Dính bê bối, 'The Voice' Trung Quốc ngừng phát sóng

Thu Thủy (Theo Thepaper) |

Vào ngày 25/8, Đài truyền hình vệ tinh Chiết Giang đã thông báo “tạm dừng phát sóng” games show ăn khách "The Voice of China". Trang weibo chính thức của đài đăng tải thông báo: "The Voice of China" đang được điều tra, chương trình tạm dừng phát sóng.

Sau khi tin này được tung ra, giá cổ phiếu của Xingkong Huawen, công ty mẹ, nhà sản xuất "The Voice of China", đã nhanh chóng lao dốc, có thời điểm giảm xuống hơn 11%, lúc thấp nhất 59,15 HKD (đô la Hồng Kông) trên mỗi cổ phiếu. Giá này đã giảm hơn 50% so với giá lúc đóng cửa ngày 17/8 là 124 HKD/cổ phiếu.

Trước đó, vào tối 17/8, một đoạn ghi âm dài 9 phút được cho là của cố ca sĩ nổi tiếng Coco Lee (vừa qua đời ở Mỹ hôm 5/7) đã được lan truyền trên mạng. Trong đoạn ghi âm, Coco Lee phàn nàn về việc cô bị đối xử bất công khi ghi hình cho chương trình "The Voice of China", điều này đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của thị trường và dư luận. 

Ngay tối hôm đó (17/8), trang weibo chính thức của "The Voice of China" đã đưa ra tuyên bố phản hồi rằng: "Gần đây, một số tài khoản mạng xã hội đã phát tán đoạn ghi âm được chỉnh sửa ác ý trên nền tảng Internet “CoCo Lee tố cáo The Voice of China 2022” trước khi bà qua đời, đây là hành động thiếu tôn trọng người đã khuất, đồng thời cũng làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của chương trình, chúng tôi cực lực lên án".

Dính bê bối, The Voice Trung Quốc ngừng phát sóng - Ảnh 1.

CoCo Lee ngồi ghế giám khảo The Voice of China mùa 2022

Vào tối ngày 20/8, Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình Chiết Giang (Zhejiang Radio and Television Group) đã đăng một thông báo trên trang web chính thức “Gửi người xem “The Voice of China” và cộng đồng cư dân mạng”, cho biết, họ sẽ điều tra và xác minh những tranh cãi do vụ việc này gây nên.

Trong thông báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Chiết Giang thừa nhận: “Chúng tôi tỉnh táo nhận thức rằng chương trình “The Voice of China” liên tiếp gặp phải một số vấn đề, vẫn còn một khoảng cách so với sự mong đợi của mọi người. 

Truyền hình vệ tinh Chiết Giang có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tăng cường quản lý giám sát, thực hiện chức trách của nền tảng phát sóng; đồng thời yêu cầu đơn vị sản xuất chương trình là Shanghai Canxing Culture Media Co., Ltd. nghiêm túc lắng nghe ý kiến ​​của mọi người và nghiêm túc duy trì sự công bằng, công minh chính đáng trong quá trình sản xuất chương trình, để mỗi người tham gia đều được tôn trọng. 

Trước vấn đề mà mọi người quan tâm, Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình Chiết Giang sẽ điều tra và xác minh thêm với thái độ có trách nhiệm, đồng thời chân thành hoan nghênh sự giám sát của đông đảo khán giả và cư dân mạng…”

Theo bản cáo bạch được phát hành tại thời điểm niêm yết, Xingkong Huawen là nhà sáng tạo và điều hành IP, có nhiều IP chương trình tạp kỹ nổi tiếng, bao gồm ca hát của các ngôi sao nổi tiếng, thi khiêu vũ, tạp kỹ tài năng, talk show, tạp kỹ văn hóa/ngoài trời và các chương trình tạp kỹ khác. Shanghai Canxing Culture Media Co., Ltd., một trong những đơn vị hoạt động chính của Xingkong Huawen, “The Voice of China” là IP chương trình tạp kỹ lớn nhất và tiêu biểu nhất thuộc Canxing Culture. Ngoài ra, các chương trình tiêu biểu khác bao gồm “Street Dance of China", " Mask Singer "...

