Suốt hơn 6 tháng qua, nhiều đồn đoán đã nảy sinh về việc Trung Quốc đang chuẩn bị lấp đất lấn biển để xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough, một thực thể tranh chấp trên biển Đông.
Hồi tháng 3, đô đốc Hải quân John Richardson cho biết Mỹ đã quan sát các hoạt động "kiểu do thám" quanh Scarborough và đó là dấu hiệu của quá trình bồi đắp. Một tháng sau, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa" khi dẫn nguồn tin thân cận từ Hải quân Trung Quốc cho rằng: Trung Quốc sẽ tiến hành bồi đắp trong năm nay.
Những đồn đoán càng gia tăng sau khi phán quyết ngày 12/7 phủ nhận quyền hạn của Trung Quốc tại khu vực này. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng Trung Quốc sẽ can thiệp vào Scarborough để trả đũa Manila nhưng chỉ sau khi G20 kết thúc tại Hàng Châu. Bắc Kinh cũng điều nhiều tàu thuyền tới khu vực tranh chấp trong khi hội nghị diễn ra.
Giờ đây, khi hội nghị đã kết thúc, liệu Trung Quốc có bồi đắp đảo không?
Nhìn vào các dấu hiệu ngoại giao của Trung Quốc và tình hình hiện tại ở biển Đông, cây viết Shannon Tiezzi của Diplomat cho rằng điều đó sẽ không xảy đến trong tương lai gần.
Cam kết với DOC
Đầu tiên, xét trên bối cảnh ngoại giao, Trung Quốc vẫn coi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002 là "cơ sở" được thiết kế để xử lý tranh chấp.
Thậm chí, Trung Quốc còn tái khẳng định cam kết của mình với DOC trong tuyên bố chung với ASEAN hôm 25/7, trong đó khẳng định: "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông là một văn kiện lịch sử thể hiện cam kết của các bên về việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, niềm tin và sự tin tưởng lẫn nhau trong khu vực" .
ASEAN và Trung Quốc đã cam kết sẽ thực thi DOC một cách đầy đủ và toàn diện. Cam kết này cũng vừa được nhắc lại tại Lào.
Hội nghị ASEAN - Trung Quốc tại Lào.
Nhiều nhà phân tích cáo buộc Trung Quốc vi phạm DOC với các hoạt động bồi đắp quy mô lớn trên biển Đông. Vấn đề nằm ở chỗ: Có 1 cam kết khá mơ hồ rằng các bên sẽ phải "kiềm chế khi tiến hành các hoạt động có khả năng khiến căng thẳng leo thang và phức tạp, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định".
Và Trung Quốc khăng khăng cho rằng hành động bồi đắp của mình không hề khiến căng thẳng leo thang và dự án này nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực. Lý do này có vẻ sáo rỗng nhưng lại là một vỏ bọc ngoại giao tuyệt vời để Bắc Kinh có cớ nói rằng mình không vi phạm DOC.
Tuy nhiên, theo DOC, có 1 hành động được xem là đi quá giới hạn: Đó là sinh sống trên các đảo, đá, bãi cạn hiện không có người ở.
Theo Diplomat, chiến lược hiện thời của Trung Quốc là khai thác những điểm chưa chặt chẽ trong DOC và đưa ra những cam kết "bằng miệng". Nhưng điều khoản trên thì rất rõ ràng. Vì lẽ đó, hành động bồi đắp Scarborough nếu được tiến hành sẽ bị coi là vi phạm DOC.
Nếu Bắc Kinh định "nuốt lời" và tiến hành xây dựng tại Scarborough ngay sau hội nghị G20 ở Hàng Châu thì tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc sẽ khiến nước này ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt hình ảnh.
Nói 1 cách đơn giản, những tuyên bố gần đây với ASEAN của Trung Quốc hoàn toàn trở nên vô nghĩa nếu nước này dự định bồi đắp Scarborough trong vài tháng tới.
Như vậy, việc Trung Quốc điều tàu tuần duyên và tàu cá tới bãi cạn có thể xem là hành động "thị uy". Trung Quốc biết rõ cái giá ngoại giao mà nước này phải trả nếu bất chấp tất cả.
Vì Duterte mềm mỏng
Còn nếu xét tới tình hình hiện tại ở biển Đông thì Trung Quốc càng không có cớ để bồi đắp Scarborough. Tình thế đã thay đổi rất nhiều trong 6 tháng qua.
Lên thay Benigno Aquino III từ 30/6, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte theo đuổi đường lối mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Ông công khai thể hiện thiện chí giải quyết vấn đề với Bắc Kinh trên cơ chế song phương, thậm chí còn không sử dụng phán quyết 12/7 để gây sức ép.
Trong một không khí ngoại giao như vậy, có lẽ Trung Quốc cũng không muốn liều làm mếch lòng một đồng minh tiềm năng như Duterte.
Hơn ai hết, Bắc Kinh hiểu rõ hoạt động bồi đắp tại Scarborough nghiêm trọng như thế nào. Trong một bài phát biểu mới đây, chuyên gia Jin Canrong của ĐH Nhân dân (Trung Quốc) còn phải nhận định "từ ngày đầu tiên bắt đầu bồi đắp Scarborough cho tới ngày kết thúc sẽ là một khoảng thời gian đầy căng thẳng. Đây là một động thái liều lĩnh mang tính lịch sử".
Đối với ông Jin, hành động này có thể là khởi đầu cho cuộc chiến Mỹ - Trung nhằm giành tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Ông Jin dự đoán: Trung Quốc có thể sẽ đi nước cờ này, nhưng không phải trước năm 2018, bởi Bắc Kinh phải chọn 1 thời điểm khi mà Washington còn bận tập trung vào một khu vực khác trên thế giới.