Tử Cấm Thành là một cung điện hoàng gia được xây dựng lần đầu từ năm 1406 đến năm 1420 thời nhà Minh, tọa lạc tại Đông Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trong xã hội phong kiến xưa, Tử Cấm Thành tượng trưng cho hoàng quyền tối cao, ngoại trừ các hoàng thân, quý tộc và trung thần, không ai có tư cách vào Tử Cấm Thành. Về sau, dưới sự thành lập của Trung Quốc mới, Tử Cấm Thành được đổi tên thành Bảo tàng Cố Cung và trở thành một địa điểm du lịch không thể không đến ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ai đã từng đến Tử Cấm Thành đều biết rằng, sau 5 giờ chiều Tử Cấm Thành sẽ đóng cửa và du khách không thể tiếp tục tham quan. Nhưng Tử Cấm Thành rộng như vậy, cho dù đi từ sáng đến tối cũng khó có thể thăm quan hết toàn bộ. Vậy rốt cuộc tại sao Tử Cấm Thành lại có quy định như vậy?
Đã có rất nhiều phỏng đoán khác nhau về việc này. Có người cho rằng, sở dĩ có quy định như vậy là do trong hơn 600 năm lịch sử, đã có rất nhiều cung nữ, thái giám, thậm chí phi tần trong hoàng cung đều đã chết ở đây. Linh hồn của họ vẫn luôn vất vưởng trong Tử Cấm Thành, mãi không siêu thoát. Vào ban ngày dương khí mạnh mẽ, những hồn ma này không dám ra ngoài quấy rối. Nhưng đêm đến chúng lại đi ra lượn quanh các cung điện. Có người còn nói, họ đã tận mắt nhìn thấy hồn ma ở đây rồi.
Theo quan điểm khoa học, điều này quả thực rất vô lý. Vậy đâu mới là nguyên nhân thật sự? Điều này liên quan đến sự cố xảy ra ở Tử Cấm Thành năm 1959.
Mùa hè năm 1959, vì đang là kỳ nghỉ hè nên du khách đến Tử Cấm Thành rất đông. Thời gian đó vẫn chưa có quy định đóng cửa lúc 5 giờ chiều, nên mãi đến chiều tối muộn vẫn còn rất nhiều du khách tham quan.
Sau khi bảo tàng đóng cửa, nhân viên bắt đầu đi kiểm tra. Như chúng ta đều biết Tử Cấm Thành rất rộng, chỉ tính riêng cung điện đã có hơn 70 cung điện, cộng lại có hơn 9000 gian phòng lớn nhỏ.
Trong quá trình kiểm tra, các nhân viên phát hiện một số di vật văn hóa trong Tử Cấm Thành đã biến mất, bao gồm cả thanh bảo đao từ thời Càn Long, còn có một số tập kim sách bị cắt hỏng và một số tập thì bị trộm mất. Khi đó Tử Cấm Thành chưa được trang bị camera đầy đủ nên việc điều tra vô cùng khó khăn.
Vụ việc này nhanh chóng thu hút sự chú ý của chính quyền trung ương, chính phủ đã đặc biệt thành lập một đội điều tra để điều tra vụ này. Sau khi khảo sát hiện trường, tổ điều tra đã thu thập được khá nhiều manh mối. Vì bên trong Tử Cấm Thành được canh phòng nghiêm mật, bao quanh bên ngoài là bức tường 12m, lại có cả thành hào, nên thông thường rất khó trộm bảo vật ra ngoài. Do đó họ kết luận, vụ trộm này là do nhân viên bên trong thành gây ra.
Sau đó, đội điều tra tìm đến Điền Nghĩa, người đã phát hiện ra hiện trường gây án. Theo lời kể của anh ta, lúc anh ta đến Dưỡng Tâm Điện kiểm tra định kì, anh ta đã phát hiện trên mặt đất có một mảnh kính lớn vỡ. Anh ta nhanh chóng gọi bộ phận an ninh, bảo vệ hiện trường gây án và gọi cảnh sát.
Theo lý mà nói, nếu như nhân viên của Tử Cấm Thành gây án thì căn bản không cần làm vỡ kính, vì sẽ làm người khác chú ý. Do đó, nhân viên trong thành được gỡ bỏ hiềm nghi.
Mặc dù cảnh sát tìm thấy một mảnh da trên tấm kính vỡ, nhưng do chưa có công nghệ xét nghiệm ADN nên manh mối này vô dụng. Họ chỉ có thể lần theo dấu vân tay, dấu chân mà tìm kiếm. Lần theo dấu vân tay và dấu chân, đội cảnh sát đi đến Trữ Thọ Môn, lại đi xuống Tây Khánh Môn, phát hiện chốt cửa ở đây đã bị tháo xuống. Theo lời nhân viên bảo vệ, cửa cung ngày nào cũng được khoá rất kỹ. Vì vậy, tên trộm chắc chắn đã trốn thoát từ chỗ này.
Cảnh sát nghi ngờ tên trộm có thể đã trốn khỏi Bắc Kinh, vì vậy họ nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an của các tỉnh thành phố để hỗ trợ giải quyết vụ án. Rất nhanh sau đó cảnh sát tỉnh Thiên Tân đã phát hiện ra đối tượng khả nghi. Người này sau khi lên tàu đã nói rằng anh ta không có tiền mua vé. Nhưng sau khi kiểm tra, cảnh sát lại phát hiện trong túi của anh ta có vàng thỏi, bên trên còn khắc chữ.
Vì không thể giải thích rõ ràng nên cảnh sát Thiên Tân đã ngay lập tức bắt giữ người này. Sau khi lục soát nhà anh ta, họ đã tìm thấy được các di vật văn hoá đã bị mất.
Trong quá trình thẩm vấn, anh ta khai rằng, sau khi trộm bảo vật anh ta đã chạy về nhà chị gái. Chị gái sau khi biết chuyện đã ngay lập tức yêu cầu anh ta trả đồ về chỗ cũ. Nhưng anh ta lại không muốn, vì vậy đã thu dọn đồ đạc muốn trốn chạy về quê và bị bắt lại ở Thiên Tân. Tuy rằng các bảo vật đã được tìm thấy, nhưng việc khôi phục lại những cuốn kim sách đã hư hỏng là rất khó.
Ngày nay, tuy đã có hệ thống chống trộm đầy đủ và an toàn nhưng Tử Cấm Thành vẫn giữ nguyên quy định 5 giờ chiều đóng cửa. Trên thực tế còn có nguyên nhân khác.
Thứ nhất là để đảm bảo hiệu quả tham quan cho du khách. Mặc dù các thiết bị chiếu sáng đã cực kỳ tiên tiến, nhưng các tòa kiến trúc trong Tử Cấm Thành đều được làm bằng gỗ. Nếu chẳng may bén lửa, xảy ra hoả hoạn thì hậu quả đúng là không tưởng tượng được.
Vì vậy, trong các cung điện lớn của Tử Cấm Thành đều không trang bị đầy đủ thiết bị chiếu sáng. Do đó, để đảm bảo du khách có thể nhìn rõ mọi ngóc ngách trong Tử Cấm Thành, thì đóng cửa lúc 5 giờ chiều là thích hợp nhất.
Thứ hai, đảm bảo an toàn cho du khách. Tử Cấm Thành là một cung điện rộng lớn với diện tích 720.000m2, là cố đô của hai triều đại Minh Thanh nên vô cùng tráng lệ. Từng viên gạch đá bên trong đều được trau chuốt cẩn thận, nhưng dưới sương gió của lịch sử, nhiều con đường trong Tử Cấm Thành không được nhẵn nhụi như trước, nếu đi trong đêm rất dễ bị ngã.
Cuối cùng, mặc dù bố cục của Tử Cấm Thành rất vuông vức nhưng vì vô cùng rộng lớn, có quá nhiều cung điện, nên ban ngày du khách rất dễ bị lạc chứ đừng nói đến ban đêm.
Đây chính là toàn bộ lý do mà Tử Cấm Thành của Trung Quốc lại đóng cửa vào lúc 5 giờ chiều. Không phải vì ma quỷ linh hồn, mà chỉ vì sự an toàn của Tử Cấm Thành, sự an toàn của du khách, nên họ mới đặt ra quy định này mà thôi.
Theo Baidu