Nhóm điều tra chung (JIT) về vụ chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia Airlines mang phiên hiệu chuyến bay MH 17 bị rơi ở vùng miền đông Ucraine ngày 17.7.2014 đã kết tội 3 công dân Nga và 1 công dân Ucraine sử dụng tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn rơi chiếc máy bay này làm tất cả 298 hành khách và phi hành đoàn bị thiệt mạng.
Báo cáo kết quả điều tra còn quy kết trách nhiệm chính cho Nga. Toà án ở Hà Lan dự định trong năm 2020 sẽ mở phiên toà xét xử bốn người kia và thậm chí còn có thể thêm cả một số người khác nữa, kể cả khi phải xét xử vắng mặt vì không thể dẫn độ được những người bị cáo buộc về Hà Lan.
Gần như vào cùng thời điểm, LHQ công bố báo cáo của điều tra viên về vụ việc nhà báo người Ả rập Xê út Jamal Khoshaggi làm việc cho tờ nhật báo Washington Post bị sát hại và thủ tiêu ở trụ sở tổng lãnh sự quán Ả rập Xê út ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo cáo này chỉ rõ đích danh thái tử Ả rập Xê út Mohamad bin Salman chịu trách nhiệm trực tiếp và khuyến nghị LHQ tiến hành điều tra anh chàng thái tử kia, thậm chí phải áp dụng những biện pháp trừng phạt anh ta. Trong chuyện này, bằng chứng không thiếu và vật chứng rõ ràng chứ không như ở chuyện điều tra của JIT.
Những người bị cáo buộc bởi JIT đã bác bỏ cáo buộc. Nga cũng lên tiếng phản đối. Đích thân thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng đã bác bỏ báo cáo kết quả điều tra và kiến nghị của JIT.
Ông Mahathir còn thẳng thừng cho rằng JIT đã lợi dụng chuyện điều tra này để phục vụ mục đích chính trị là chống Nga, ngay từ đầu đã đổ trách nhiệm cho Nga và tiến hành công việc điều tra theo hướng đi tới kết luận là Nga chủ mưu. Những phát biểu của ông Mahathir có sức thuyết phục đặc biệt khi Malaysia là chủ sở hữu của chiếc máy bay nhưng lại không được tiếp cận hai chiếc hộp đen là nguồn thông tin quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất.
Lời giải thích chỉ có thể là nhóm điều tra muốn che dấu những thông tin chứng minh rằng không phải Nga là thủ phạm gián tiếp hay trực tiếp và nhóm này đã thao túng thông tin để chứng minh rằng Nga là thủ phạm gián tiếp hoặc trực tiếp.
Hồi xảy ra vụ việc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga bị đầu độc ở Anh cũng vậy. Tuy không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào, các nước Phương Tây rất nhanh chóng cáo buộc Nga chủ mưu. Dù chuyện đấy ở Anh hay chuyện này ở Ucraine, ngay từ đầu và bất chấp sự thật như thế nào, đối với Phương Tây thì chỉ có Nga là thủ phạm.
Trong thực chất, nhóm này theo đuổi 3 mục tiêu.
Thứ nhất, trên danh nghĩa kết luận vậy để mở phiên toà trẻn danh nghĩa xét xử bốn người kia nhưng trong thực chất là xét xử Nga. Từ chuyện chiếc máy bay này, họ muốn dẫn dắt đến suy diễn là năm 2014 quân đội Nga đã hiện diện ở miền đông Ucraine và không phải những người nổi dậy ly khai với chính phủ Ucraine khuấy động cuộc nội chiến ở Ucraine mà Nga đã làm việc ấy để làm cho Ucraine tan rã và suy yếu, để rồi từ đấy pàm cho công chúng và dư luận trên châu lục và trên thế giới hiểu theo hướng Nga là mối đe doạ lớn nhất cho an ninh và ổn định trên châu lục.
Thứ hai, họ dùng kết luận kia và phiên toà sắp tới để làm cho chuyện nội bộ ở Ucraine luôn thời sự trên phương diện do Nga gây nên, làm cho cuộc nội chiến và ly khai ở Ucraine cũng như việc Crimea gia nhập Liên bang Nga không phải xuất xứ từ Ucraine mà là kết quả hoặc hệ luỵ của chiến lược và chính sách can thiệp và cường quyền của Nga.
Thứ ba, họ dùng phiên toà để mở ra cơ hội thân nhân những nạn nhân kiện tụng đòi Nga bồi thường và để có cớ cho Mỹ và EU cùng các đồng minh không chỉ duy trì mà còn tăng cường trừng phạt Nga.
Các nước Phương Tây sốt sắng trong chuyện điều tra này để quy kết trách nhiệm cho Nga bao nhiêu thì sẽ lảng tránh bấy nhiêu trong việc truy cứu trách nhiệm thái tử Ả rập Xê út bấy nhiêu. Cả ở đấy cũng thấy mục đích chính trị được họ đặt cao hơn mục tiêu công lý và đạo lý.
Điều tra vụ việc và trừng phạt thủ phạm gây ra vụ máy bay rơi là cần thiết và là trách nhiệm của thế giới. Nhưng nếu lạm dụng việc điều tra để phục vụ cho những ý đồ và mục tiêu chính trị thì sẽ là sự xúc phạm trước hết đến chính những nạn nhân của vụ việc.