Điều thần kỳ nào đã tạo ra Himalaya và tiếp tục nâng cao đỉnh Everest?

NLD |

Một vụ va chạm địa chất từ thời cổ đại đã nâng cao dãy núi Himalaya hùng vĩ và chuyển động này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, khiến đỉnh Everest không ngừng cao lên.

Đỉnh Everest vẫn đang cao lên. Ảnh: Edson Vandeira

Đỉnh Everest vẫn đang cao lên. Ảnh: Edson Vandeira

Những người từng chinh phục đỉnh Everest có thể không biết điều này nhưng bên dưới lớp băng tuyết là 1 dải đá từng nằm dưới đáy đại dương. Chúng lên được độ cao gần 9.000 m so với mực nước biển nhờ sự chuyển động chậm rãi của các mảng kiến tạo. Ở 1 số nơi, các mảng này tách rời nhau và tạo ra thung lũng. Ở những nơi khác, chúng va chạm và đẩy những ngọn núi cao lên.

Nằm ở biên giới Tây Tạng và Nepal, đỉnh Everest hình thành từ một vết nứt kiến tạo giữa mảng kiến tạo Ấn Độ và Á - Âu cách đây hàng chục triệu năm. Sự va chạm đã tàn phá khu vực này và tạo nên những dãy núi kéo dài hơn 24.000 km mà chúng ta gọi là dãy Himalaya. Theo kênh National Geographic, trong khi bí ẩn vẫn bao trùm về những sự kiện chính xác đã xảy ra trong vụ va chạm lục địa này, nó còn đang tiếp diễn đến ngày nay và là 1 phần lý do vì sao độ cao của Everest luôn thay đổi.

Câu chuyện về dãy Himalaya bắt đầu khoảng 200 triệu năm trước, khi siêu lục địa Pangea bị chia cắt thành nhiều mảnh. Cuối cùng, mảng Ấn Độ tách rời khỏi Pangea, trôi dạt về phía Bắc đến vùng đất mà chúng ta gọi là châu Á ngày nay. Mảng Ấn Độ dịch chuyển nhanh với tốc độ đáng kinh ngạc khi về mặt địa chất, nó di chuyển gần 9 m hoặc hơn mỗi thế kỷ.

Vào thời điểm đó, đại dương Tethys đã lấp đầy khoảng cách giữa hai mảng Ấn Độ và Âu - Á nhưng khi mảng Ấn Độ di chuyển về phía Bắc, Tethys bắt đầu đóng lại. Mảng dưới nước, được tạo thành từ lớp vỏ đại dương dày đặc, chìm xuống dưới rìa phía Nam của những tảng đá nổi hơn tạo nên mảng lục địa Á - Âu, tạo ra một đặc điểm được gọi là đới hút chìm. Mảng đại dương chầm chậm trượt vào lớp phủ và nạo 1 lớp trầm tích đáy biển dày thành đống ở rìa mảng Á - Âu. Sau đó, lớp trầm tích này bị ép lại thành đá và bị đẩy lên các đỉnh núi.

Khoảng 50 triệu năm trước, tốc độ di chuyển của mảng Ấn Độ giảm nhanh chóng. Các nhà khoa học lý giải sự thay đổi này là giai đoạn đầu của vụ va chạm giữa mảng này với mảng Á - Âu. Các bằng chứng khác từ trầm tích biển cho thấy vùng biển cuối cùng thuộc đại dương Tethys đã đóng kín từ 50 đến 60 triệu năm trước.

Không giống như các mảng đại dương lạnh và đặc khác, mảng lục địa Ấn Độ có tính chất dày và nổi. Vì vậy, khi các lục địa bị ép lại và mảng Ấn Độ di chuyển bên dưới mảng châu Á, bề mặt bị cong vênh và lớp vỏ dày lên để hình thành dãy Himalaya hùng vĩ. Hoặc ít nhất đây đã là phiên bản được chấp nhận từ lâu của câu chuyện.

Điều thần kỳ nào đã tạo ra Himalaya và tiếp tục nâng cao đỉnh Everest? - Ảnh 1.

Ảnh: Renan Ozturk

Tuy nhiên, khi các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu mọi ngóc ngách, vết nứt và đá trong hệ thống này, nhiều bí ẩn đã nảy sinh. Nghiên cứu các mô hình từ trường cổ đại trong đá cho phép các nhà nghiên cứu lập biểu đồ vị trí của lục địa theo thời gian. Gần đây, công trình nghiên cứu sử dụng phương pháp này tiết lộ rằng khi vụ va chạm tạo núi được cho là xảy ra khoảng 55 triệu năm trước, Ấn Độ ở rất xa về phía nam Âu - Á. Điều này để lại một khoảng cách lớn bí ẩn giữa hai lục địa.

Có phải ban đầu mảng Ấn Độ đã va chạm với một vùng đất đã biến mất từ lâu nằm giữa hai khối lục địa lớn hơn không? Liệu rìa phía bắc của mảng Ấn Độ có mở rộng ra xa hơn nhiều so với nghiên cứu trước đây? Tại sao mảng Ấn Độ lại chuyển động nhanh như vậy trước khi va chạm? Đây là một vài trong số rất nhiều câu hỏi các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu.

Tuy nhiên, dù vụ va chạm tạo nên đỉnh Everest bắt đầu khi nào đi chăng nữa, nó vẫn tiếp tục đến ngày nay. Mảng Ấn Độ đang di chuyển về phía Bắc vài cm mỗi năm. Các nhà khoa học ước tính tác động đang diễn ra với mảng Âu - Á có thể đẩy các ngọn núi lên cao hơn bao giờ hết với mức nâng trung bình ước tính khoảng 10 mm/năm ở các phần phía Tây Bắc của dãy núi và khoảng 1 mm/năm ở Everest.

Điều thần kỳ nào đã tạo ra Himalaya và tiếp tục nâng cao đỉnh Everest? - Ảnh 2.

Ảnh: Nirmal Purja Project Possible Ltd

Sự tăng trưởng có thể nhiều lần bị gián đoạn do những thay đổi to lớn của môi trường xung quanh. Khi mảng Ấn Độ di chuyển bên dưới mảng Âu - Á, quá trình này không phải lúc nào cũng diễn ra trơn tru. Khi đất bị nén, áp lực sẽ tăng dần đến khi đạt điểm giới hạn. Sau đó, các khối đất có thể đột ngột dịch chuyển và tạo ra các trận động đất.

Dù vậy, đỉnh Everest không nhất thiết lại cao hơn khi có động đất. Tùy thuộc vào cách thức và vị trí chính xác của mặt đất dịch chuyển, các cơn địa chấn có thể khiến ngọn núi cao thêm hoặc co lại một chút. Theo dữ liệu vệ tinh, đây có thể là điều đã xảy ra trong trận động đất năm 2015 tại Nepal, làm chết hơn 9.000 người.

Đồng thời, khi ngọn núi tiếp tục cao lên sẽ bị cản trở bởi tình trạng xói mòn. Gió và nước cuốn trôi bề mặt, đưa trầm tích thành những dòng chảy xuống sườn núi. Trên dãy Himalaya, phần lớn trầm tích đều chảy qua sông Hằng và sông Brahmaputra. Cát rơi khỏi mặt nước khi độ dốc giảm dần tại chân núi ở vùng đồng bằng sông lớn nhất thế giới, tạo nên vùng đất nằm dưới phần lớn lãnh thổ của Bangladesh và bang Tây Bengal của Ấn Độ.

Cho dù sự xói mòn và trọng lực tiếp tục kìm hãm ngọn núi hùng vĩ, các mảng kiến tạo vẫn duy trì những thay đổi địa chất của chúng và kéo theo đỉnh Everest.

Điều thần kỳ nào đã tạo ra Himalaya và tiếp tục nâng cao đỉnh Everest? - Ảnh 4.

Ảnh: Galen Rowell

Thống nhất độ cao mới của Everest

Ngày 8-12-2020, sau hơn một thập kỷ tranh cãi, Trung Quốc và Nepal đã nhất trí độ cao của đỉnh Everest là 8.848,86 m.

Đây là kết quả đo đạc của các nhóm khảo sát 2 nước và dựa trên Hệ thống Tham khảo độ cao quốc tế. Trước đó Nepal chưa từng tự đo độ cao của đỉnh Everest mà sử dụng con số ước lượng 8.848 m, gồm cả lớp tuyết phủ, mà Ấn Độ khảo sát và công bố hồi năm 1954. Trong khi đó, Trung Quốc hồi năm 2005 xác định đỉnh chóp của Everest, không tính tuyết, là 8.844,43 m.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại