Tuy đã về hưu nhưng GS. TS Nguyễn Đức Vi vẫn đau đáu với những con số, những nghiên cứu về căn bệnh vô sinh hiếm muộn. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về suy nghĩ của Giáo sư và việc hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân vô sinh hiếm muộn, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện chưa vui, chắc giáo sư cũng có không ít trăn trở?
Ông trầm ngâm trả lời rằng: "Mỗi lần nhìn ánh mắt trông ngóng, mong mỏi như đặt hết niềm tin, giao phó hết trách nhiệm và niềm hi vọng vào bác sĩ của những cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn khi tới thăm khám, tôi tự nhủ phải làm sao tốt nhất để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất giúp họ thỏa mãn thỏa mãn khao khát tiếng cười trẻ thơ.
Chưa làm được là lòng tôi còn canh cánh, là vẫn còn áp lực đè nặng lên vai."
Làm nghề y vất vả, gian nan, tận tụy với nghề là thế, nhưng khi trở về nhà, vị Giáo sư này cũng có những niềm vui nho nhỏ, giản dị: "Bệnh nhân gửi thư, gọi điện hay gặp trực tiếp báo tin vui về cho tôi rất nhiều.
Cho đến tận bây giờ, hạnh phúc của bệnh nhân cũng là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi chẳng mong cầu gì, chỉ mong giúp được nhiều hơn nữa các cặp vợ chồng chẳng may bị vô sinh hiếm muộn thỏa mãn khao khát được làm bố làm mẹ khi sức khỏe còn cho phép."
Vị giáo sư già nâng niu từng bức thư báo tin vui của bệnh nhân gửi về.
Để biết rõ hơn về những trăn trở và chặng đường gian nan trong điều trị vô sinh, hiếm muộn, chúng tôi đã tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này!
Thưa GS, xin GS cho độc giả được biết bệnh nhân và người nhà cần chuẩn bị điều gì đầu tiên cho quá trình điều trị này?
Tâm lý chính là điều đầu tiên và quan trọng nhất. Không chỉ người vợ hay chồng mà cả các thành viên trong gia đình cần phải bình tĩnh và thông cảm cho nhau. Tránh những hiện tượng tâm lý tiêu cực như trách móc, đay nghiến, đổ lỗi hay thậm chí đòi người trong cuộc phải ly hôn.
Chính tâm lý căng thẳng, áp lực từ nhiều phía sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị vô sinh, hiếm muộn.
GS. TS Nguyễn Đức Vi - Nguyên Giám đốc BV Phụ sản TW chia sẻ những câu chuyện về nghề, về tâm huyết của mình trong chính ngôi nhà nhỏ của mình.
Thưa GS, mọi người thường gọi chung "vô sinh hiếm muộn" nhưng hai căn bệnh này khác nhau như thế nào ạ?
Vô sinh và hiếm muộn có điểm tương đồng là đều nói về tình trạng một cặp vợ chồng sau thời gian chung sống một năm, quan hệ tình dục đều đặn trung bình 2-3 lần/tuần và không sử dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn không có thai.
Tuy nhiên, vô sinh chính là hiện tượng mất khả năng sinh sản hoàn toàn, không thể nào có con được. Còn hiếm muộn theo từ ngữ dân gian được hiểu là một cặp vợ chồng vẫn còn cơ hội sinh con, chỉ là có con muộn hơn so với bình thường mà thôi.
Vô sinh được chia ra: vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Một cặp vợ chồng gọi là vô sinh nguyên phát nếu trong tiền sử họ chưa có thai lần nào. Nhưng nếu trong tiền sử họ đã có ít nhất một lần mang thai, sanh sẩy hoặc phá thai kế hoạch, rồi quá thời hạn một năm sau đó muốn có thai mà vẫn không có thai trở lại gọi là vô sinh thứ phát.
Tuy nhiên khái niệm riêng rẽ là vậy nhưng trên thực tế người ta vẫn thường dùng cụm từ "Vô sinh hiếm muộn" để chỉ chung cho những trường hợp muộn con và cần phải sử dụng đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản như dùng thuốc, can thiệp ngoại khoa vv… để có con.
Với tư cách là một người làm khoa học đồng thời trực tiếp chữa trị xin GS cho biết nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn là từ phía người vợ hay người chồng?
Nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn có thể xuất phát từ người vợ hoặc người chồng hoặc do cả vợ và chồng, hoặc có khi không rõ nguyên nhân.
Ở nữ giới có thể do:
• Viêm tắc dính tử cung, vòi tử cung
• Nội tiết không bình thường, kinh nguyệt không đều
• Buồng trứng đa nang, chất lượng trứng kém
• Tuổi sinh đẻ cao
• Không rõ nguyên nhân
Ở nam giới nếu mắc các bệnh sau:
• Bẩm sinh không có tinh trùng
• Chất lượng và số lượng tinh trùng yếu, tinh trùng loãng, tinh trùng dị dạng,…
• Xoắn mào tinh hoàn (do mắc quai bị)
• Viêm nhiễm đường sinh dục làm tắc ống dẫn tinh
• Rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng
Thực tế trong quá trình điều trị ở tuyến Bệnh viện Phụ sản TW, tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ có chênh lệch không, thưa GS?
Khi về công tác ở Bệnh viện Phụ sản TW mà trước tên là Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, tỷ lệ vô sinh nữ có cao hơn một chút, nữ 48% và nam 42%. Tất nhiên con số này sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như từng địa dư, địa phương hay từng cặp vợ chồng.
Trên hành trình tìm kiếm tiếng cười con trẻ của bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn cần lắm sự bình tĩnh và cảm thông của người bạn đời và gia đình.
Điều mà GS muốn nhắn nhủ với các bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn là gì ạ?
Vô sinh, hiếm muộn đòi hỏi sự kiên trì, không được nóng vội và phải tin tưởng vào phương pháp mình đang được điều trị. Không có phương pháp nào là 100% cả, tỷ lệ thành công cao nhất cũng chỉ đạt trên 35%.
Thế nên người ta hay nói bệnh là phải gặp thầy gặp thuốc là thế! Tôi thường nhắn nhủ với bệnh nhân của mình một điều: Đặc biệt tin tưởng, tôn trọng ý kiến của thầy thuốc trong điều trị, coi đó là y lệnh.
Bên cạnh những phương pháp hiện đại điều trị vô sinh, hiếm muộn, hiện có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ điều trị, đặc biệt hơn là sản phẩm kết hợp giữa Đông y và Tây y. Giáo sư có thể cho ý kiến về những sản phẩm này được không ạ?
Bản thân tôi rất thích phương pháp điều trị kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền mà chúng ta vẫn nôm na gọi là Đông Tây y kết hợp. Trong quá trình công tác của mình, có rất nhiều trường hợp kể cả phẫu thuật chúng tôi cũng kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong điều trị và đạt được thành công trên cả mong đợi.
Xin cảm ơn giáo sư và chúc giáo sư nhiều sức khỏe!