Theo Daily Mail, nghiên cứu mới công bố bởi Trường Y khoa Harvard và Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) đã nghiên cứu hơn 53.000 người Mỹ về thói quen tiêu thụ đồ uống có cồn và nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch của họ.
Công trình chuẩn bị được công bố vào tuần tới tại hội nghị thường niên của Đại học Tim mạch Mỹ cho thấy với người sử dụng đồ uống có cồn ở mức thấp, nguy cơ bệnh tim mạch gây chết người thậm chí thấp hơn 20% so với người không uống.
Tuy nhiên để đạt được lợi ích này, bạn sẽ phải uống rất ít - theo đúng nghĩa giải khát một chút khi rảnh rỗi hoặc khi ăn.
Sử dụng bia ở mức thấp có thể có lợi cho tim mạch (Ảnh minh họa từ SCIENCE NEWS)
Với người có tửu lượng thấp và đa phần phụ nữ, mức có lợi là dưới 1 đơn vị rượu mỗi ngày, tương đương với 1 ly bia hoặc một ly rượu vang nhỏ. Với nam giới có tửu lượng cao như ở một số nước châu Âu, mức có lợi cũng dừng ở dưới 2 ly bia/ngày.
[Đọc thêm: Say rượu khiến quý ông chao đảo: 5 cách làm dịu cơn say]
Nhiều hơn mức này, mọi lợi ích biến mất và người sử dụng bia, rượu sẽ phải đối mặt với các nguy cơ đã biết từ đồ uống có cồn, trong đó có việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Theo các chuyên gia từ Trường Y khoa Harvard, 1 ly bia hay một ít rượu có khả năng làm giảm tín hiệu căng thẳng từ não, vốn là yếu tố liên kết mạnh mẽ với việc tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tai biến tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
Tiến sĩ Kenechukwu Mezue tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết trong khi người uống 1 ly bia hay một chút rượu mỗi ngày có mức độ căng thẳng giảm, thì những người uống rượu quá mức lại là nhóm có mức độ hoạt động não liên quan đến căng thẳng cao nhất. Chưa kể, họ còn tăng nguy cơ ung thư, tổn thương gan và nguy cơ nghiện rượu.
Theo The Sun, phát hiện này có tiềm năng tạo nên một phương pháp can thiệp có lợi dựa trên đường dẫn truyền thần kinh não - tim, tuy nhiên phải cân nhắc nguy cơ thói quen có lợi (sử dụng đồ uống có cồn ít hoặc vừa phải) trở thành có hại (tiêu thụ quá mức).