Theo Báo Nhân Dân , ngày 22/5, sau khi đàm phán thành công với Tổng Công ty điện lực miền Bắc (Việt Nam), Công ty Lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc) đã nhất trí với phương án mua bán điện qua đường dây 110kV Thâm Câu-Móng Cái do phía Việt Nam đề xuất.
Đồng thời, khẳng định sẽ triển khai ngay công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở, công tác kỹ thuật vận hành để bảo đảm cung cấp điện cho phía Việt Nam sau khi lãnh đạo hai bên thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện.
Theo đó, trong các tháng 5, 6 và 7/2023, điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái (thành phố Móng Cái) và 110kV Quảng Hà (huyện Hải Hà).
Trong ba tháng 5, 6 và 7/2023, điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái và 110kV Quảng Hà. Ảnh minh họa.
Như vậy, sau khi thực hiện ký kết hợp đồng, toàn bộ thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp. Qua đó góp phần giảm khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía bắc.
Dự kiến 0h ngày 24/5, sẽ chính thức đóng điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam qua đường dây 110kV Thâm Câu-Móng Cái.
Hai bên cũng thống nhất các nội dung về hợp đồng mua bán điện, kỹ thuật cũng như kỹ thuật giám sát hiện trường tại trạm 110kV Móng Cái (Việt Nam) và trạm 110kV Thâm Câu (Trung Quốc).
Đồng thời, thỏa thuận về hệ thống SCADA (điều khiển, giám sát, thu thập dữ liệu từ xa), hệ thống rơ-le bảo vệ và phương thức giao nhận điện năng cũng như công tác điều độ vận hành lưới điện liên lưới; kỹ thuật vận hành và hệ thống đo đếm tại Trung Quốc và Việt Nam; công tác đấu nối; thời gian bắt đầu cung ứng điện; kế hoạch mua bán điện trong thời gian tới và một số nội dung khác.
Lưới điện Quảng Tây ghi nhận doanh thu chục tỷ USD
Công ty TNHH Lưới điện Quảng Tây là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc. Lưới điện Quảng Tây, được thành lập vào tháng 9/1990, chịu trách nhiệm cung cấp điện cho toàn khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây), đồng thời tham gia vào dự án truyền tải điện Đông-Tây.
Theo Cổng thông tin Dịch vụ Trung Quốc (thuộc Tân Hoa Xã), Lưới điện Quảng Tây có 20 phòng ban chức năng và 42 tổ chức trực thuộc, trong đó có 14 phòng cung cấp điện cấp huyện. Đơn vị này cung cấp điện trên diện tích 236.700 km2, cho hơn 11,42 triệu hộ gia đình.
Cũng theo cổng thông tin trên, Lưới điện Quảng Tây xếp thứ 5 trong số 100 doanh nghiệp hàng đầu tại Quảng Tây năm 2018. Lưới điện Quảng Tây cũng đứng đầu trong cuộc bình chọn mức độ hài lòng của khách hàng trên địa bàn tỉnh trong 5 năm liên tiếp. Kể từ Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), công ty đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược để thúc đẩy phát triển đổi mới và xây dựng thông tin hóa.
Trong nửa đầu năm 2018, tổng mức tiêu thụ điện của Lưới điện Quảng Tây là 790 tỷ kilowatt giờ với mức tăng 19,95% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, doanh thu hoạt động của công ty trong năm 2018 đạt 55,2 tỷ nhân dân tệ (8,23 tỷ USD).
Công ty mẹ của Lưới điện Quảng Tây, Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc, xây dựng và vận hành lưới điện tại 5 tỉnh miền Nam - cụ thể là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và Hải Nam. Tổng diện tích phục vụ trải rộng 1 triệu km2, phục vụ hơn 252 triệu người.
Trong năm 2019, Lưới điện Phương Nam Trung Quốc đã bán được 1051,8 TWh điện, tạo ra doanh thu 81,2 tỷ USD, với tổng tài sản đạt 133,2 tỷ USD.
Theo Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, Lưới điện Phương Nam Trung Quốc đứng thứ 111 trong danh sách Fortune Global 500. Standard & Poor's, Moody's và Fitch đều đã vinh danh China Southern Power Grid với xếp hạng thuộc hàng cao nhất.
Cũng theo thông tin từ nguồn Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, Lưới điện Phương Nam Trung Quốc vận hành một trong những lưới điện tinh vi và kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Công ty đủ khả năng cung cấp, khả năng vận hành đường dài, điện áp cực cao và AC/DC lai.
Với lưới điện trải dài 2.000 km từ Tây sang Đông và tổng công suất lắp đặt là 310 GW, Lưới điện Phương Nam Trung Quốc đã thiết lập “8 AC và 10 DC” - tổng cộng 18 kênh trong Dự án Truyền tải Điện từ Tây sang Đông với mức truyền tải tối đa công suất 50 GW.