Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có công văn (1330/KTNN-CNVII) chuyển Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ, xử lý theo quy định việc mua thuốc chữa bệnh , dược liệu… có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Trước đó, khi kiểm toán chuyên đề về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2017 và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh Bình Dương, KTNN đã phát hiện Sở Y tế tỉnh Bình Dương có nhiều sai phạm.
Cụ thể, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã lựa chọn hình thức mua sắm trực tiếp mà không qua đấu thầu rộng rãi hai gói thầu mua thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế ngoài công lập và mua sắm thuốc từ dược liệu, thuốc Đông y và thuốc y học cổ truyền (theo Quyết định ngày 30-12-2016 của UBND tỉnh Bình Dương) với tổng giá trị gần 680 tỉ đồng là trái quy định.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư y tế cho BV đa khoa tỉnh Bình Dương tổng giá trị hơn 2,2 tỉ đồng bằng hình thức trực tiếp là trái quy định.
Việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đánh giá, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, Sở Y tế tỉnh Bình Dương không mời BHXH tỉnh Bình Dương tham gia.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tổ chức chấm thầu và lựa chọn nhà thầu cung cấp 224 mặt hàng thuốc có giá cao hơn nhiều so với giá thuốc quy định tại hồ sơ thầu, dẫn đến thiệt hại cho quỹ BHYT gần 5 tỉ đồng.
Khi chấm thầu không thực hiện việc kiểm tra so sánh giá thuốc dự thầu với giá trúng thầu tại các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ theo quy định của hồ sơ thầu.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt lựa chọn đưa vào kế hoạch đấu thầu nhiều loại thuốc không phổ biến trên thị trường có giá cao trái quy định.
Nếu so sánh với giá thuốc có tác dụng tương đương phổ biến trên thị trường thì cao hơn 9 tỉ đồng, làm thiệt hại lớn cho quỹ BHYT.
Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Bình Dương lựa chọn đấu thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu một số loại thuốc với giá trị hơn 2,5 tỉ đồng trái với cảnh báo của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.
KTNN cho biết: Theo quy định, hình thức mua sắm trực tiếp chỉ được áp dụng khi nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó.
Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.
“Trong vòng 12 tháng, BV đa khoa tỉnh Bình Dương không thực hiện đấu thầu các gói thầu tương tự, không ký hợp đồng mà sử dụng kết quả mức giá trúng thầu vật tư y tế của các bệnh viện khác trên địa bàn để áp dụng giá mua sắm trực tiếp vật tư y tế năm 2017 là sai quy định” - KTNN kết luận.
KTNN đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra làm rõ , xử lý theo quy định và thông báo cho KTNN biết kết quả.
KTNN cũng chuyển hồ sơ sang Bộ Công an, đề nghị làm rõ dấu hiệu vi phạm về tài chính tại Ban quản lý dự án công trình Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (BQLDA) thuộc PVN và một số tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, từ năm 2010 đến 2015, BQLDA đã để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính khoản lãi tiền gửi tại hai chi nhánh ngân hàng, theo rà soát ban đầu của PVN là hơn 22 tỉ đồng. Để che giấu hành vi nêu trên, BQLDA đã thỏa thuận với hai chi nhánh ngân hàng bằng hình thức nhận bằng tiền mặt, tài khoản cá nhân. Sau khi PVN phát hiện, BQLDA và một số cá nhân đã chuyển nộp về tài khoản của PVN hơn 8,5 tỉ đồng. BQLDA đã không phản ánh trung thực số liệu phát sinh hơn 1.600 tỉ đồng trên tài khoản theo quy định. Nhận định hành vi nêu trên có thể còn tiềm ẩn những sai phạm ở phạm vi và mức độ rộng hơn nên KTNN đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra làm rõ. T.PHAN - C.LUẬN |