Định giúp đỡ ông cụ "lách luật", người bán vé bất ngờ bị hỏi 1 câu khiến anh lập tức đổi ý

Thanh Hương |

Lòng tốt cũng phải được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng cách thì mới phát huy được mục đích tốt đẹp của nó.

Có một ông lão đi tàu, mang theo rất nhiều hành lý. Ông đi đến chỗ quầy vé, hỏi mua vé tàu cho mình và vé hành lý cho chuyến đi của ông tới một thành phố khác.

Ngẩng lên nhìn vị khách già nua, người bán vé nhận ra đó là một người quen của mình và chào hỏi vồn vã. 

Khi đưa vé cho ông, anh ta nhiệt tình nói thêm: "Ông không cần phải mua vé hành lý hay lo lắng về chuyện mang nhiều hành lý mà không mua vé đâu. Tôi sẽ đi cùng chuyến tàu với ông và bảo đảm rằng sẽ không có ai hỏi ông về chuyện đó cả".

Nghe xong, ông lão hỏi lại: "Được rồi, nhưng anh sẽ đi bao xa?"

Người bán vé đọc tên bến mà anh ta sẽ dừng lại, rồi trấn an: "Đừng lo, dù ông có đi xa hơn nữa, tôi sẽ nhờ một người kiểm tra vé mà tôi quen trên chuyến tàu tiếp theo để ông đi thoải mái mà không cần mua thêm vé hành lý".

Ông lão lại hỏi: "Nhưng người đó sẽ đi cùng tôi bao xa?"

Người bán vé khẳng định chắc nịch: "Anh ta sẽ đi cùng ông đến bến cuối".

Ông lão vẫn chưa chịu bỏ cuộc: "Nhưng hành trình của tôi sẽ không dừng lại ở đó".

Người bán vé ngạc nhiên lắm, chăm chú nhìn vị khách đã lớn tuổi và hỏi lại một cách nghi hoặc: "Ông sẽ đi bao xa?"

Định giúp đỡ ông cụ lách luật, người bán vé bất ngờ bị hỏi 1 câu khiến anh lập tức đổi ý - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Internet)

Đến lúc này, người đàn ông đã đi qua gần hết những sương gió của cuộc đời mới bình thản đáp lại: "Tôi phải đi xa hơn cả những bến tàu hữu hình này. Sau khi chết đi, tôi sẽ đi gặp Thượng đế. Ai sẽ đi cùng tôi đến đó và bảo đảm tôi sẽ không xảy ra chuyện gì chứ?"

Người bán vé câm lặng, không còn biết nói gì nữa.

Ông lão giải thích: "Con tàu này là tài sản công, và không ai nên mang thêm hành lý mà lại không phải chịu phí… Hôm nay, tôi có thể láu cá để qua mặt cơ quan quản lý, nhưng tôi không thể lừa dối Thượng đế, cũng không thể lừa dối chính mình".

Lắng nghe những lời nói này, người bán vé đã hiểu ra vấn đề, vui vẻ xin lỗi ông lão và đưa cho ông tấm vé hành lý như với bao nhiêu người khác.

Lời bàn: Lòng tốt cũng phải được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng cách thì mới phát huy được mục đích tốt đẹp của nó, mới không bị người khác lợi dụng để giở trò gian lận hay láu cá.

Người bán vé vì gặp người quen, lại thấy đó là một ông lão già cả, nên động lòng, muốn giúp đỡ ông tiết kiệm chút tiền mua vé hành lý.

Định giúp đỡ ông cụ lách luật, người bán vé bất ngờ bị hỏi 1 câu khiến anh lập tức đổi ý - Ảnh 2.

Thế nhưng, nếu như ai cũng được "đặc cách" như vậy, ai cũng có thể thoải mái mang theo số hành lý mà mình cần, và một con tàu sẽ phải gánh thêm bao nhiêu tấn hàng hóa? Những người bốc vác sẽ phải làm quá khả năng của họ bao nhiêu lần?

Và nếu ai cũng được "đặc cách", thử hỏi những quy định tồn tại phỏng còn có ích gì nữa? Thế giới sẽ hỗn loạn biết chừng nào vì ai cũng sẽ "tranh thủ" giúp đỡ những người thân quen hay bạn bè của họ?

Một xã hội có những cá nhân có sự kỷ luật và tự giác, giống như ông lão trong câu chuyện, ắt sẽ là một xã hội phát triển và có tương lai.

Theo Moral Stories

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại