Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 7/12 ở Milan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ chỉ thảo luận về số phận nhóm thủy thủ Ukraine bị Moscow bắt giữ tháng trước ở eo biển Kerch sau khi quá trình xét xử họ ở Crimea hoàn tất.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga không nêu rõ liệu khi nào các phiên xét xử nhóm thủy thủ Ukraine sẽ hoàn tất.
Theo đánh giá của giới quan sát, tuyên bố của Ngoại trưởng Nga được cho sẽ đẩy quan hệ Nga – Ukraine tiếp tục lao dốc.
Lực lượng tuần tra thuộc Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) ngày 25/11 đã nổ súng bắt giữ 3 tàu hải quân cùng với 24 thủy thủ Ukraine. Các tàu này, gồm 2 tàu pháo và một tàu kéo cỡ nhỏ, bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga ở eo biển Kerch nối Biển Đen với biển Azov bất chấp cảnh báo của lực lượng an ninh Nga.
Bất chấp lời kêu gọi của Ukraine và các nước phương Tây, Nga tuyên bố sẽ giam giữ các thủy thủ Ukraine trong vòng 2 tháng để xét xử. Nếu bị buộc tội, các thuỷ thủ có thể đối mặt với 6 năm tù.
Theo hãng tin UNIAN, Tư lệnh Hải quân Ukraine Igor Voronchenko tuyên bố ông sẵn sàng thế thân để đổi lấy tự do cho 24 thủy thủ đang bị Nga bắt giữ.
Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua eo biển Kerch, không cho các tàu nói trên của Ukraine đang từ biển Đen đi vào biển Azov. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga và đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại một số khu vực biên giới.
Tuy nhiên, Nga nêu rõ Ukraine không thông báo trước về việc 3 tàu trên qua eo biển Kerch và các tàu này đã "đi lại một cách nguy hiểm, phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moscow phải dùng vũ lực để ngăn chặn hành động xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga".
Bài toán khó cho NATO
Trong bối cảnh Moscow và Kiev đang leo thang căng thẳng, NATO phải giải một bài toán khó trong việc cân bằng các mối quan hệ tại khu vực biển Đen để tránh "chọc giận" Nga.
Trong khi chính phủ các nước thành viên NATO kêu gọi sự ổn định và hạ nhiệt căng thẳng với Nga nhưng các nước này vẫn tiến hành các động thái mà Nga cho là khiêu khích như tập trận quân sự hay trừng phạt kinh tế.
Việc phân định rạch ròi giữa hành động phòng thủ và khiêu khích là điều không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh nếu chỉ gây sức ép, NATO không thể thay đổi được hành vi của Nga.
NATO rất khó đưa ra phản ứng trong cuộc khủng hoảng mới nhất giữa Nga và Ukraine. Giới phân tích đã đề xuất hàng loạt biện pháp, bao gồm việc triển khai các tàu của NATO tới biển Azov.
Tuy nhiên, đây được xem là hành động bất hợp pháp vì Azov là biển nội địa, không phải tuyến hàng hải quốc tế, nên các tàu của NATO không thể ra vào tự do. Hơn nữa, đề xuất triển khai tàu cũng bất khả thi vì Nga có thể dễ dàng phong tỏa eo biển Kerch.
Một số biện pháp khác nhằm vào Nga cũng được đề xuất như tăng cường trừng phạt kinh tế lên Moscow. Tuy vậy, không có giải pháp nào là hoàn hảo cho tình trạng căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây.
Nhiệm vụ trước mắt chỉ là đảm bảo rằng mọi chuyện sẽ không diễn biến phức tạp thêm. NATO đang phải đối mặt với bài toán khó, đó là làm thế nào để trấn an các đồng minh và bạn bè tại biển Đen mà không khiến cho mọi vấn đề liên quan tới Nga trở nên tồi tệ hơn.