Thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên sông Đăk Lô tại xã Đăk Tăng và Ngok Tem của huyện Kon Plông. Dự án có đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam hiện nay và có đập đất cao nhất Việt Nam với chiều cao là 80m, cột nước cao nhất Việt Nam với chiều cao là 944m tạo ra công suất phát điện lớn.
Khi Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước tạo ra một mặt hồ rộng 7km2, trải dài hơn 15km trên dòng chính và nhiều nhánh nhỏ. Hồ có thể chứa gần 150 triệu mét khối nước.
Tháng 10/2019 đã tổ chức Lễ thông hầm kỹ thuật tuyến năng lượng của dự án. Tuyến năng lượng của dự án có độ dài gần 17 km, trong đó 5 km là hình móng ngựa (5 x 6m), còn lại 12 km là hình tròn đường kính 4,5m nằm sâu trong lòng núi.
Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum do CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã chứng khoán: VSH) làm chủ đầu tư với tổng công suất 220MW, gồm 02 tổ máy (2x110MW), sản lượng thiết kế là 1.094 triệu kWh/năm và tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 9/2009 và đã được hòa lưới điện Quốc gia thành công vào năm 2021.
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, năm 2022, Nhà máy Thượng Kon Tum ghi nhận sản lượng điện sản xuất là 1.590,68 triệu kWh, đạt 144,85% kế hoạch, doanh thu mang về hơn 2.194 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng.
CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, tiền thân là nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và vận hành từ năm 1994 và được cổ phần hoá năm 2005. Đến nay, doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy thủy điện hoạt động ổn định với tổng công suất là 356 MW, cung cấp sản lượng điện khoảng 2 tỷ kWh/năm vào lưới điện Quốc gia bao gồm: Thuỷ điện Thượng Kom Tum (220MW), Thủy điện Vĩnh Sơn (66MW), Thủy điện Sông Hinh (70MW).
Vào tháng 10/2022, Công ty TNHH Năng lượng REE - công ty con của CTCP Cơ Điện Lạnh (mã chứng khoán: REE) đã hoàn tất mua thêm 4 triệu cổ phiếu VSH qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 52% và chính thức trở thành công ty mẹ nắm quyền chi phối công ty. Hiện nay, cổ đông lớn của VSH gồm TNHH Năng lượng REE nắm 52,58%, EVN Genco3 nắm 30,55% và quỹ đầu tư Samarang UCITS - Samarang Asian Prosperity nắm 9,88%.
Năm 2022 là năm đầu tiên Vĩnh Sơn - Sông Hinh đạt kỷ lục về sản lượng và giờ vận hành (công suất 03 nhà máy 356 MW với hơn 7.300 giờ vận hành và sản lượng điện đạt 2.616,14 triệu kWh). Nhờ vậy, giai đoạn 2022-2023 lợi nhuận của công ty đã tăng vọt lên mức trên dưới nghìn tỷ đồng, trong khi trước đó không năm nào có lãi trên 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến quý 1/2024, doanh nghiệp này đã chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh so với cùng ỳ năm trước. Cụ thể, trong quý vừa qua, Vính Sơn - Sông Hinh mang về 349,5 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 61% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đạt 118,5 tỷ đồng, giảm 81,4%.
Trong kỳ. công ty này phải trả 108 tỷ đồng chi phí tài chính và hơn 9 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Kết quả, Vĩnh Sơn - Sông Hinh lãi ròng 1,7 tỷ đồng trong quý vừa qua, giảm 99,6% so với năm ngoái. Đây cũng là khoản lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp này đạt được kể từ khoản lỗ 42 tỷ đồng vào quý 3/2021.
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của công ty đạt 9.250 tỷ đồng, giảm 83 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản cố định, ở mức 7.859 tỷ đồng.
Ngày 2/4, trong văn bản giải trình về ý kiên ngoại trừ của kiểm toán, Xây dựng 47 (mã chứng khoán: C47) đang tiến hành khởi kiện ra tòa án và trọng tài kinh tế để đòi nợ Vĩnh Sơn - Sông Hinh nên mối quan hệ giữa hai đơn vị không được đồng thuận. Khoản nợ phải thu này phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng 1382/2015/HĐKT-CC47 và số 653/2016/HD-VSH-LD giữa hai đơn vị về việc giao nhận thi công công trình thủy điện Thượng Kon Tum với số tiền 51 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2023).
Từ ngày ký xác nhận công nợ đến nay giữa hai bên không phát sinh thêm số nợ và Vĩnh Sơn - Sông Hình vẫn chưa thanh toán. Để giải quyết tranh chấp, C47 đã làm các thủ tục khởi kiện đối với hợp đồng số 1382/2015/HĐKT-CC47 tại tòa án thành phố Quy Nhơn và hợp đồng số 653/2016/HD- VSH-LD tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Theo đó, hồ sơ đã được tiếp nhận, xử lý nhiều lần được bổ sung tài liệu và trực tiếp giải trình làm rõ các vấn đề có liên quan, hiện chỉ còn chờ bố trí ngày xét xử. "Căn cứ vào kết quả phân xử của Tòa án và VIAC, nếu được phân xử thắng kiện và thi hành án chúng tôi sẽ thu hồi được khoản nợ này. Trường hợp xấu nhất, công ty không thu hồi đầy đủ được số nợ trên thì sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đưa vào chi phí trong năm 2024", Xây dựng 47 thông tin.