Xingkong Huawen ra mắt "The Voice of China" vào năm 2012, cho đến nay chương trình này đã trải qua 12 mùa. Với việc doanh thu giảm mạnh, độ nổi tiếng của "The Voice Trung Quốc" cũng giảm sút qua từng năm. Mùa mới nhất của "The Voice of China 2023" vẫn chưa công bố điểm số. Diva Lee Coco khi còn sống đã tham gia show games "The Voice of China 2022". Cô phản đối hệ thống cạnh tranh không lành mạnh và có tranh chấp với chương trình, gây ra nút thắt. Sau đó, hàng loạt xáo trộn đã xảy ra như lộ tập tin âm thanh, video, tuyên bố của thí sinh, xuất hiện hàng chuỗi tai tiếng.

Một đoạn video của "The Voice" đã bị tiết lộ cách đây vài ngày. Coco Lee phản đối hệ thống cạnh tranh bất công, tranh cãi với chương trình và thậm chí vò nát bản thảo trong tay cô. Coco Lee giận dữ hét lên với các nhân viên của "The Voice" vây quanh cô: "Điểm thấp nhất của các người là 73, người đó có thể thi lại, nhưng điểm 88,3 của tôi không được chấp nhận, hãy tìm ai đó giải thích luật chơi này giúp tôi”. Ê-kíp của Coco Lee nói với đơn vị sản xuất: "Các anh (đơn vị sản xuất chương trình) đã quá đáng", nhưng nhân viên đáp lại: "Chúng tôi không thể đưa vấn đề này lên mặt bàn được".

Coco Lee nghe xong liền tức giận, lớn tiếng nói: "Điều tôi đang nói là sự thật. Tất nhiên các người sẽ cắt nó đi. Như vậy là không công bằng". Khi đó nhân viên chương trình cưỡng bức kéo Coco Lee khỏi sân khấu, cô hét lớn: "Đừng chạm vào tôi, để tôi bình tĩnh lại".

Sau khi sự kiện bắt nạt CoCo Lee trong "The Voice" bị vạch trần, cư dân mạng đã tới tấp lên án, những tranh cãi trước đây cũng đã được lật lại, chẳng hạn như ghế tự quay lại mà các sư phụ không bấm chuông, Phó đạo diễn Liễu Lệ nhiều lần cố tình làm khó nữ ca sĩ Na Anh... Loại bỏ Chu Thâm và yêu cầu Diêu Bối Na chuyển sang bài hát có độ khó cao...

Siêu sao Jenny thậm chí còn chỉ mặt "Phó đạo diễn Liễu" ra độc thủ với Coco Lee. Vào ngày 23/8, Beijing Warner Music, công ty quản lý của CoCo Lee, đã đưa ra một thông báo cho biết: "Là công ty quản lý của CoCo, trong thời gian hợp tác trước đây, chúng tôi đã cùng CoCo thực hiện ước mơ và tạo ra nhiều chương trình âm nhạc và sân khấu hay. Chúng tôi không những có trách nhiệm không tiếc công sức đấu tranh cho quyền lợi của nghệ sĩ và bảo vệ danh tiếng của nghệ sĩ; đồng thời cũng có nghĩa vụ bảo vệ quyền riêng tư và tôn trọng sự lựa chọn của cô ấy. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi cuộc điều tra và dốc sức hợp tác với cơ quan chức năng".

Trong lúc vụ việc video liên quan Coco Lee còn chưa sáng tỏ thì hôm 24/8, một người từng là nhà làm phim của chương trình đã tiết lộ tin động trời: nhà vô địch mùa năm nọ (tạm thời giấu tên) đã mua giải vô địch với giá 30 triệu NDT (4,2 triệu USD).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại