Ngủ bao nhiêu là đủ?
Thời gian ngủ đủ giấc thay đổi tùy theo mỗi người. Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật (CDC) khuyến cáo người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng một ngày. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 1/3 người trưởng thành không ngủ đủ giấc.
Tác hại của mất ngủ kéo dài
Trong cuộc sống hiện đại, ai cũng có lúc trải qua một đêm trằn trọc khó ngủ. Hậu quả dễ thấy nhất là chúng ta có cảm giác mệt mỏi, cáu gắt, mất động lực làm việc vào ngày hôm sau.
Nếu người bệnh bị mất ngủ kéo dài, sức khỏe tinh thần và thể chất của họ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các mối liên hệ giữa mất ngủ kinh niên với các vấn đề về sức khỏe, từ tăng cân cho đến suy giảm miễn dịch. Cụ thể:
Suy giảm hệ miễn dịch
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh sự liên quan giữa giấc ngủ và hoạt động của hệ miễn dịch. Mất ngủ làm giảm khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể, khiến bệnh nhân dễ bị bệnh hơn. Người bệnh khi bị ốm cũng có xu hướng mất ngủ nhiều hơn trong lúc cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Tác động xấu đến sức khỏe tim mạch
Một phân tích được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu chỉ ra rằng, thời gian ngủ quá ngắn (dưới 5 tiếng mỗi ngày) hoặc quá dài (hơn 9 tiếng mỗi ngày) đều được chứng minh tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh mạch vành hoặc đột quỵ sẽ tăng lên nhiều lần trên bệnh nhân mất ngủ kéo dài.
Tăng nguy cơ ung thư
Theo Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ, mất ngủ nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
Giảm khả năng suy nghĩ của não bộ
Chỉ cần một đêm thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến các vấn đề về suy nghĩ, nhận thức. Trong một nghiên cứu về não, một nhóm gồm 18 người được giao các nhiệm vụ để thực hiện. Nhiệm vụ đầu tiên được yêu cầu sau một đêm ngủ đủ giấc, trong khi nhiệm vụ thứ hai được thực hiện sau một đêm mất ngủ. Kết quả cho thấy sau khi mất ngủ, chức năng não, bao gồm năng lực quyết định, suy luận, giải quyết vấn đề, phản xạ cũng như sự tỉnh táo đều bị suy giảm.
Ảnh hưởng đến trí nhớ
Giấc ngủ giúp não bộ lưu trữ thông tin thu nhận được trong ngày. Mất ngủ không chỉ khiến bạn dễ quên hơn mà còn tác động xấu đến năng lực học tập và trí nhớ.
Giảm ham muốn tình dục
Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục. Những nam giới trẻ bị mất ngủ trong một tuần có nồng độ testosterone giảm so với những người ngủ đủ giấc. Ngủ 5 tiếng hoặc ít hơn mỗi ngày làm giảm hormone sinh dục từ 10% - 15%.
Tăng cân
Mất ngủ khiến bạn khó kiểm soát cân nặng. Một nghiên cứu về mối liên hệ giữa giấc ngủ và cân nặng ở 21469 người trên 20 tuổi cho thấy, những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày có xu hướng tăng cân và trở nên béo phì.
Ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tinh thần
Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất là tinh thần con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Đồng thời, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, ngủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày là khoảng thời gian tối ưu để tránh các vấn đề có thể dẫn đến đái tháo đường.
Tăng nguy cơ bị tai nạn
Theo Hiệp hội Giấc ngủ Quốc gia, người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ gặp tai nạn giao thông gấp 3 lần so với người bình thường. Những người dễ gặp tai nạn nhất là công nhân làm việc theo ca, tài xế xe đường dài, những người đi công tác xa và bất kì ai phải làm việc nhiều giờ liên tục. Hãy cân nhắc thật kĩ việc tham gia giao thông nếu bạn không ngủ đủ giấc.
Ảnh hưởng xấu đến da
Một nghiên cứu về giấc ngủ và tình trạng da cho thấy những bệnh nhân mất ngủ kéo dài sẽ có nhiều nếp nhăn, vết chân chim, da không đều màu và kém săn chắc rõ rệt. Người bệnh cũng kém hài lòng với ngoại hình của mình hơn những người được ngủ đủ giấc.
Tóm lại, ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sự nghỉ ngơi và hồi phục của cơ thể. Khi bạn mất ngủ, đặc biệt là mất ngủ kéo dài, mất ngủ kinh niên thì cơ thể sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực dẫn đến các tác động xấu về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng một ngày.