DN Việt đầu tiên được cấp phép hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất Vùng Vịnh kinh doanh ra sao?

Pha Lê |

Đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép mở văn phòng khu vực tại Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất Vùng Vịnh.

FPT khai trương trụ sở vùng Trung Đông

Với mục đích thu hút các công ty đa quốc gia tới thành lập văn phòng khu vực tại Riyadh để mở rộng hoạt động khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Chính phủ Saudi Arabia đã khởi xướng chương trình "Văn phòng khu vực".

Chương trình này cũng là một phần trong sáng kiến Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia nhằm định vị Saudi Arabia trở thành một trung tâm kinh tế và đầu tư hàng đầu, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Mới đây, Tập đoàn FPT đã khai trương trụ sở vùng Trung Đông đặt tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. FPT cho biết, hoạt động này nằm trong chiến lược mở rộng toàn cầu của FPT nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ và giải pháp số ngày càng tăng trên thế giới.

Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được Saudi Arabia cấp phép hoạt động , cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép mở văn phòng khu vực tại Riyadh - thủ đô của nền kinh tế lớn nhất Vùng Vịnh, FPT cho biết doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ hiện đại tại Trung Đông, khu vực có dân số trẻ và am hiểu công nghệ, với nhiều ngành kinh tế đang được đẩy mạnh số hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng tại lễ khai trương văn phòng FPT - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiến lược tập trung vào AI, tích hợp AI vào tất cả các dịch vụ và giải pháp của FPT phù hợp với Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải thiện các dịch vụ công thông qua các tiến bộ công nghệ.

Trong quá trình không ngừng mở rộng tập khách hàng và sự hiện diện trên toàn cầu, Trung Đông luôn là một phần quan trọng trong chiến lược của FPT. Với kinh nghiệm phong phú đã có ở thị trường này, FPT hiểu rõ các yếu tố văn hóa kinh doanh đặc trưng của Trung Đông, cam kết hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp địa phương và tăng cường tuyển dụng nhân lực tại chỗ, cung cấp các dịch vụ tốt nhất và liên tục hỗ trợ khách hàng trong hành trình chuyển đổi số, ông Đặng Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT Software, Tập đoàn FPT chia sẻ.

Hoạt động kinh doanh của FPT ra sao?

Theo báo cáo tài chính 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần của FPT đạt 45.241 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ.

Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài duy trì đà tăng 28,6% so với cùng kỳ, đạt 22.668 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng chính của FPT nhờ tăng trưởng cao ở hầu hết các thị trường lớn. Thị trường Nhật tăng 30,6%, châu Á - TBD tăng 36,6%. Doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số tăng 35% so với cùng kỳ, chiếm 46% doanh thu của mảng trong 9 tháng năm 2024.

Tháng 8/2024, FPT đã khai trương văn phòng đầu tiên tại Stockholm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chuyển đổi số và CNTT trong các ngành như y tế, ô tô và tài chính.

Theo Statista Market Insight, doanh thu thị trường dịch vụ CNTT Thụy Điển dự kiến đạt 15,23 tỷ USD vào năm 2024, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 5,94% trong giai đoạn 2024 - 2029. Trong đó, dịch vụ gia công CNTT chiếm phần lớn với giá trị thị trường dự kiến là 8,86 tỷ USD vào năm 2029.

"Chúng tôi dự báo doanh thu của FPT tại EU đạt 5.189 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ), chiếm 13% tổng doanh thu công nghệ của FPT vào năm 2025. Tổng thể, chúng tôi dự báo doanh thu công nghệ và lợi nhuận trước thuế sẽ tăng lần lượt 22,2%/26,1%/26,3% và 27,8%/27,7%/28,1% trong năm 2024/2025/2026", báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết.

Dịch vụ CNTT trong nước 9 tháng qua đạt doanh thu đạt 12.320 tỷ đồng. Mảng quảng cáo trực tuyến có doanh thu tăng 16,2% so với cùng kỳ. Mảng Trung tâm Dữ liệu dự kiến sẽ phát triển mạnh do nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ điện toán đám mây. FPT kế hoạch mở them một cơ sở mới tại TP. HCM, dự kiến hoàn thành vào quý 1/2025.

Giáo dục tiếp tục là một trong những hoạt động tăng trưởng nhanh nhất của FPT, tăng 20% so với cùng kỳ. FPT tiếp tục tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trong năm 2024, với tổng vốn đầu tư đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 17.6% so với năm 2023.

Mục tiêu của khoản đầu tư này là mở rộng mạng lưới các trường K-12 tích hợp tại nhiều tỉnh, bao gồm Thanh Hóa và Hậu Giang. Ngoài ra, FPT University sẽ khai trương Khoa Kỹ thuật Bán dẫn, dự kiến tuyển sinh sinh viên đầu tiên vào năm 2024. FPT cũng đã đề xuất với chính phủ khung đào tạo từ 30.000 đến 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030.

Lợi nhuận từ công ty liên kết hồi phục và tăng 15 lần so với cùng kỳ lên 276 tỷ đồng (chủ yếu nhờ sự cải thiện của FRT) đóng góp vào LNTT của công ty. Trong khi đó, lợi nhuận tài chính giảm 40,3% do thu nhập lãi và cổ tức giảm.

Tổng chung, trong 9 tháng năm 2024, lợi nhuận trước thuế FPT đạt 8.111 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ.

"Chúng tôi duy trì dự phóng doanh thu thuần và lợi nhận trước thuế cho FPT trong năm 2024 lần lượt là 63.419 tỷ đồng (tăng 20,5% so với cùng kỳ) và 11.037 tỷ đồng (tăng 19,9% so với cùng kỳ) và dự phóng mức tăng trưởng tương ứng là 20,5% so với cùng kỳ và 23,1% so với cùng kỳ cho năm 2025.

Giá mục tiêu của chúng tôi cho FPT vào cuối năm 2025 là 148.600 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng tỷ suất lợi nhuận 12,2%", phân tích của Công ty chứng khoán ACB cho hay.

Trong khi đó, MBS tin rằng FPT vẫn là cổ phiếu hang đầu cho đầu tư dài hạn với CAGR lợi nhuận ròng 22% trong 2024 - 2026 và tăng trưởng tiềm năng nhờ xu hướng trí tuệ nhân tạo AI.

MBS nhận định: "Chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu tăng 9.5% so với báo cáo trước, lên 158.800 đồng/cổ phiếu, do cập nhật mô hình định giá sang 2025 và tăng doanh thu viễn thông thêm 3.8%/5.7% so với dự báo trước nhờ đóng góp từ trung tâm dữ liệu mới tại TP. HCM, và thu nhập tài chính ròng giảm 17,3%/15,7% so với dự báo trước do lãi suất tiền gửi giảm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại