Nga sẽ tung vào chảo lửa Trung Đông "vũ khí đặc biệt hơn cả bản Su-57 từng tới Syria"?

Vy Lam |

Với năng lực chiến đấu mạnh hơn nhiều so với Su-57 ở thời điểm nó được triển khai tới Syria, sự vắng mặt của vũ khí này tại điểm nóng Trung Đông đang khiến nhiều người thắc mắc.

Đánh dấu 1 năm kể từ khi được chính thức đưa vào biên chế tháng 6/2020, máy bay chiến đấu hạng trung thế hệ 4++ MiG-35 là tiêm kích mới nhất và tinh vi nhất trên nhiều phương diện của Không quân Nga.

Mẫu máy bay này mang một loạt đặc tính tiên tiến, trong đó có động cơ vector lực đẩy 3 chiều, radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phi công [dù còn hạn chế].

Theo tạp chí MW, trong bối cảnh Không quân Nga vẫn đang tiến hành chiến dịch đường không tại Syria, và đã cung cấp cho đối tác thân thiết – Không quân Syria – các máy bay chiến đấu mới thì có khả năng MiG-35 cũng sẽ sớm hiện diện ở Trung Đông để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống lại các phần tử nổi dậy Hồi giáo.

Nếu xem xét các tiền lệ giao dịch vũ khí của Nga và các đợt triển khai máy bay chiến đấu của họ tới Syria thì sẽ thấy cơ hội để điều này xảy ra không phải là không có.

Điều khác thường trong các đợt triển khai của Nga

Nga đã triển khai tất cả các dòng chiến đấu cơ mới tới Syria để thử nghiệm chiến đấu, bắt đầu vào năm 2015 với các mẫu tiêm kích hạng nặng đa nhiệm Su-27SM3 và Su-30SM, cùng tiêm kích-bom Su-24M và Su-34.

Trong 2 năm tiếp theo, Nga tiếp tục đưa tới Syria tiêm kích chiếm ưu thế đường không Su-35, tiêm kích hạng trung MiG-29SMT và thậm chí các tiêm kích hạm MiG-29K và Su-33.

Trước đó, vào tháng 2/2018, Nga thậm chí đã triển khai 4 tiêm kích hạng nặng thế hệ 5 Su-57 tham gia các chiến dịch tác chiến ngắn và hạn chế ở Syria dù vào thời điểm đó Su-57 mới chỉ là những nguyên mẫu tiên tiến, chưa được sản xuất hàng loạt hay đưa vào biên chế Không quân Nga.

Mặc dù đa dạng hóa thành phần phi đoàn chiến đấu là điều cần thiết để tối ưu hóa hoạt động, chẳng hạn Su-35 sẽ yểm trợ đường không cho các tiêm kích tấn công, nhưng việc đưa nhiều loại máy bay như vậy tới tham gia chiến dịch đường không quy mô tương đối hạn chế ở Syria [và chỉ triển khai từ một căn cứ không quân duy nhất] đã cho thấy Nga không chỉ đặt mục tiêu duy trì hiệu quả tác chiến.

Những đợt triển khai này có vẻ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, như tạo cơ hội cho phi công tích lũy nhiều kinh nghiệm, thử nghiệm nhiều loại máy bay trong môi trường chiến đấu để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của chúng, trình diễn khả năng tác chiến của các loại máy bay ở Syria để thu hút nhiều hơn sự chú ý từ quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu.

Nga sẽ tung vào chảo lửa Trung Đông vũ khí đặc biệt hơn cả bản Su-57 từng tới Syria? - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-35 và nguyên mẫu Su-57 của Nga. Ảnh: MW

MiG-35 hiện nay, với năng lực chiến đấu mạnh hơn nhiều so với Su-57 ở thời điểm nó được triển khai tới Syria, đang khiến nhiều người thắc mắc về sự vắng mặt tại điểm nóng này.

Dù phần lớn chiến đấu cơ mà Không quân Nga huy động tới Syria là tiêm kích hạng nặng nhưng đợt triển khai các tiêm kích MiG-29SMT – mẫu máy bay tiền nhiệm của MiG-35, có sự tương đồng từ hạng cân cho tới nhiều phương diện về cơ sở vật chất bảo dưỡng – cho thấy Moscow hoàn toàn có khả năng cân nhắc đưa MiG-35 tới "chảo lửa" Trung Đông.

Khả năng này càng tăng cao hơn khi xét tới thực tế MiG-35 được phát triển chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

Trong khi Không quân Nga phụ thuộc chủ yếu vào các máy bay chiến đấu hạng nặng và chỉ có một vài phi đội máy bay hạng cân khác thì các đối tác quốc phòng của Nga, như Ấn Độ, Belarus, Angola và Ai Cập lại phụ thuộc rất nhiều vào các chiến đấu cơ hạng nhẹ và hạng trung do chúng có chi phí vận hành rẻ hơn đáng kể.

Nếu MiG-35 chứng tỏ được những khả năng tiên tiến của nó tại Syria, đặc biệt là nếu tiến hành các cuộc tấn công chính xác với những loại vũ khí không-đối-đất tầm xa đa dạng hoặc đánh chặn các cuộc xâm phạm của Israel/Thổ Nhĩ Kỳ vào không quân Syria như Su-35 từng thể hiện, thì điều đó sẽ giúp MiG-35 gia tăng đáng kể sự quan tâm của các khách hàng quốc tế tiềm năng.

Không những thế, việc triển khai MiG-35 tham gia chiến đấu ở Syria cũng có thể giúp phi công Nga tích lũy kinh nghiệm và cho phép các nhà thiết kế Nga dựa vào đó để cải tiến hiệu quả hoạt động của nó, tương tự như trường hợp của Su-35 và một số loại máy bay chiến đấu khác mà Moscow từng đưa tới Syria.

Nga sẽ tung vào chảo lửa Trung Đông vũ khí đặc biệt hơn cả bản Su-57 từng tới Syria? - Ảnh 2.

Các tiêm kích hạng trung MiG-29A của Không quân Syria. Ảnh: MW

Khả năng Nga cung cấp MiG-35 cho Syria

Ngoài đợt triển khai tạm thời tại căn cứ không quân Hmeymim, còn có khả năng MiG-35 sẽ được Nga chuyển giao cho Không quân Syria trong tương lai như một phương tiện tác chiến mang lại hiệu quả chi phí để hiện đại hóa phi đoàn của họ.

Trước đó, Syria đã tiếp nhận từ Nga một số tiêm kích MiG-29SMT vào tháng 6/2020, những chiếc máy bay này bổ trợ cho các tiêm kích MiG-29A từ thời Liên Xô đang đảm nhiệm vai trò ở tiền tuyến.

Tuy nhiên, chiếm số lượng đông đảo trong lực lượng máy bay chiến đấu của Syria là các tiêm kích thế hệ 3 MiG-21BiS và MiG-23. Chúng đã già cỗi và Không quân Syria có vẻ sẽ tìm cách thay thế chúng trong thập kỷ tới.

Từng có thông tin Syria quan tâm tới mẫu tiêm kích đánh chặn MiG-31 của Nga, song đây là những máy bay hạng nặng nhất trong kho vũ khí của Nga, chúng có khả năng tác chiến không-đối-không mạnh nhất nhưng có chi phí vận hành rất đắt đỏ.

Theo MW, MiG-35 là một lựa chọn hiện đại hơn và có giá cả phải chăng hơn đối với Syria. Nó không chỉ vượt trội mẫu F-16 do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang triển khai, mà còn có khả năng thách thức các tiêm kích hạng nặng F-15 của Israel.

F-15 ở hạng nặng hơn và có tốc độ nhanh hơn nhưng lợi thế công nghệ lại nghiêng về phía MiG-35 khi nó "trẻ" hơn F-15 tới vài thập kỷ. Lợi thế này, kết hợp với giá cả phải chăng, chi phí vận hành thấp (được cho là thấp hơn 80% chi phí hoạt động của MiG-29), khả năng tương thích cao với các loại khí tài hiện nay khiến cho khả năng Syria tiến tới một thỏa thuận mua MiG-35 trong những năm sắp tới gia tăng.

Chúng ta vẫn cần chờ xem thỏa thuận đó sẽ diễn ra sau khi MiG-35 đã thể hiện khả năng chiến đấu trong tay các phi công Nga ở Syria, hay sau khi Syria đặt hàng thêm nhiều đợt MiG-29 giá rẻ khác nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại