Kể từ sau khi Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, đi vào thực tiễn, những người buôn bán xe máy cũ ở Hà Nội, “đứng ngồi không yên” do bị ảnh hưởng. Tại nhiều nơi các cơ sở buôn bán xe máy cũ luôn trong tình trạng vắng vẻ, ế khách. Các chủ kinh doanh cho rằng, việc sang tên cho các phương tiện đã qua sử dụng trở nên phức tạp hơn. Muốn sang tên thuận lợi cho người mua, chủ cũ phải hoàn tất thủ tục thu hồi đăng ký, biển số bằng cách khai báo trên Cổng dịch vụ công, sau đó trực tiếp đi nộp đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan đăng ký xe.
Khách mua xe máy cũ vắng đi nhiều
Theo anh Lã Văn Hòa, một chủ cửa hàng buôn bán xe máy cũ ở phố Chùa Hà (Quận Cầu Giấy, Hà Nội), nơi được coi là “thủ phủ của xe máy cũ”, từ khi Thông tư 24 ra đời đến nay, các cửa hàng ở chợ xe máy luôn trong tình trạng ế ẩm. Khách đến mua chỉ bằng 10-15% so với trước, thu nhập các cửa hàng cũng vì thế mà giảm nghiêm trọng.
“Trước đây mỗi ngày chúng tôi cũng bán được 8, 9 xe, nay cả mấy ngày mới bán được 1 xe, thu nhập giảm hơn trước nhiều lần. Vì có ai đi mua xe máy cũ đâu? Họ đang chờ hướng dẫn”, anh Hoà chia sẻ.
Cũng chung “nỗi niềm ế khách”, ông Nguyễn Tuấn Anh, một chủ cửa hàng xe máy cũ cũng than thở: “Chả riêng ở Chùa Hà đâu, mà các nơi khác buôn bán xe máy cũ cũng vắng khách. Người ta chủ yếu đi xem, chứ mua họ chưa dám, vì họ không biết chính sách sang tên như thế nào, nếu mua xe cũ có được làm giấy đổi sở hữu hay không. Dân không mua thì chúng tôi bán cho ai?”.
Theo Thông tư 24, biển số định danh là phương thức quản lý tích cực dựa trên nền tảng số hóa, quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới sẽ có hiệu lực pháp luật. Việc cấp biển số định danh phù hợp với xu thế chuyển đổi số và là sự thay đổi biện pháp quản lý trong thời kỳ công nghệ lên ngôi. Quản lý biển số xe theo mã định danh sẽ là tiền đề quan trọng tiến tới sử dụng đăng ký xe điện tử, tích hợp trên ứng dụng VneID.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an
“Thông tư 24 đã mang lại lợi ích rất lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước, giúp chúng tôi quản lý được phương tiện và người tham gia giao thông, mặt khác cũng nâng cao trách nhiệm của người tham gia giao thông với phương tiện mình đang quản lý” - Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an khẳng định.
Với sự tiện lợi này, người dân sẽ không phải mang nhiều giấy tờ khi tham gia giao thông hay thực hiện các thủ tục hành chính, từ đó giảm thời gian, chi phí đi lại mà vẫn đảm bảo thông tin chính xác.
Biển số định danh sẽ giúp cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước trở nên hiệu quả. Quản lý biển số theo mã định danh sẽ giúp các cơ quan nhà nước dễ dàng xác minh chủ xe thực sự. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, quá trình truy tìm và chứng minh trách nhiệm của chủ xe cũng như trách nhiệm của người điều khiển xe sẽ đơn giản hơn.
“Để quản lý xã hội, bây giờ chúng ta tiến tới sử dụng thông tin bất biến, chính là mã số định danh, có thể nói đây là bước tiến mới trong quản lý xã hội” - Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo nhận định.
Biển số định danh là phương thức quản lý tích cực dựa trên nền tảng số hóa và cũng phù hợp với pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, biển số định danh vẫn còn đó những vướng mắc mà việc nhìn nhận và đưa ra giải pháp khắc phục là điều nên làm càng sớm càng tốt.
Một khó khăn nữa là quy định khiến nhiều chiếc xe được các salon xe cũ thu mua từ trước gặp khó khăn trong việc sang tên cho khách hàng, do không liên lạc được với chủ cũ, chủ cũ đi công tác, đang ở xa... Ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ cửa hàng xe máy cũ ở Chùa Hà đề xuất: “Trước đây chúng tôi mua bán chỉ cần gặp chũ cũ ra phòng công chứng, rồi xác định mua bán giữa hai bên, bên mua cầm hợp đồng công chứng ra cơ quan công an để làm thủ tục cấp biển số mới. Nhưng bây giờ theo quy định mới, cả hai chủ mua và bán cùng ra công chứng, cùng ra cơ quan Công an để làm thủ tục thu hồi biển cũ, sau đó mới được cấp giấy cấp biển mới, như vậy tốn kém và gây phiền hà cho người dân, cũng như những người kinh doanh bọn tôi, vì vậy cần thay đổi cách thức làm cho phù hợp”.
