Điều trị Covid-19, Thủ tướng chỉ đạo: Nghiên cứu 2 phương pháp vừa được đề xuất

Thái Hà |

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 2 phương pháp điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngày 20/9, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu 2 phương pháp điều trị của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới T.ƯẢnh: Long Phạm

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới T.ƯẢnh: Long Phạm

Hai phương pháp điều trị, gồm: truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người vừa khỏi COVID-19 cho các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng và truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão cytokine - nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp.

Truyền huyết tương

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, người đã bị nhiễm COVID bao giờ cũng sinh ra kháng thể tiêu diệt virus. Sau khi khỏi bệnh, kháng thể chống virus có thể tồn tại nhiều tháng trong máu của người đã bị nhiễm. Lấy huyết tương trong máu của người bị bệnh đã hồi phục truyền cho bệnh nhân khác là phương pháp đã được sử dụng từ rất lâu.

Y văn thế giới ghi nhận trong vụ dịch cúm ở Tây Ban Nha (1918-1920), phương pháp này đã được sử dụng. Phân tích hồi cứu 1.703 bệnh nhân được sử dụng cho thấy tỉ lệ tử vong đã giảm. Huyết tương của người hồi phục cũng đã được sử dụng trong nhiều vụ dịch khác như: Ebola, Mer-Covi, H1N1...

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, thu huyết tương từ người cho tặng về nguyên tắc giống như thu nhận máu từ những người hiến máu. Phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp, Bộ Y tế nên chỉ đạo Bệnh viện Huyết học TPHCM và Viện Huyết học truyền máu T.Ư lập sớm ngân hàng huyết tương có kháng thể chống virus để sử dụng cho người bệnh có nguy cơ cao. Đối với các bệnh nhân COVD-19, một số nghiên cứu cho thấy, truyền tế bào gốc có thể làm tăng tỉ lệ sống gấp 2,5 lần so với nhóm không truyền.

Một nghiên cứu tổng quan xuất bản năm 2015 cho thấy truyền huyết tương của người hồi phục có thể giảm 70 % tỉ lệ tử vong. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào truyền sớm hay muộn, hiệu giá kháng thể cao hay thấp. Nghiên cứu truyền sớm huyết tương của người hồi phục có hiệu giá kháng thể cao để ngăn chặn diễn biến nặng của bệnh COVID 19 ở người cao tuổi của Linbsster và cộng sự đăng trên tạp chí Y học danh tiếng nhất - The New England Journal of Medicine, tháng 6 năm 2021 cho kết quả rất đáng chú ý.

Cụ thể, 160 bệnh nhân được chia làm 2 nhóm: 80 bệnh nhân được truyền 250ml huyết tương, 80 bệnh nhân được truyền 250ml huyết thanh mặn. Kết quả cho thấy truyền plasma đã giảm được 48% số bệnh nhân chuyển nặng. Các tác giả đã truyền huyết tương có hiệu giá kháng thể cao và truyền sớm trong vòng 72 giờ từ khi có biểu hiện bệnh. Mặc dù đối tượng được truyền là người cao tuổi nhưng không có bất cứ biến chứng nghiêm trọng nào xảy ra. Chi phí 1 lần truyền huyết tương ở Brazil là 185 USD.

Tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Vinmec phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiến hành lấy huyết tương và dự trữ nhưng chưa thực hiện truyền cho người bệnh.

Truyền tế bào gốc tấn công bão cytokine

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân nặng (Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) cho biết: “Khi bệnh nhân đã suy hô hấp do cơn bão cytokine đến nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả”. Tỉ lệ tử vong cao, theo một số báo cáo lên đến 70%.

Cho đến nay đã có 7 báo cáo về truyền tế bào gốc trung mô, 4 nghiên cứu ở pha I và 3 nghiên cứu ở pha II có so sánh với nhóm không truyền. Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Stem Cell Translational Medicine cho thấy, truyền tế bào gốc đã tăng tỉ lệ sống chung lên 2,5 lần so với nhóm không truyền. Khi phân tích sâu thêm cho nhóm có bệnh nền, tỉ lệ sống đã tăng lên 4 lần.

Chuyên gia cho biết, tế bào gốc trung mô điều hòa phản ứng miễn dịch làm dịu bớt cơn bão cytokine, giảm việc giải phóng các cytokine độc hại, chống xơ phổi, tái tạo nhu mô phổi, giảm quá trình chết tế bào...

Đồng tình với hai phương pháp điều trị được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đề xuất, một chuyên gia y tế cho biết nên vận động người vừa khỏi COVID-19 hiến huyết tương. Không phải ai khỏi bệnh cũng đủ điều kiện hiến huyết tương. Trước khi lấy các thầy thuốc sẽ phải xét nghiệm để đánh giá nồng độ kháng thể ở ngưỡng đạt yêu cầu. Hiến huyết tương đơn giản hơn hiến hồng cầu, ít ảnh hưởng đến sức khỏe hơn.

Chia sẻ thêm về 2 phương pháp điều trị trên, chuyên gia này cho rằng truyền huyết tương và truyền tế bào gốc là hai vũ khí dùng ở 2 giai đoạn điều trị bệnh nhân COVID-19 khác nhau. Việc truyền huyết tương là ở giai đoạn đầu, khi người mắc COVID-19 có dấu hiệu trở nặng.

Theo ông, không phải truyền huyết tương cho tất cả người mắc COVID-19 mà truyền cho những người có nguy cơ bị nặng như người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, bị bệnh nền như béo phì, đái tháo đường... nhằm mục đích chủ yếu là diệt virus, ngăn chặn bệnh trở nặng ở các bệnh nhân nguy cơ. Còn giai đoạn sau, khi bệnh nhân đã suy hô hấp và có cơn bão cytokine thì sẽ truyền tế bào gốc.

Một số bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 cho rằng cần phải tính toán rất chặt chẽ, cụ thể bởi việc vận động người khỏi COVID-19 hiến huyết tương, lấy huyết tương, xét nghiệm xem huyết tương có kháng thể hay không cần không ít nhân lực y tế.

Chưa kể phương pháp truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão cytokine có chi phí khá đắt, khoảng 600-800 triệu đồng/ca ghép, trong khi hiệu quả điều trị của một số nghiên cứu trên thế giới cũng chưa rõ ràng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại