Phải mất gần 2 năm bàn thảo kế hoạch, đợi chờ thiết kế và thi công, chủ nhân của mảnh đất 550m2 nép mình bên dòng sông nhỏ mới có thể nhìn tận mắt, chạm tận tay vào căn nhà của mình. Căn biệt thự được xây dựng trong khu đô thị Đông Hải- một trong những dự án cao cấp nhất tại thành phố Thanh Hóa, nhưng lại khác biệt hẳn so với các nhà lân cận.
Kiến trúc sư Tùng Râu (Trần Anh Tùng) rất tâm đắc với công trình này, và gọi nó là căn nhà "đầy kiêu hãnh và có chiều sâu nội tại". Với hệ thống cột trụ và phào chỉ được xếp đặt hợp lý, dù chỉ xây dựng trên diện tích "khiêm tốn" là 220m2/mặt sàn, biệt thự vẫn toát lên vẻ nguy nga và thanh lịch. Tùng Râu tiết lộ, anh còn làm rãnh cắt nước ở phào chỉ để hạn chế vệt nước mưa chảy xuống, giữ cho mặt tiền biệt thự luôn sạch sẽ.
Qua cổng nhà là đến khu vực bàn trà nước chill chill - một thiết kế mà nhiều nhà biệt thự sân vườn ưa chuộng. Với đặc thù nhà hướng Đông, buổi sáng đón trọn ánh dương, buổi chiều lại mát mẻ, khu vực ngồi chơi được bố trí nhiều cây xanh này trở thành không gian thư giãn của gia đình hoặc nơi tiếp khách.
Vườn nhỏ nhưng thiết kế hợp lý và duyên dáng với bàn ngồi chơi - tiếp khách bên ngoài.
Bên trong nhà, cũng với ngôn ngữ thiết kế nhẹ nhàng, sang trọng nhưng không rườm rà, kiến trúc sư dường như đã tính toán rất kỹ từ màu sắc, phụ kiện, cách xếp đặt đồ đạc để tạo nên hiệu quả tối đa về thị giác. Tất cả đều vừa vặn, ăn ý với nhau.
Tiền sảnh biệt thự gây ấn tượng với tủ giày rất lớn và sofa riêng để làm chỗ nghỉ chân, cởi - đi giày, rất phù hợp với nhà có đông người thuộc ba thế hệ cùng chung sống.
Còn nội thất trong phòng khách, để tạo cảm giác thân thuộc, từ màu sơn tường, sơn bàn ghế đều được chọn đường nét và cố tình làm cho... có dấu ấn thời gian một chút.
Sofa ở tiền sảnh tạo nên một khoảng dừng chân rất có duyên trước khi bước vào nhà.
Nội thất phòng khách dù mới toanh nhưng lại được làm "cũ" đi để tạo cảm giác thân quen.
Điều đặc biệt trong kiến trúc của biệt thự này, đó là kiến trúc sư không chú trọng tận dụng tối đa diện tích mà muốn tạo cho chủ nhà sự thoải mái, tận hưởng không gian sống. Từng khoảng thông tầng mở ra đều có sảnh, lấy ánh sáng tự nhiên.
Các sảnh chờ, chiếu nghỉ, khoảng nghỉ... cũng có ý nghĩa chia tách không gian, giữ cho người nhà sự riêng tư nhất định. Gia chủ để riêng tầng áp mái làm khu vực phụ trợ, nơi tập trung hệ thống kỹ thuật của biệt thự, tiện cho sửa chữa mà không cần "xâm lấn" vào không gian sinh hoạt.
Phòng bếp ngăn với phòng khách bằng cửa trượt...
... và có những lối ra vào kết nối với hành lang, ban công, vườn.
Những hành lang dài cũng tạo cho biệt thự vẻ sang trọng cổ điển.
Các phòng ngủ trong nhà được bố trí nhiều cửa sổ để tăng tính thông thoáng, lấy ánh sáng. Anh Tùng Râu lý giải, điều này vừa đảm bảo tính thẩm mỹ của không gian cổ điển vừa phù hợp với thời tiết Việt Nam.
Phòng ngủ master dùng nhiều đồ trang trí họa tiết thiên nhiên để khớp với cảnh quan.
Phòng bé gái dùng tone hồng nhã nhặn, từng chi tiết đều hướng đến nét thời trang và tươi vui.
Phòng ngủ nhỏ trên tầng áp mái giản dị nhưng vẫn được chăm chút để toát lên nét cổ điển.
Kiến trúc sư Tùng Râu tiết lộ, gia chủ của biệt thự này có gu, mắt mỹ thật tốt nên lựa chọn kỹ đồ đạc rất tỉ mỉ, sao cho đồng điệu với phong cách chung. Vì chuộng nét cổ điển, nhẹ nhàng, trong nhà rất hiếm các chi tiết sáng bóng, hạn chế dùng vật liệu đá. Đồ trang trí nhiều nhất trong nhà là tranh, chủ yếu là các bức vẽ hoa, thiên nhiên, được xếp đặt dày đặc trong nhà, lên tới 200 bức.
Một điều thú vị nữa là mặc dù nhìn rất châu Âu, thực ra đồ dùng trong nhà lại 100% made in Việt Nam, do các công ty Việt Nam thi công. "Một phần do công trình ở tỉnh, vận chuyển hàng nhập khẩu từ nước ngoài về rất tốn công và mất thời gian, nên gia chủ đã đồng ý với phương án chọn hàng sản xuất ở Việt Nam.
Như các bạn thấy, nội thất được chọn kỹ nên vẫn có tính thẩm mỹ cao và chất lượng tốt. Chi phí chung tổng thể cho nội thất toàn bộ biệt thự là khoảng 5,5 tỷ, rẻ hơn rất nhiều so với mua đồ nhập khẩu", kiến trúc sư tiết lộ.
Biệt thự có ngôn ngữ thiết kế thống nhất, tạo nên tổng quan sang trọng mà không cần lấp lánh.
Nguồn: Nhà TO, Tùng & Cộng sự