Anh Lê Văn Sinh, một người dân mua xe máy cũ, phải đổi biển số định danh cũng chia sẻ: “Em đã nghỉ mất 2 ngày để đi làm thu hồi biển cũ, sau khi làm xong thì 2 ngày sau em lại phải đến để làm thủ tục cấp biển định danh, như vậy sẽ nghỉ mất thêm buổi nữa. Em rất mong muốn cơ quan chức năng gộp trong một ngày, thu hồi xong có thể xử lý cấp biển định danh trog vòng 1, 2 tiếng sau để người dân không mất thì giờ như hiện nay”.
Hiện có nhiều trường hợp chủ xe bán xe qua hợp đồng ủy quyền, do đó cơ quan Công an khó khăn trong việc tìm chủ xe để đi làm thủ tục thu hồi biển số, cũng như cá nhân, tổ chức nộp phạt khi trễ hạn hoặc trường hợp thừa kế xe, chủ xe đã chết thì không thể thực hiện được việc thu hồi đăng ký, biển số.
Thực ra, như trước đây biển số sẽ gắn liền với xe (xe nào biển số đó) khi Thông tư 24 có hiệu lực, biển số sẽ gắn liền với cá nhân, tổ chức cụ thể (người nào biển số đó). Khi bán xe thì cá nhân, tổ chức phải giữ biển số và nộp lại cho cơ quan công an để công an làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi cá nhân, tổ chức đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình. Điều này thuận tiên cho việc quản lý chủ xe và phương tiện. Tuy nhiên, người dân đều mong muốn biển số gắn theo người, qua mã định danh của chủ xe sẽ đảm bảo quản lý xe đăng ký chính chủ, giúp quản lý được chặt chẽ, nhưng thủ tục cấp đổi biển, nhất là chuyển từ biển cũ sang mã định danh xe máy cần có giải pháp thực hiện sao cho tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân.
Theo Thông tư 24, khi bán xe, cá nhân, tổ chức phải nộp lại biển số cho cơ quan công an và cơ quan công an sẽ cấp lại biển số này khi cá nhân, tổ chức đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình. Trường hợp cá nhân, tổ chức bán đồng thời từ hai xe trở lên và chỉ mua lại một xe thì việc cấp lại biển số xe sẽ được thực hiện như thế nào? Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức có được lựa chọn giữa các biển số theo ý muốn của bản thân hay biển số sẽ được cấp theo thứ tự thu hồi và lưu giữ? Câu hỏi này chưa được trả lời thấu đáo.
Theo Thông tư 24 thì biển số xe có ký hiệu CD cấp cho ô tô chuyên dùng, còn biển số có ký hiệu RM cấp cho rơmoóc, sơmi rơmoóc… Biển số dành cho các loại xe này có các ký hiệu đặc biệt là nhằm thể hiện sự đặc thù riêng. Do đó, ngay cả khi biển số là định danh thì cũng phải thể hiện được đặc thù này. Việc bán rồi mua lại xe mới không có tính năng tương tự sẽ khó thỏa mãn điều kiện để tiếp tục sở hữu biển số định danh cũ. Vì vậy, việc thu hồi, lưu giữ và cấp lại biển số định danh có các ký hiệu đặc thù trong nhiều trường hợp là một sự lãng phí không cần thiết.
Đối với xe đã đăng ký biển ba hoặc bốn số thì xe vẫn được phép tham gia giao thông trừ khi chủ xe có nhu cầu đổi sang biển số định danh. Nói cách khác, các xe đang sử dụng biển ba hoặc bốn số thì không có yêu cầu bắt buộc phải cấp đổi biển số định danh. Từ đây, việc quản lý các xe có biển ba hoặc bốn số vẫn là bài toán nan giải.
Thực tế, số lượng xe có biển ba hoặc bốn số tuy không nhiều nhưng phần lớn là các xe đã cũ và ít có giá trị. Các xe này thường được sử dụng để vận chuyển hàng hóa cồng kềnh (xe chở gas, xe chở nước đá…). Do ít có giá trị nên người điều khiển cũng có thái độ ít cẩn trọng trong khi tham gia giao thông. Vì vậy, xác suất xảy ra tai nạn giao thông hay vi phạm giao thông là cao hơn hẳn so với người điều khiển các xe đời mới, có giá trị cao. Do không quản lý được theo biển số định danh, việc truy tìm người vi phạm giao thông hay người điều khiển gây tai nạn sẽ rất khó khăn. Với biển số định danh thì đối với những phương tiện giao thông có nguy cơ cao lại là nhóm khó phát hiện và xử lý nhất.