Ngày 12/3, UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo tình hình tàu cá, ngư dân Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý trong 2 năm 2016 và 2017 và biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
Theo báo cáo, trong 2 năm 2016 và 2017 có 24 vụ với 34 tàu cá cùng 327 ngư dân bị các nước Malaysia, Indonesia, Brunei, bắt giữ, xử lý vì xâm phạm vùng biển khai thác, thu mua hải sản trái phép.
Đặc biệt, có vụ chỉ trong 1 ngày, khoảng hơn 12 tàu cá Việt Nam đang hành nghề bị tàu tuần tra của Indonesia rượt đuổi, bắt giữ 9 tàu cùng 79 lao động. Đầu năm 2018, Thái Lan đã bắt giữ 3 tàu cá cùng 23 ngư dân ở La Gi. Ngoài ra, còn xảy ra 1 vụ vượt biển với 18 ngư dân ở thị xã La Gi hiện đang tị nạn tại Indonesia.
Theo tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do nguồn lợi thủy sản vùng biển nước ta suy giảm làm cho hiệu quả sản xuất tại ngư trường không cao. Ngư dân hám lợi đã cố tình xâm phạm các nước láng giềng đánh bắt trái phép.
Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh ra nước ngoài khai thác, thu mua trái phép. Khi bị bắt giữ thì tổ chức môi giới chuộc tàu cá và ngư dân về nước, nhưng cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện xử lý được tổ chức, cá nhân nào để xử lý răn đe, ngăn chặn.
Tình trạng tàu cá và ngư dân Bình Thuận xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác trái phép, bị bắt giữ, tịch thu tài sản ngày càng tăng gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và tác động đến việc xuất khẩu thủy sản.
UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài như giao công an tỉnh phối hợp bộ đội biên phòng điều tra, xử lý ngăn chặn hành vi tổ chức đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt. Kiên quyết xử lý nặng các trường hợp vi phạm, tổ chức kiểm tra, theo dõi các tàu cá đánh bắt xa bờ.