Trang The Conversation (Úc) dẫn lời nhà nghiên cứu Camilla Hoyos của Trường ĐH Sydney cho biết giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe não bộ của chúng ta.
Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng điều trị ngưng thở khi ngủ ở người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ có thể cải thiện trí nhớ. Suy giảm nhận thức nhẹ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ trong những năm tiếp theo.
Các nhà nghiên cứu của Trường ĐH Sydney nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm kiếm những cách mới để làm chậm sự suy giảm nhận thức ở những người bị suy giảm nhận thức nhẹ. Họ cũng muốn kiểm tra xem liệu sự gián đoạn giấc ngủ, bao gồm các rối loạn giấc ngủ, có liên quan đến những thay đổi trong nhận thức của chúng ta khi già đi hay không.
Giấc ngủ bị xáo trộn có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Ảnh: UNSPLASH
Chứng ngưng thở khi ngủ ước tính ảnh hưởng đến khoảng 1 tỉ người trên toàn thế giới. Ngưng thở khi ngủ khiến cổ họng (còn gọi là đường thở trên) đóng hoàn toàn (ngưng thở) hoặc một phần trong khi ngủ.
Quá trình này dao động từ 10 giây đến 1 phút và có thể dẫn tới việc giảm nồng độ ôxy trong máu. Ở một người mắc chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng, quá trình này có thể xảy ra 30 lần hoặc hơn 1 giờ mỗi đêm.
Các nghiên cứu cho thấy ngưng thở khi ngủ liên quan đến sự gia tăng 26% tỉ lệ suy giảm nhận thức. Phương pháp điều trị phổ biến là CPAP - áp dụng áp lực đường thở dương liên tục trong suốt chu kỳ hô hấp. CPAP có thể mang lại lợi ích cho bộ nhớ trong thời gian ngắn.