Điều lịch sử sau lưng Tổng thống Joe Biden

Xuân Mai |

Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã làm nên lịch sử trong bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden tại quốc hội khi lần đầu tiên có hai phụ nữ ngồi sau tổng thống Mỹ.

Hai bà Harris và Pelosi đã chào hỏi nhau bằng cách chạm cùi chỏ. Ảnh: AP

Hai bà Harris và Pelosi đã chào hỏi nhau bằng cách chạm cùi chỏ. Ảnh: AP

Hai bà Harris và Pelosi đã chào hỏi nhau bằng cách chạm cùi chỏ, một hành động trở nên quen thuộc trong mùa dịch Covid-19. Tổng thống Joe Biden cũng đã ghi nhận khoảnh khắc lịch sử này ngay khi mở đầu bài phát biểu của mình.

Điều lịch sử sau lưng Tổng thống Joe Biden - Ảnh 1.

Khoảng khắc lịch sử khi nước Mỹ có hai phụ nữ đứng sau tổng thống trong phiên họp quốc hội. Ảnh: AP

Sau khi bước lên bục, ông Biden đã nói về hai người phụ nữ đứng phía sau mình trong bài phát biểu "Thưa bà chủ tịch hạ viện, thưa bà phó tổng thống".

Sau đó, ông Biden cho rằng: "Chưa có tổng thống nào nói những lời đó và đã đến lúc làm điều như thế".

Khi được hỏi về tầm quan trọng của việc hai phụ nữ ngồi sau tổng thống trong bài diễn văn, bà Harris cho rằng đây sẽ trở thành "điều bình thường". Khi được hỏi về khoảnh khắc lịch sử này, bà Pelosi nói rằng: "Đã đến lúc".

Nhiều nhà ủng hộ nữ quyền đã tán dương khoảnh khắc đẹp này. Tuy nhiên, một số người vẫn bày tỏ tham vọng lớn hơn là bầu ra một "bà chủ Nhà Trắng".

Điều lịch sử sau lưng Tổng thống Joe Biden - Ảnh 2.

Cả hai trò chuyện vui vẻ. Ảnh: AP

Bà Pelosi từng làm nên lịch sử khi trở thành nữ chủ tịch hạ viện đầu tiên trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống của George W. Bush.

Trong khi đó, bà Harris, 56 tuổi, đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên và người Mỹ da màu đầu tiên được bầu làm phó tổng thống. Với vai trò là chủ tịch thượng viện, bà Harris cùng bà Pelosi chủ trì phiên họp chung của quốc hội.

Điều lịch sử sau lưng Tổng thống Joe Biden - Ảnh 3.

Các nhà lập pháp Mỹ vỗ tay khi ông Biden có bài phát biểu tại quốc hội hôm 28-4. Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden hôm 28-4 có bài phát biểu đánh dấu cột mốc 100 ngày sau khi nhậm chức trước lưỡng viện quốc hội.

Bài phát biểu năm nay khác với "Thông điệp liên bang" của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm, một phần do đại dịch Covid-19. Ông Biden mở đầu bài phát biểu bằng việc giải quyết những khủng hoảng tồn đọng.

Theo hãng tin Reuters, ông Biden cho rằng: "Giờ đây, sau 100 ngày, tôi có thể thông báo với cả nước rằng Mỹ đang trên đà phát triển trở lại, biến nguy cơ thành khả năng, khủng hoảng thành cơ hội, thất bại thành sức mạnh".

Ông Biden cho rằng gói thuế và chi tiêu mới, cùng với kế hoạch cơ sở hạ tầng và việc làm trước đó, tổng trị giá khoảng 4 ngàn tỉ USD, tương đương với ngân sách liên bang mỗi năm, là khoản đầu tư "trăm năm có một" mang ý nghĩa sống còn đối với tương lai của nước Mỹ.

Ông Biden lập luận rằng các kế hoạch chi tiêu là cần thiết để cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia mà chính quyền của ông xem là thách thức chiến lược lớn.

Tổng thống Biden cũng nói rằng bản thân sẵn sàng nói chuyện với các nhà lập pháp lưỡng đảng để đi đến thỏa thuận. Ông Biden dự kiến sẽ gặp các nhà lập pháp hàng đầu của đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Nhà Trắng vào ngày 12-5 nhằm đạt được điểm chung.

Gói chi tiêu mà ông Biden vừa đề xuất bao gồm 1 ngàn tỉ USD đầu tư cho giáo dục và chăm sóc trẻ em trong 10 năm, cùng 800 tỉ USD tín dụng thuế hỗ trợ các gia đình thu nhập trung bình và thấp.

Kế hoạch mang tên American Family Plan (Kế hoạch gia đình Mỹ) này cùng với gói đầu tư hạ tầng và tạo việc làm mà ông Biden đưa ra hồi đầu tháng 4 sẽ là nỗ lực lớn nhất trong nhiều thập kỷ của chính phủ Mỹ nhằm cải thiện nền kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại