẩy ngược trở lại. Đây chỉ là một vụ cháy nhỏ nhưng căn bếp lại nóng khủng khiếp.
Viên trung uý có cảm giác mối nguy hiểm nghiêm trọng đang gần kề, vội ra lệnh cho thuộc cấp rời khỏi ngôi nhà. Khi họ vừa ra đến đường thì nền căn nhà sụp xuống; nếu còn ở lại, họ sẽ rơi vào chính tâm điểm của ngọn lửa đang bốc lên ngùn ngụt.
Phân tích trường hợp trên, Klein cho rằng linh cảm của viên trung uý cứu hoả thực ra chỉ là một sự hồi ức của tiềm thức. Ngọn lửa không thể dập tắt, căn phòng quá nóng chính là những hồi tưởng báo động trong tiềm thức của viên sĩ quan.
Chính tiềm thức này gợi nhắc đến một trường hợp có những điều kiện tương tự cũng gây ra sự sụp đổ của khối kiến trúc mà anh từng trải qua (nhưng không nhớ) và lệnh rút khỏi ngôi nhà của anh xuất phát từ một mệnh lệnh của tiềm thức.
Trong quá trình nghiên cứu, Klein đã nghe nói đến nhiều trường hợp tương tự. Các phi công, y tá cấp cứu và nhiều thành phần nghề nghiệp khác kể rằng trong tình huống khẩn cấp, họ không có điều kiện chọn lựa hay đưa ra một quyết định có ý thức.
Họ buộc phải hành động theo một tri giác ngoại cảm nào đó. Trong một tiến trình như vậy, dù là khẩn cấp để đối phó với tình thế, trực giác của con người thường có hai bước hoạt động:
Trước tiên, nó nhanh chóng phân biệt các ký ức, tìm một mẫu ký ức quen thuộc để dẫn dắt chúng ta và sau đó, khi chúng ta đi theo một phương án đã xảy ra trong một tình huống tương tự trước đây, tiềm thức sẽ chú trọng đến những điều kỳ quặc và bất ngờ nhất.
Những tín hiệu của cơ thể
Ngay cả khi không ở vào tình thế khẩn cấp, hệ thống "radar" trong cơ thể của chúng ta cũng luôn phát tín hiệu báo động khi có những dấu hiệu đe dọa sự an toàn cho bản thân hay người thân.
Một cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc trường Y của Đại học Iowa (Mỹ) cho thấy cơ thể chúng ta thông minh hơn chúng ta tưởng. Ví như trường hợp của George Soros, nhà tỷ phú được tạp chí Forbes xếp hạng 38 trong số những người giàu nhất thế giới năm 2003.
Theo tiết lộ của chính Soros, ông dựa phần nhiều vào bản năng để quyết định đầu tư bạc tỷ. Mỗi khi lưng của Soros bắt đầu nhói đau là tín hiệu cho biết có một điều gì đó không thuận lợi trong quyết định đầu tư chuẩn bị được đưa ra, nhờ vậy mà nhiều lúc ông tránh được nhiều trường hợp thua lỗ.
Đọc tín hiệu trên gương mặt người khác
Nhiều lúc chính trực giác hay linh tính giúp chúng ta nhận định một tình thế không nguy hiểm như ta tưởng.
Một bữa nọ, anh John Yarbough thuộc sở cảnh sát Los Angeles đi tuần tra và dừng một chiếc xe lại để kiểm soát như thường lệ.
Khi anh đến gần, tài xế là một thiếu niên vụt bước ra với một khẩu súng lăm lăm trong tay. Họ đang ở cách nhau không đầy 2m và Yarbough chỉ có một nháy mắt để phán đoán ý đồ của cậu thanh niên này.
Trên nguyên tắc, trong tình huống này, anh có quyền bắn hạ y, nhưng vì một lý do nào đó, anh đã không làm thế. Kết cục cho thấy trực giác của anh là đúng. Chỉ sau một vài câu nói khôn khéo, cậu thanh niên bỏ súng theo yêu cầu cảnh sát.
Nhiều năm sau, khi tham gia truy lùng tội phạm, Yarbough mới có điều kiện tìm hiểu tại sao anh đã không nổ súng trước, trong khi bản năng sinh tồn thôi thúc anh làm điều đó.
Qua kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Paul Ekman, tác giả cuốn Emotions revealed (Những cảm xúc được phát hiện), Yarbough mới biết rằng trong cuộc đối đầu chớp nhoáng kể trên, anh đã vận dụng kỹ thuật "đọc gương mặt" đối thủ mà không biết.
Chính trực giác căn cứ vào nét mặt của cậu thanh niên lái xe đã mách bảo với anh rằng cậu ta sẽ không bắn anh trước.
Ở khả năng này, mỗi chúng ta đều có với những mức độ khác nhau. Chúng giúp ta đánh giá chính xác những biểu hiện nhỏ nhất trên gương mặt người đối diện.
Đó có thể là những cảm xúc mạnh mẽ có khi chỉ xuất hiện trong 1/4 giây nhưng cũng đủ thể hiện cảm nghĩ thực của chủ nhân ngay cả trong trường hợp đương sự cố tình che giấu chúng.
Trở lại trường hợp của bác sĩ Bingham, chị cho rằng linh cảm của chị thường xuất hiện trong một số lần chẩn đoán kỳ lạ.
Có lần chị phát hiện bệnh ung thư phổi ở một bệnh nhân đến khám bệnh thông thường. Ở bệnh nhân này không có triệu chứng nào rõ rệt, nhưng linh tính mách bảo Bingham rằng cần chụp X quang lồng ngực của bệnh nhân.
Nhờ vậy mà chị phát hiện ra khối u mới khởi phát của người bệnh, giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng hơn.
Ảnh: Internet
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Bí ẩn của nhân loại", trang 63, NXB Từ điển Bách khoa
*Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại