Dinamo Kiev đã khiến các đội bóng của Phát xít Đức nhục nhã ra sao?

Nguyễn Đức |

Giờ giải lao, viên tướng Đức Eberkhard có mặt tại phòng thay quần áo của đội với vẻ mặt lạnh ngắt. Hắn tuyên bố Các anh không được chơi như thế. Nếu muốn sống trở về nhà, hãy phục tùng quân đội Đức.... Thế nhưng, trước sự cổ vũ nhiệt tình của các CĐV, các cầu thủ đã thi đấu hết mình...

CLB bóng đá Dinamo Kiev Liên Xô thành lập năm 1927. Nó được xem là "nhà" của đội bóng ngành an ninh Xô-viết. Tuyệt đại bộ phận cầu thủ lúc bấy giờ đều mang quân hàm hạ sĩ quan và sĩ quan an ninh. Năm 1936, tại giải vô địch bóng đá Liên Xô, Dinamo Kiev đứng thứ nhì toàn liên bang.

Mùa hè 1941, các cầu thủ Dinamo Kiev gia nhập Hồng quân. Những tuần lễ đầu tiên của chiến tranh, một số cầu thủ giỏi của Dinamo Kiev đã hy sinh. Tháng 9/1941, rơi vào vòng vây dày đặc của quân phát xít ở ngoại ô Kiev, các cựu cầu thủ Dinamo Kiev bị lạc giữa đầm lầy. Cuối cùng thì họ cũng tìm được đường về thành phố tham gia hoạt động du kích bí mật trong lòng địch.

Dinamo Kiev đã khiến các đội bóng của Phát xít Đức nhục nhã ra sao? - Ảnh 1.

CLB bóng đá Dinamo Kiev năm 1939.

Để hợp thức hóa, họ xin vào làm việc ở Nhà máy Bánh mì số 1. Phó giám đốc nhà máy là người Nga gốc Bỉ rất có cảm tình với Dinamo Kiev và cũng là cổ động viên bóng đá số 1 nên ông giúp đỡ các cầu thủ Hồng quân hết mình.

Một thời gian sau có thêm một số cầu thủ Lokomotiv cộng với số cầu thủ Dinamo Kiev, nhà máy bánh mì thành lập đội bóng đá. Họ luyện tập thường xuyên, ngoài đồng lương ít ỏi, nhà máy trợ cấp thêm cho mỗi cầu thủ 200g bánh mì mỗi ngày. (Xin các bạn nhớ rằng: thời kỳ đó 200g bánh mỳ là cả một sự xa xỉ ngoài sức tưởng tượng).

Mùa xuân 1942, chiến tranh chống phát xít ngày càng ác liệt. Quân Đức ban hành chế độ tem phiếu lương thực ở Ukraina, trong đó có Kiev. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đội bóng của các cựu cầu thủ Dinamo vẫn luyện tập. Họ đặt tên cho đội bóng là Star - Ngôi sao - ngầm ý nói lên ngôi sao đỏ của Hồng quân Liên Xô.

Lúc này ở Kiev còn có một đội bóng khác mang tên Rukh (theo tiếng Ukraina nghĩa là "năng động"). Đội bóng này do phe cực hữu dân tộc chủ nghĩa thân Đức lập nên, huấn luyện viên của Rukh là ông Sepsov - cựu lãnh đạo đội bóng Lokomotiv.

Trận đấu đầu tiên ngày 7/6/1942, Đội Star đã thắng Rukh với tỉ số đậm 7-2 khiến chính quyền bù nhìn Đức vô cùng hậm hực. Sau đó ở Kiev có thêm đội bóng lính Đức, đội bóng lính Hungari và đội bóng lính Rumani. Bất chấp tất cả, Star đã chiến thắng đội bóng lính Hungari 6-2 ngày 21/6/1942. Ngày 5/7/1942, Star chiến thắng đội bóng lính Rumani với tỉ số 11-0. Thật quá xỉ nhục! Quân Đức nổi cơn thịnh nộ.

Ngày 12/7/1942, chúng tổ chức trận đấu giữa đội bóng quân Đức với Star, với tham vọng cho Star... gãy xương sống. Vào đầu hiệp 1, các cầu thủ là sĩ quan Đức có sức khỏe tốt hơn, đã chơi lấn lướt, sút thủng lưới Star. Binh lính Đức trên khán đài la hét cổ vũ.

Phút thứ 20, điều gì đến cũng sẽ đến: Star chọc thủng lưới đội Đức. Khi sắp kết thúc hiệp 1, các cầu thủ Star lại sút tung lưới đội Đức lần thứ hai. Cả cầu trường nghẹt thở, các sĩ quan Đức la hét tức tối.

Giờ giải lao, viên tướng Eberkhard có mặt tại phòng thay quần áo của Đội Star với vẻ mặt lạnh ngắt. Hắn tuyên bố: "Các anh không được chơi như thế. Nếu muốn sống trở về nhà, hãy phục tùng quân đội Đức...".

Không khí lo lắng bao trùm toàn Đội Star bởi các cầu thủ biết quân phát xít không nói đùa. Nhưng khi bước ra sân thi đấu hiệp 2, nhìn thấy đông đảo cổ động viên là quần chúng nhân dân Kiev, tinh thần của các cựu cầu thủ Dinamo thêm vững vàng. Họ tự nhủ sẽ chơi hết mình để cho bọn Đức một bài học dù có phải hy sinh.

Thế là, khung thành đội quân Đức lại tiếp tục thủng lưới thêm 2 lần. Thủ môn Đội Star Nicolai Trusevic chơi rất xuất sắc, cản phá được mọi cú sút của đối phương. Eberkhard bỏ về 5 phút trước khi hết trận đấu.

Ngày 17/7/1942, Đội Star lại xung trận. Lần này, quân Đức tung ra Đội PZS bao gồm nhiều tuyển thủ giỏi, chọn từ các sư đoàn đóng tại Ukraina. Nhưng kết quả cuối cùng còn thảm hại hơn: PZS thua đậm Star tới 6 bàn.

Chưa chịu thừa nhận thất bại, chỉ huy quân đội Đức ở Kiev quyết định tổ chức trận đấu thứ ba vào ngày 5/8/1942 với Đội Flakelf gồm các cầu thủ xuất sắc chọn từ Quân chủng Không quân con cưng. Lần này, quân Đức hạn chế số cổ động viên Ukraina vào sân. Ngược lại, số lượng binh lính Đức có mặt trên sân Zenit đông gấp bội nhằm gây tâm lý áp đảo tinh thần các cầu thủ Star. Kết thúc trận đấu không ai biết gì cụ thể ngoài thông báo Đội Star thắng.

Ngày 9/8/1942, quân Đức cay cú tổ chức trận đấu lần thứ hai giữa Flakelf và Star ở sân vận động ngoại ô Kiev ít chỗ ngồi hơn. Thế nhưng khó khăn không ngăn cản nổi người dân đến cổ động cho Đội Star.

Bị lính Đức xô đẩy nên nhiều cổ động viên đã hô to những khẩu hiệu chống phát xít. Tình hình căng thẳng khiến các sĩ quan Đức phải hạ lệnh nổ súng cảnh cáo. Một số cổ động viên bị bắt đem đi mất tích...

Rồi thì trận quyết đấu cũng bắt đầu. Thế trận giằng co chưa nghiêng hẳn về bên nào trong suốt hiệp 1. Nhưng sang hiệp hai, phát hiện ra điểm yếu của đối phương, các mũi nhọn tấn công khôn khéo của Star ào ạt tấn công. Kết quả cuối cùng, Star thắng đội quân Đức với tỉ số 5-3.

Người hùng của trận đấu là Goncharenco nhớ lại: "Tôi sút tung lưới bọn Đức 2 lần. Cả đội bình tĩnh rời sân mặc dù bầu không khí lúc đó rất nặng nề, nguy hiểm. Lính Đức nhìn chúng tôi trừng trừng".

Sự trả thù Đội Star ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến chiến lược mị dân của chúng tại Kiev. Nhưng đấy chỉ là tạm thời. Cựu cầu thủ Dinamo Goncharenco hồi tưởng: "Quân Đức đã không để yên cho Star. Lý do chúng gán cho các cầu thủ là tuyên truyền chống phát xít, đề cao thể thao Xôviết, và đặc biệt là lý do phá hoại vì tìm thấy nhiều mảnh thủy tinh trong bột mì cung cấp cho lính Đức.

Bọn SS bắt luôn 8 cầu thủ Star. Các cầu thủ Nicolai Trsevic, Ivan Cuzmenco, Nicolai Corotkix, Alecxei Klimenco bị bắn, số còn lại bọn Đức đưa vào trại tập trung hoặc bắt đi lao động khổ sai. Cầu thủ Nogachepski bị bọn Đức bắn chết vào tháng 2/1943 khi lao động đổ nhựa đường phục vụ quân đội Đức".

Không lâu sau khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc kết thúc thắng lợi, Chủ tịch Đoàn Xôviết tối cao Liên Xô quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công cho hai cầu thủ Goncharenco và Cviridovski. Các cầu thủ Trusevic, Cuzmenco, Corotkix, Klimenco được truy tặng Huân chương Quả cảm.

Tại sân vận động Dinamo thủ đô Kiev, người ta đã xây dựng một tượng đài hoành tráng để ghi nhớ chiến công của các cầu thủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại