Ở Hy Lạp, địa danh Olympia không phải một ngọn núi mà là tên của một đồng bằng ở vùng Elis cổ, phía tây Peloponnesus. Đây là khu vực khảo cổ mà các nhà khoa học phát hiện chứng tích của nhiều công trình văn hóa cổ đại như hệ thống kho tàng, nhà xưởng, các đền thờ thần Hera và thần Zeus, sân vận động...
Các nhà khảo cổ cũng phát hiện ở đây chứng tích xưởng của nhà điêu khắc trứ danh Pheidias – tác giả tượng thần Zeus khổng lồ làm bằng ngà voi và vàng được chạm khắc vào năm 470 - 460 trước Công nguyên. Bức tượng này là một 7 kỳ quan thế giới cổ đại, ngày nay không còn.
Olympia cũng là địa điểm diễn ra các Thế vận hội trong thời kỳ cổ đại, được tổ chức 4 năm một lần. Đại hội thể thao này bị hoàng đế La Mã Theodosius I (có thể là cháu ông, Theodosius II), bãi bỏ vào thế kỷ 4 vì cho rằng chúng làm gợi lại đa thần giáo.
Còn dãy núi là địa bàn của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp có tên là Olympus – ngọn núi cao nhất Hy Lạp và cũng là một trong những núi cao nhất châu Âu.
Trong tôn giáo Hy Lạp cổ và thần thoại Hy Lạp, Olympus là ngôi nhà của 12 vị thần quyền lực nhất trong hệ thống hàng trăm vị thần. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng trên núi Olympus có các lâu đài pha lê nơi Zeus - chúa tể của các vị thần – cư ngụ. Các thần khổng lồ Titan (do nữ thần đất mẹ Gaia sinh ra, và là thế hệ trước của Zeus) từng dùng các ngọn núi ở Hy Lạp làm ngai vàng và vị Titan trẻ nhất là Cronus (cha của thần Zeus) đã ngồi trên núi Olympus.
Núi Olympus có 52 đỉnh và hẻm sâu, đỉnh cao nhất có tên gọi Mytikas (tiếng Hy Lạp có nghĩa là chiếc múi), cao tới 2.917m. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng các vị thần cư ngụ trên đỉnh núi cao nhất của dãy Olympus, có lẽ là nói đến đỉnh núi này.
Ngày nay, đỉnh Mytikas là một mục tiêu chinh phục của những người đam mê môn thể thao leo núi. Các cuộc leo núi bắt đầu từ thị trấn Litochoro, còn được gọi là “thành phố của các thánh thần” do vị trí nằm tại chân núi.
Núi Olympus có hệ thực vật phong phú, là Công viên Quốc gia đầu tiên ở Hy Lạp kể từ năm 1938 và cũng là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Du khách đến đây để chiêm ngưỡng hệ động thực vật, tham quan các sườn núi và leo lên các đỉnh núi.
Thực tế không có ngọn núi nào tên là Olympia từng khiến cái tên chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” bị đưa ra bàn luận. Một số ý kiến chỉ trích rằng cuộc thi về kiến thức trên truyền hình lại thể hiện sự sai kiến thức ngay trong tên gọi. Tuy nhiên, những người xây dựng show truyền hình này giải thích rằng, “đỉnh Olympia” là một đỉnh núi mang tính tượng trưng, nó tồn tại trong trí tưởng tượng và trong cuộc thi này.
Những người xây dựng chương trình có cảm hứng tạo ra một đỉnh núi trong ước mơ, một đỉnh núi mang tính biểu tượng và cái tên cũng mang tính biểu tượng. Cái tên chương trình không nên hiểu theo nghĩa đen. Một số tên của chương trình hay các bộ phim đôi khi chỉ là cái tên gợi cho khán giả nhiều hướng suy nghĩ khác nhau, truyền tải nhiều thông điệp khác nhau.