Điều kiện tạo đột phá cho quan hệ Mỹ - Iran đã chín muồi?

Hoàng Phạm |

Sa thải Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton là một trong những bước đi đầu tiên tạo triển vọng cho sự đột phá trong quan hệ giữa Mỹ và Iran.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng 9 này cho thấy, có triển vọng cao về sự hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Dù nhiều người còn “bán tín bán nghi” nhưng trên thực tế, có một vài dấu hiệu cho thấy một sự đột phá trong quan hệ giữa hai nước là hoàn toàn có thể.

Loại bỏ “nhân tố hiếu chiến”

Dấu hiện mạnh mẽ nhất cho thấy Nhà Trắng có thể sẽ khôi phục thỏa thuận với Iran là việc Tổng thống Trump sa thải Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, do ông Trump bất đồng sâu sắc với nhiều đề xuất chính sách của ông Bolton.

Ông Bolton là người ủng hộ mạnh mẽ việc thay đổi chế độ ở Iran, trong khi Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố việc thay đổi chế độ không phải là điều mà chính quyền của ông đang tìm kiếm.

Thay vào đó, ông Trump, “người làm nên các thỏa thuận” và cam kết “giải thoát” nước Mỹ khỏi các cuộc can dự quân sự ở nước ngoài, nhiều khả năng muốn có một thỏa thuận với Iran hơn là một cuộc xung đột quân sự. Sự ra đi của ông Bolton khiến khả năng này trở nên mạnh mẽ hơn.

Quả thực, ngay sau khi ông Bolton bị sa thải, Tổng thống Iran Hassann Rouhani đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống Trump, thậm chí đề nghị Mỹ “loại bỏ những kẻ hiếu chiến”.

Việc hoãn đàm phán hòa bình Mỹ-Taliban ở Afghanistan cũng đóng một vai trò trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Iran, bởi Mỹ đang tìm kiếm sự hợp tác của Iran trong việc kiềm chế các cuộc tấn công trước mắt của Taliban.

Iran những năm gần đây duy trì các cuộc tiếp xúc với Taliban và thậm chí cung cấp vũ khí cho lực lượng này để làm mất thế cân bằng của các lực lượng Mỹ ở Afghanistan. Tuy nhiên, Iran cũng sẽ không hoan nghênh một Afghanistan hoàn toàn bị Taliban thống trị. Với chiến thắng ở Syria, Iran có thể tái triển khai các phiến quân Fatemiyoun, bao gồm toàn những người Hazara theo dòng Shiite ở Afghanistan, nhằm bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình ở phía đông và miền trung Afghanistan.

Không thể phủ nhận vai trò của Iran trong khu vực

Quả thực, Iran là nước duy nhất trong khu vực mà Mỹ có thể kể đến khi muốn tìm cách bảo vệ chính phủ của người đồng minh Ashraf Ghani ở Kabul. Nga và Trung Quốc từ lâu vẫn duy trì các kênh liên lạc riêng với Taliban vì họ cần sự hợp tác của nhóm này để ngăn chặn IS lan tràn đến Trung Á và Tân Cương, khu tự trị ở Đông Bắc Trung Quốc và là nơi có những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Điều này cho thấy cả Nga và Trung Quốc nhiều khả năng đều sẽ không trợ giúp Mỹ trong việc đối phó với Taliban.

Pakistan - nơi mà cơ quan tình báo nước này được cho là có mối quan hệ mật thiết với Taliban, cũng ít có khả năng giúp Mỹ ở Afghanistan, đặc biệt sau sự ủng hộ mới đây của Mỹ đối với động thái của Ấn Độ ở Kashmir.

Bên cạnh đó, bất chấp sự kêu gọi của Tổng thống Trump, Ấn Độ cũng miễn cưỡng với việc triển khai quân đội ở Afghanistan, mà thay vào đó muốn cũng cấp hỗ trợ phát triển thông qua chính phủ của Tổng thống Ghani ở Kabul.

Ngược lại, với chiến thắng ở Syria đã được đảm bảo cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad (đồng minh của Iran), Iran sẽ sẵn sàng hơn trong việc hợp tác với Mỹ đối phó với mối đe dọa IS đang trỗi dậy - như đã được nêu trong báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc.

Việc chính quyền Anh ở Gibraltar mới đây thả tàu chở dầu Iran bất chấp sự phản đối của Mỹ, cho thấy Mỹ không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh xuyên đại Tây Dương đối với các chính sách ngăn chặn Iran.

Tương tự, cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng cho thấy các nước châu Âu muốn bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngay cả ở Vùng Vịnh, các cuộc thảo luận về vấn đề hàng hải giữa UAE và Iran trong tháng 7 vừa qua cũng cho thấy cả 2 phía đều mong muốn giảm căng thẳng.

Chiến thắng thắng ngoại giao trước thềm bầu cử

Ở khía cạnh một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, ông Trump cần một chiến thắng chính sách ngoại giao quan trọng.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Rouhani, cũng sẽ hưởng lợi từ một sự dàn xếp với Mỹ mà về cơ bản có gắn kết với thỏa thuận hạt nhân nhưng vẫn cho phép cả phía đều có thể tuyên bố chiến thắng về mặt chính trị. Thậm chí, nếu điều này có kết quả tốt đẹp, các thành phần chính trị liên minh với Tổng thống Rouhani cũng sẽ có lợi lớn trong các cuộc bầu cử nghị viện vào năm tới.

Một thỏa thuận giữa Iran và Mỹ sẽ phải bao gồm những mong muốn chính của cả 2 nước. Với Mỹ, đó sẽ là một thỏa thuận hạt nhân được chỉnh sửa theo hướng xóa bỏ bớt lo ngại liên quan đến các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo Iran và sự hỗ trợ của Iran với các bên ủy nhiệm trong khu vực. Còn đối với Iran, thỏa thuận cần phải bao gồm việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Cũng cần phải lưu ý rằng Mỹ không loại trừ đề xuất gần đây của Pháp về khoản tín dụng 15 tỷ USD dành cho Iran. Điều này, cùng với việc sa thải cố vấn John Bolton, có thể là những bước đi đầu tiên để sau đó đình chỉ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran trước bất cứ cuộc gặp tiềm tàng nào giữa Tổng thống hai nước.

Trong khi ông Trump bày to sẵn sàng gặp Rouhani tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng này, phía Iran vẫn tỏ ra trận trọng. Dẫu sao, triển vọng về đột phá trong quan hệ Mỹ-Iran ở thời điểm này cũng sáng sủa hơn so với bất cứ thời điểm nào trước đây./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại