'Thế giới ngầm' tế bào gốc ở Mỹ: Ký sinh trên nỗi đau và kế ve sầu thoát xác!

Lê Thị Ánh Kim (Khoa Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội) |

Dưới đây là một trong những bài điều tra công phu về sự thật đằng sau trào lưu "tế bào gốc chữa tự kỷ" ở Mỹ, đăng trên trang web Spectrum.

Spectrum là trang web cung cấp tin tức và phân tích về những tiến bộ trong nghiên cứu về tự kỷ, nhận được đóng góp của nhiều chuyên gia đối với những xu hướng mới và các vấn đề còn gây tranh cãi xung quanh hội chứng tự kỷ.

"Liệu pháp tế bào gốc chữa trị tự kỷ" đang được quảng cáo rầm rộ ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới. Những chuyên gia về tự kỷ cho biết phụ huynh của trẻ tự kỷ đang phải trả hàng chục nghìn USD cho các liệu pháp tế bào gốc đó, dù cái gọi là tế bào gốc lại thường có nguồn gốc là chất thải y tế. Dù là trào lưu nguy hiểm, các cơ quan quản lý vẫn còn hành động do dự.

Dưới đây là điều tra công phu được đăng trên Spectrum về hành trình của những phụ huynh đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho con và thực trạng "tế bào gốc chữa tự kỷ" ở Mỹ.

"Một thị trường dựa trên sự đau khổ của con người"

Tháng 7/2017, Jodi Kaufman Perskin tìm thấy một bài đăng nổi bật trong một nhóm Facebook mới tạo, nơi các bậc cha mẹ chia sẻ lời khuyên về liệu pháp tế bào gốc cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Cô tham gia ngay vào nhóm, mong tìm được điều gì đó tốt cho Jason - cậu con trai tuổi thiếu niên đang mắc chứng tự kỷ của mình.

Trong bài đăng nói trên, bác sĩ phẫu thuật nhi khoa Thom Lobe giới thiệu bản thân và dẫn link tới Regenevéda, chuỗi phòng khám "y học tái tạo" của ông ở Beverly Hills, New York và Chicago. Ảnh đại diện cho thấy Lobe cỡ 60 tuổi, râu bạc trắng nhưng làn da trẻ trung đến bất ngờ.

Chuỗi phòng khám của ông tập trung vào các liệu pháp chăm sóc sức khỏe và chống lão hóa nhưng cũng cung cấp liệu pháp tế bào gốc cho trẻ tự kỷ. "Tôi rất vui khi được cung cấp các dịch vụ và kiến ​​thức của mình như một nguồn dữ liệu cho bạn và trả lời bất kỳ câu hỏi nào theo cách của tôi", Lobe viết trên Facebook.

Điều tra thế giới ngầm chữa tự kỷ bằng tế bào gốc ở Mỹ: Ve sầu thoát xác! - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Cậu con trai mắc chứng tự kỷ của Perskin sống ở New Jersey nhưng khám bệnh chủ yếu ở Chicago. 

Trước đó, vào năm 2015, hai cha con Jason đã bay đến một phòng khám ở Panama, sau đó là Mexico để điều trị bằng tế bào gốc với chi phí khoảng 15.000 USD mỗi lần. Tại Mexico, Jason được dùng thuốc an thần gây mê để lấy tế bào gốc từ xương chậu và tiêm vào cột sống. Sau đợt điều trị đó, khả năng ngôn ngữ của Jason được cải thiện rõ ràng, nhưng người mẹ không thích việc con mình phải dùng thuốc an thần.

Ngược lại, phương pháp của Lobe sẽ phun các tế bào hiến tặng vào mũi hoặc truyền chúng vào máu. Mẹ của Jason thấy cách làm này có vẻ an toàn hơn. Lobe trông cũng đáng tin hơn những bác sĩ trị liệu nắn chỉnh cột sống (chiropractor) cũng từng đề nghị phương này với cô. "Lobe là một bác sĩ phẫu thuật và điều đó khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn," cô nói.

Một tháng sau bài đăng trên Facebook của Lobe, vợ chồng Perskin đưa Jason đến gặp vị bác sĩ này. Đến tháng 8/2017, cô viết trên nhóm Facebook: "Với liệu pháp tế bào gốc, Jason đã tạo nên kỳ tích ở Chicago. Chưa có tác dụng phụ nào." Lobe đề nghị Perskins điều trị 04 lần/năm cho Jason, chi phí 8.500 USD mỗi lần (khoảng gần 200 triệu đồng), nhưng Perskin không muốn cơ thể Jason quá tải nên quyết định chỉ điều trị 02 lần/năm.

Nhiều bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ giống như Perskins, đã dùng mạng xã hội để trao đổi thông tin về các phòng khám tế bào gốc, vốn đã phát triển mạnh ở trong và ngoài nước Mỹ trong vài năm qua. 

Nhưng, các diễn đàn này đã cố tình bỏ qua một thực tế là chỉ một phần nhỏ các phương pháp điều trị bằng tế bào gốc - đặc biệt là các phương pháp tạo ra  tế bào máu mới – được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chứng minh an toàn và hiệu quả.

Leigh Turner, nhà đạo đức sinh học tại Đại học Minnesota ở Minneapolis, nói: "Sự đau khổ của con người đóng một vai trò trong việc thúc đẩy thị trường này".

Theo cơ sở dữ liệu do Turner duy trì, tính đến tháng 5/2017, ít nhất 432 công ty điều hành 716 phòng khám tế bào gốc ở Mỹ đang thông qua internet để tiếp thị trực tiếp các phương pháp điều trị trực tiếp đến người bệnh. 

Turner cho biết, chỉ 13 công ty trong số đó đưa ra tuyên bố liên quan đến chứng tự kỷ, nhưng sự quan tâm đến lĩnh vực này ngày càng tăng, một phần là nhờ vào một thử nghiệm lâm sàng nổi tiếng đang tiến hành tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina.

Một bác sĩ từng bị phạt tương đương 12 tỷ đồng vì bị cáo buộc lừa đảo

Một nhóm Facebook có tên "Tế bào gốc dành cho người tự kỷ 2.0" đã thu hút được 3.600 thành viên kể từ khi ra mắt vào tháng 3/2018. 

Susan (tên nhân vật đã được thay đổi) - người sáng lập nhóm nói: "Các bậc cha mẹ đều đồng thuận rằng chịu bó tay, không làm gì cả mới là đáng sợ nhất". Cô lập một danh sách bí mật gồm 15 bác sĩ Mỹ, những người cung cấp dịch vụ truyền tế bào gốc cho trẻ tự kỷ như con trai cô. Susan so sánh những nỗ lực của mình với "Dallas Buyers Club" - một Câu lạc bộ hoạt động ngầm gồm những người dương tính với HIV buôn lậu những thuốc điều trị không được phê duyệt vào Mỹ vào những năm 1980.

Bất chấp sự phổ biến của phương pháp tế bào gốc điều trị tự kỷ, FDA đã hành động chậm chạp. Tháng 11/2017, cơ quan này cảnh báo người tiêu dùng rằng các phương pháp điều trị có thể là "bất hợp pháp và có khả năng gây hại". Đến năm 2020, họ cũng công bố kế hoạch thắt chặt các quy tắc của mình. 

Tuy nhiên, cho đến lúc đó, chiến lược chính của họ là "thực thi dựa trên cân nhắc". FDA đã gửi thư cảnh báo chính thức tới 4 công ty trong năm qua, trong khi chỉ thúc giục 20 công ty khác "làm việc chặt chẽ hơn với đơn vị quảng cáo truyền thông". 

Tuy nhiên, một số cơ quan quản lý tỉnh bang và các đơn vị khác đã phải vào cuộc. Vào tháng 10/2018 một bác sĩ ở California, người từng  hứa "đảo ngược các triệu chứng tự kỷ" đã phải trả khoản tiền phạt 525.000 USD (hơn 12 tỷ đồng) cho Ủy ban Thương mại Liên bang, do bị cáo buộc lừa đảo sức khỏe.

Trong khi đó, nhiều bác sĩ khác, như Thom Lobe, vẫn tiếp tục tiếp thị phương pháp điều trị bằng tế bào gốc cho bệnh tự kỷ. 

Turner nói: "Tôi thấy thật ngạc nhiên khi thị trường này tồn tại do sự ngó lơ của các cơ quan quản lý".

Tế bào gốc máu cuống rốn và sự nghi ngờ về khả năng chữa bệnh tự kỷ 

Điều tra thế giới ngầm chữa tự kỷ bằng tế bào gốc ở Mỹ: Ve sầu thoát xác! - Ảnh 4.

Sự quan tâm của khoa học đến các liệu pháp tế bào gốc cho bệnh tự kỷ bắt đầu từ quan sát của một bác sĩ: Joanne Kurtzberg. 

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Joanne Kurtzberg, một bác sĩ nhi khoa chuyên về bệnh ung thư máu, đã làm việc với Hal Broxmeyer, người đã nghiên cứu các tế bào gốc có trong máu từ cuống rốn được bảo quản khi mới sinh. Kể từ những năm 50 của thế kỷ trước, các bác sĩ đã điều trị ung thư máu bằng cách cấy ghép tủy xương chứa các tế bào gốc trưởng thành có khả năng tạo ra các tế bào máu. Nhưng như nhóm của Broxmeyer chỉ ra, tế bào gốc máu dây rốn hoạt động mạnh hơn tế bào gốc trưởng thành. Chúng đặc biệt giá trị vì không đòi hỏi phải có sự ‘phù hợp’ hoàn hảo giữa người tặng và người nhận.

Kurtzberg nhận ra máu cuống rốn là giải pháp hữu ích cho những người da màu thường gặp khó khăn trong việc tìm người hiến tủy xương phù hợp. Vì vậy, vào năm 1998, cô thành lập Ngân hàng máu cuống rốn Carolinas tại Đại học Duke Nam Carolina, Hoa Kỳ) và đến năm 2005, cô đã xúc tiến thông qua luật để thành lập một mạng lưới quốc gia gồm các ngân hàng tương tự. Mỗi năm ở Mỹ, khoảng 200.000 phụ nữ hiến máu cuống rốn của con mình cho các ngân hàng này hoặc cho các phòng nghiên cứu.

Các gia đình cũng trả tiền để lưu trữ tới 7 triệu đơn vị máu cuống rốn trong các ngân hàng tư nhân trên toàn thế giới, mặc dù những mẫu này hiếm khi được sử dụng. Năm 2011, FDA bắt đầu yêu cầu các công ty bán các liệu pháp được phát triển từ máu cuống rốn phải gửi dữ liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của chúng.

Vào cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, Kurtzberg cho biết cô đã nhận thấy việc cấy ghép máu cuống rốn ở những trẻ vừa mắc một số bệnh về chuyển hóa vừa có những đặc điểm tự kỷ không chỉ kéo dài tuổi thọ của chúng mà còn ngăn ngừa sự thoái hóa của não và cải thiện chức năng não bộ. Kurtzberg đưa ra giả thuyết rằng các tế bào gốc trong máu cuống rốn có thể đi vào trong não và sửa chữa các mô bị tổn thương. Các tế bào khác trong máu cuống rốn cũng có thể gửi tín hiệu hóa học qua hàng rào máu não để giảm viêm, tình trạng thường được thấy ở một số người mắc chứng tự kỷ.

Để kiểm tra giả thuyết về tình trạng viêm, Kurtzberg bắt đầu hợp tác với một nhà nghiên cứu về tự kỷ cũng tại Duke. Vào năm 2014, họ đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng với số tiền tài trợ 40 triệu USD từ một tổ chức phi lợi nhuận. Người đứng đầu quỹ này đã tự gọi mình là "một người ủng hộ tế bào gốc thực sự" cho bệnh tự kỷ. Ông nói với lãnh đạo phòng khám tế bào gốc Panama-nơi Perskins đã đến thăm rằng ông hy vọng nhận được sự chấp thuận từ FDA.

Nhưng, thử nghiệm của Duke đã ngay lập tức bị các nhà khoa học khác chỉ trích. Năm 2014, Arnold Kriegstein, một chuyên gia về tế bào gốc thần kinh tại Đại học California (San Francisco, Hoa Kỳ) nói với tạp chí Spectrum rằng nghiên cứu về tế bào gốc từ máu cuống rốn chỉ là "cầu may" và tế bào gốc máu cuống rốn khó có khả năng đảo ngược những thay đổi liên quan đến chứng tự kỷ đối với não trong quá trình phát triển ban đầu của trẻ.

Paul Knoepfler, một nhà nghiên cứu tại Đại học California và Davis, người viết blog nổi tiếng về ngành tế bào gốc, cũng bày tỏ sự hoài nghi, lưu ý rằng nguyên nhân của chứng tự kỷ quá đa dạng và bí ẩn cho nên liệu pháp này không có ý nghĩa.

Nhóm Duke đã công bố kết quả đáng khích lệ từ giai đoạn an toàn của thử nghiệm vào năm 2017. Các bác sĩ lâm sàng làm việc với các nhà nghiên cứu đã đánh giá 22 trẻ từ 2 đến 5 tuổi và ghi lại những cải thiện ở 13 trẻ trong sáu tháng sau khi trải qua một liệu trình chỉ truyền tế bào gốc. Tuy nhiên, do không có nhóm đối chứng trong nghiên cứu này nên không thể kết luận liệu tình trạng của bọn trẻ có thực sự được cải thiện hay không.

Một báo cáo tiếp theo cho thấy ở những người có sự cải thiện sau điều trị, nhận thấy có sự tăng lên của các kết nối ở các vùng não bị ảnh hưởng bởi chứng tự kỷ, bao gồm cả hệ limbic, nhưng các nhà nghiên cứu không công bố bằng chứng về giả thuyết các tế bào máu cuống rốn làm giảm phản ứng viêm.

Sự thất bại của liệu pháp tế bào gốc máu cuống rốn với bệnh tự kỷ

Do không có tác dụng phụ từ việc truyền tế bào gốc nên vào tháng 11/2017, FDA đã cấp phép đặc biệt cho Kurtzberg để cung cấp dịch truyền máu cuống rốn cho một số trẻ em, bao gồm cả một số trẻ mắc chứng tự kỷ

Kurtzberg từ chối cho biết chi phí điều trị nhưng xác nhận rằng các bậc cha mẹ từ các quốc gia khác phải đặt cọc 15.000 USD; số tiền này bao gồm việc truyền tĩnh mạch 45 phút máu cuống rốn của chính con họ hoặc của anh chị em ruột.

Kurtzberg cho biết nhóm của cô có kế hoạch điều trị cho khoảng 1.000 trẻ em mỗi năm, và danh sách chờ kéo dài hơn một năm nữa. Cô hy vọng sẽ công bố kết quả của giai đoạn thử nghiệm có đối chứng vào năm nay, có so sánh những đứa trẻ được truyền máu cuống rốn với những đứa trẻ không được truyền máu. 

Trong khi thử nghiệm Duke đang tiến triển, những thử nghiệm khác đã được tiến hành.

Vào 2018, một thử nghiệm lâm sàng tại Viện Nghiên cứu Y khoa Sutter ở Sacramento công bố chỉ tìm thấy "rất ít bằng chứng về hiệu quả lâm sàng" của việc truyền máu cuống rốn cho 29 trẻ tự kỷ. Cơ quan đăng ký thử nghiệm lâm sàng của Viện Y tế Quốc gia bèn liệt kê 11 thử nghiệm tế bào gốc khác liên quan đến chứng tự kỷ. Kết quả thật không vui: 8/11 thử nghiệm thất bại, bao gồm 3 trường hợp được kết luận cách đây nhiều năm mà không có bất kỳ kết quả nào, 3 thử nghiệm thuộc tình trạng ‘không xác định’ và 2 thử nghiệm đã bị thu hồi.

Cơ quan này cũng xác nhận các thử nghiệm hầu hết ở bên ngoài nước Mỹ và không có người tham gia nào ngẫu nhiên nhận được liệu pháp điều trị hoặc giả dược - điều được coi là tiêu chuẩn vàng trong các thử nghiệm lâm sàng. Một số thậm chí có thể là các thử nghiệm ‘trả tiền để tham gia’, không hơn gì các chiêu trò tiếp thị để thu hút khách hàng.

Điều tra thế giới ngầm chữa tự kỷ bằng tế bào gốc ở Mỹ: Ve sầu thoát xác! - Ảnh 6.

Nhà nghiên cứu chính của thử nghiệm nói trên thừa nhận nghiên cứu của cô đã dẫn đến sự bùng nổ của các nhà cung cấp tế bào gốc đáng ngờ nhưng cô cũng cho biết các thành viên trong nhóm sẽ cố gắng hết sức để khuyên các gia đình nên cẩn thận. "Chúng tôi không muốn quảng bá một liệu pháp không hữu ích," cô nói.

Nguồn lợi khổng lồ từ tế bào gốc máu cuống rốn

Thom Lobe - bác sĩ phẫu thuật nhi khoa, người có chuỗi "Phòng khám y học tái tạo" ở nhiều thành phố lớn của Mỹ. Ban đầu, Lobe lấy máu cuống rốn cho các phòng khám của mình từ một số công ty ở Mỹ, như Liveyon, với giá khoảng 2.000 USD/01 đơn vị (khoảng 46 triệu đồng).

Các giám đốc điều hành của công ty đó cũng là người mới trong lĩnh vực kinh doanh tế bào gốc. Ví dụ, giám đốc giáo dục y tế của họ là một cựu bác sĩ nhi khoa, có giấy phép hành nghề ở Arizona nhưng đã bị quản chế vào năm 2008 sau một cuộc phẫu thuật làm mất một ngón chân của người bệnh. Tuy nhiên người này nhấn mạnh rằng ông đã cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất có thể.

Điều tra thế giới ngầm chữa tự kỷ bằng tế bào gốc ở Mỹ: Ve sầu thoát xác! - Ảnh 7.

Giám đốc điều hành của công ty thì bị buộc phải rời ngành dịch vụ tài chính vào năm 2014, sau khi bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tố cáo đã tham gia hoạt động bán hàng đa cấp. Ông thành lập Liveyon hai năm sau đó nhưng cũng ngay tại thời điểm ấy, ông ta tiếp tục bị buộc tội cấp liên bang về gian lận trong chăm sóc sức khỏe liên quan đến một doanh nghiệp khác.

Công ty kể trên không có phòng thí nghiệm riêng mà họ mua máu cuống rốn từ một công ty có tên là Genetech, Inc., có trụ sở tại San Diego. Người sáng lập và chủ tịch của công ty này cũng đã nhìn thấy cơ hội gây dựng lại sự nghiệp của mình trong lĩnh vực tế bào gốc. Vào đầu những năm 2000, ông ta quản lý một nhà hàng hải sản cao cấp ở California, sau đó bắt đầu kinh doanh thế chấp.

Trong thời gian đỉnh cao, ông ta từng bị cáo buộc một loạt tội danh lái xe trong tình trạng say rượu, trộm cắp ô tô, trộm danh tính và các trọng tội khác, trong đó có cả một vụ lừa đảo một chủ công ty môi giới thế chấp. Người này nhận xét ông ta vô cùng tự tin và chắc có lẽ xem người khác là ngu ngốc hết.

Sau khi ông ta bị bắt vào năm 2016, giám đốc công ty bị lừa nghĩ rằng ông ta sẽ bị nhốt trong một thời gian dài. Nhưng sau đó kẻ lừa đảo gọi cho ông, hứa sẽ trả lại tiền, và nói ông ta đã tìm được nghề nghiệp mới - một nghề nghiệp mà các tiền sử phạm tội không gây trở ngại gì.

Hóa ra đấy là công ty chuyên cung cấp tế bào gốc.

Người này đăng ký với FDA doanh nghiệp của anh ta là ngân hàng mô người. Giống như các nhà cung cấp mô khác, anh ta ký hợp đồng trực tiếp với các bệnh viện địa phương hoặc những người trung gian để họ chuyển đến dây rốn của các em bé vừa được sinh ra. Gọi đúng tên thì nó là chất thải khi sinh sản, nhưng ở doanh nghiệp của ông ta, nó được đổi tên thành 'tế bào gốc.'

Thị trường tế bào hỗn loạn

Nhiều ngân hàng máu cuống rốn lớn là thành viên của Hiệp hội máu cuống rốn phi lợi nhuận do một bác sĩ nhi khoa chuyên về ung thư máu, người từng lập Ngân hàng máu cuống rốn ở Mỹ vào năm 1998 đứng đầu. Họ cũng yêu cầu sự công nhận của một bên đánh giá độc lập. Các ngân hàng này cùng với các nhà sản xuất các liệu pháp máu cuống rốn được FDA chấp thuận, chẳng hạn như Hemacord, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về xử lý mô, đảm bảo khả năng tồn tại và sàng lọc virus và các mầm bệnh khác. Ngược lại, các công ty như Genetech và Liveyon đang bán các tế bào gốc mà FDA quy định chủ yếu dành cho mô chết, ví dụ gân hoặc một khúc xương, mặc dù họ quảng cáo sản phẩm của họ dùng tế bào gốc sống.

Một phân tích về 9 sản phẩm có nguồn gốc từ máu cuống rốn và các mô khác được lấy khi sinh, được trình bày tại một hội nghị vào tháng 02/2019, cho thấy rằng không một sản phẩm trong đó có chứa tế bào sống.

Sách Trắng của Liveyon từ năm 2017 đã báo cáo rằng chỉ khoảng 60% tế bào trong sản phẩm của họ còn sống, so với 90% từ các ngân hàng cuống rốn được công nhận.

Nhưng bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tên Centeno cho biết Liveyon đã không thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết để chứng minh rằng những tế bào đó là tế bào gốc sống.

Điều tra thế giới ngầm chữa tự kỷ bằng tế bào gốc ở Mỹ: Ve sầu thoát xác! - Ảnh 9.

Công ty của Centeno từng vi phạm FDA liên quan đến các liệu pháp tế bào gốc thử nghiệm, nhưng kể từ đó, ông đã trở thành một cơ quan giám sát trong ngành. Ông nói: "Thực sự không có tế bào gốc cuống rốn nào tồn tại bên ngoài các trường đại học hoặc ngân hàng cuống rốn".

Giám đốc công ty Liveyon rõ ràng đã không để sự thật khó chịu đó cản trở thành công của mình. Năm 2018, ông ta đăng hình ảnh bữa tiệc tối tại ngôi nhà trị giá 5 triệu USD ở bờ biển Quận Cam lên Facebook kèm với trích dẫn một ài hát kinh điển với chú thích: "Giờ đây tôi có thể thấy rõ, mưa đã thôi rơi, trời sẽ sáng… Một ngày đầy nắng"…

Trong khi đó, công ty của ông ta bắt đầu quảng cáo trên trang web và thông qua mạng xã hội về một "Hội nghị tổng thể về tế bào gốc" để hướng dẫn các bác sĩ cách "xây dựng phương pháp thực hành tế bào gốc từ 7 đến 8 con số" trong khi vẫn "được FDA ưu ái".

Sau đó, vào tháng 6/2018, một thanh tra kỳ cựu của FDA đến phòng thí nghiệm của công ty đã bán tế bào gốc cho Liveyon. Họ dành 05 ngày xem xét hồ sơ. Vị thanh tra sớm nhận ra công ty đã không đặt ra hạn chế đối với những người hiến tặng mô và không sàng lọc các mẫu xét nghiệm để tìm HIV, viêm gan hoặc vi rút Zika, theo yêu cầu của pháp luật. Công ty cũng không thể truy tìm người hiến tặng của một lọ tế bào gốc bị nhiễm trùng. Các thí nghiệm của họ không được tiến hành trong điều kiện vô trùng.

Trong một lá thư cảnh báo gửi cho giám đốc công ty Liveyon sau đó, FDA cáo buộc ông ta đã vi phạm pháp luật khi tiếp thị các tế bào gốc như một liệu pháp chữa trị. Bức thư nói rõ: có "nguy cơ đáng kể là sản phẩm của ông có thể bị nhiễm vi sinh vật hoặc có các lỗi chất lượng sản phẩm nghiêm trọng khác".

Một nhà hóa sinh học đảm nhận vai trò giám sát trưởng không được trả lương của công ty này trong những tháng đầu tiên, nói rằng anh ấy đã cố gắng giải thích với giám đốc công ty rằng máu cuống rốn mà họ dùng chỉ tốt cho mục đích nghiên cứu chứ không thể dùng trong chữa bệnh. Nhà hóa sinh học này cho biết họ không có bất kỳ hệ thống chất lượng cơ bản nào. Sau đó, khi không nhận được trả lời từ người đứng đầu, người này đã nghỉ việc.

Giám đốc công ty này trả lời cảnh báo của FDA bằng cách hứa sẽ sửa chữa các vi phạm. FDA phản hồi: "Chúng tôi khuyên ông nên xem xét các sai phạm được liệt kê ở trên, xem xét các rủi ro tiềm ẩn nghiêm trọng đối với bệnh nhân tiềm tàng trong các hành vi vi phạm sản xuất của công ty ông và tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia độc lập để khắc phục toàn diện,".

Điều tra thế giới ngầm chữa tự kỷ bằng tế bào gốc ở Mỹ: Ve sầu thoát xác! - Ảnh 10.

"Trò lừa đảo khổng lồ"

Điều xảy ra tiếp theo sẽ không gây ngạc nhiên cho những người chỉ trích ngành công nghiệp tế bào gốc. 

Vào giữa tháng 9/2018, một người đàn ông Texas 82 tuổi bị đau mãn tính, đã đến văn phòng bác sĩ chỉnh hình để tiêm một trong những sản phẩm tế bào gốc của Liveyon. Vài ngày sau, ông bắt đầu cảm thấy đau nhói ở cổ và sốt cao. Ông đến bệnh viện địa phương rồi được chuyển đến Houston, nơi các bác sĩ phát hiện ra mầm bệnh Enterobacter cloacae trong máu. Ông bị đau tim khi nằm viện, nhưng rồi bình phục và được ra viện sau 10 ngày.

Một bệnh nhân nữ khác đến khám cùng phòng khám đã bị áp xe tại chỗ tiêm trên cột sống. Sự chèn ép của khối áp xe khiến cô bị mất kiểm soát 1/3 tay và chân đồng thời gây nhiễm trùng máu dẫn tới suy thận.

Chẳng bao lâu, có các các báo cáo về việc nhiều bệnh nhân của Liveyon ở Texas, Florida và Arizona bị ốm nặng. Một phân tích về các lọ tế bào gốc chưa mở của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh xác nhận trong đó bị đầy vi khuẩn, kể cả E. coli. Một luật sư đại diện cho sáu khách hàng ở Texas phát biểu: bất kỳ bác sĩ nào gọi các sản phẩm này là tế bào gốc thì chỉ là một "trò lừa đảo khổng lồ". Ông nói: "Về cơ bản nó chỉ là một mớ chất thải sau cuộc sinh đẻ chạy qua một chiếc máy xay."

Không có báo cáo nào về việc bệnh nhân mắc chứng tự kỷ bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm bị nhiễm khuẩn, nhưng nhóm Facebook của Perskin-người mẹ có con 15 tuổi bị tự kỷ đã lưu ý. "Có ai biết thêm thông tin về việc thu hồi tế bào Liveyon gần đây không?"- một người mẹ khác hỏi trong một bài đăng vào tháng Mười năm 2018.

Lobe tiếp tục: "Tôi vừa nói chuyện với đại diện của Liveyon," ông ta viết. "Không có lọ tế bào gốc nào bị nhiễm khuẩn. Một trong những nhà cung cấp của Liveyon đã bị FDA tước chứng chỉ, vì vậy Liveyon tự nguyện thay thế tất cả các sản phẩm tế bào gốc hiện có bằng sản phẩm từ các nhà cung cấp khác". Ông cho biết việc thu hồi chỉ là một biện pháp phòng ngừa và chuyển hướng nghi ngờ FDA đang tấn công Liveyon vì họ thành công quá.

Ve sầu thoát xác - những công ty ma tinh quái

Mặc dù nguy cơ máu cuống rốn bị nhiễm khuẩn cho thấy những mối nguy hiểm nhất đang rình rập thị trường tế bào gốc, nhưng ngay cả với các sản phẩm vô trùng cũng có thể có những hậu quả không mong muốn khác.

Nghiêm trọng nhất có thể là việc cha mẹ đưa con mình đi tiêm nhiều lần từ nhiều người hiến tặng. Việc này khiến cơ thể trẻ có khả năng phát triển các kháng thể chống lại các tế bào lạ, dẫn đến việc từ chối cấy ghép mô trong tương lai hoặc các tình trạng tự miễn dịch. Người đứng đầu Ngân hàng tế bào gốc từ cuống rốn Kurtzberg nói: "Tôi sẽ không làm điều đó với bệnh nhân, con tôi hay bản thân tôi".

Điều tra thế giới ngầm chữa tự kỷ bằng tế bào gốc ở Mỹ: Ve sầu thoát xác! - Ảnh 12.

Kurtzberg cho biết cô đã đo được mức độ kháng thể tăng lên ở những người tham gia thử nghiệm lâm sàng sau một lần duy nhất chỉ truyền tế bào gốc. Để giảm nguy cơ trẻ phát triển kháng thể, cô dự định sử dụng các tế bào nuôi cấy từ mô dây rốn từ một người hiến tặng. Tuy nhiên, các công ty tế bào gốc thương mại bị cấm nuôi cấy tế bào mà không có sự chấp thuận của FDA.

Trong khi đó Lobe vẫn thực sự tin tưởng vào liệu pháp này. Ông nói cho đến nay ông chưa thấy kết quả bất lợi nào với bất kỳ sản phẩm nào ông đã sử dụng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo khách hàng rằng liệu pháp này là thử nghiệm và có thể có những rủi ro không lường trước được.

Sau vụ thu hồi Liveyon, Lobe bắt đầu tìm nguồn cung cấp máu cuống rốn từ một công ty khác, tạm gọi là Công ty thứ ba.

"Tôi chỉ chọn các nguồn có trụ sở tại Mỹ, thu mua các tế bào từ các bệnh nhân Mỹ, những người được phòng thí nghiệm Mỹ sàng lọc về bất kỳ nguy cơ nhiễm trùng hoặc lây truyền bệnh tật nào và thu thập, kiểm tra, xử lý và phân phối các sản phẩm mà họ sản xuất nội bộ," ông nói với tạp chí Spectrum.

Trang web của công ty thứ ba này trước đây đã hiển thị huy hiệu của Hiệp hội máu cuống rốn, nhưng Giám đốc điều hành của hiệp hội này cho biết họ chưa từng là thành viên. Sau một cuộc điều tra từ Spectrum, cuối năm 2018, ông yêu cầu trang web gỡ bỏ huy hiệu.

Công ty thứ ba nói trên do một nhà sinh học tế bào thành lập, vào 2 năm sau khi ông ta nộp đơn phá sản cá nhân. Vị này cho biết ông ta không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về sản phẩm của mình có thể được sử dụng để làm gì nhưng biết rằng một số bác sĩ đang sử dụng chúng trong dịch truyền cho trẻ tự kỷ. "Họ nhận được nhiều lợi nhuận và rất hạnh phúc," ông nói.

Những ngày này, trang Facebook của giám đốc y tế của công ty Liveyon im lìm. Anh trai của ông cho hay ông đang ở Costa Rica. Công ty bán tế bào gốc cho Liveyon cũng dường như không còn hoạt động kinh doanh nữa: Nó đã chuyển ra khỏi khu vực phòng thí nghiệm chung và không phản hồi các vụ kiện được đệ trình tại Texas.

Những kẻ trục lợi vẫn sống tốt

Giám đốc điều hành của Liveyon cho biết công ty có kế hoạch kiện giám đốc y tế vì đã cung cấp các báo cáo gian dối trong phòng thí nghiệm. Ông cũng cung cấp một tuyên bố cho văn phòng luật sư Mỹ. Liveyon đã hợp tác với Phòng khám Tế bào gốc Thế giới ở Cancun, Mexico, nơi họ gọi là "trung tâm đẳng cấp thế giới về tự kỷ". Để chuẩn bị cho buổi ra mắt vào tháng 3 của sản phẩm tế bào gốc đầu tiên do Liveyon sản xuất - được quảng cáo là "sản phẩm tế bào cấp thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ở Mỹ". - một người bạn tỷ phú của vị giám đốc này đã dành biệt thự ở Beverly Hills của mình để tổ chức tiệc mừng.

Trên Facebook, giám đốc của Liveyon đăng một bức ảnh selfie bên cạnh một chiếc Rolls Royce bóng lộn, trước ngôi nhà. "Khi cuộc sống cho bạn ???????", ông ta viết, "hãy tìm một ngôi nhà lớn để pha một cốc nước chanh????????

Dưới bức ảnh, ông ta để hashtag: #StemCells.

Biên dịch: Lê Thị Ánh Kim (Khoa Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Hiệu đính: DS. Phạm Trần Thu Trang ( Toronto, tỉnh Ontario, Canada)

(Nguồn: Spectrum)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại