Vào mùa hè, điều hòa là thiết bị thiết yếu trong nhiều gia đình, luôn được hoạt động nhiều giờ trong ngày nhằm phục vụ nhu cầu làm mát. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, rất nhiều tình huống trớ trêu, và có thể nói là dở khóc dở cười diễn ra với chiếc điều hòa, khiến cho gia chủ bối rối.
Trường hợp sau đây là một ví dụ. Nó được một người dùng sinh sống tại Mỹ chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều sự quan tâm. Trong video có thể thấy, chiếc điều hòa này phun ra một lượng nước rất lớn. Trường hợp này được xem là khá hiếm gặp và có thể thiết bị đã hư hỏng nghiêm trọng. Chính chủ nhân video cũng phải nhận xét rằng: "Tôi chưa bao giờ thấy hiện tượng như thế này ở điều hòa".
Điều hòa xuất hiện tình trạng trào nhiều nước khi gia chủ bối rối không hiểu vì sao và nên giải quyết thế nào
Vì sao điều hòa lại phun nước?
Theo đánh giá của các chuyên gia, điều hòa có thể gặp phải các sự cố như chảy nước, rỉ nước trong quá trình sử dụng. Song để phun một lượng nước lớn và với lực mạnh như trong video thì khá hi hữu.
Giải thích cho nguyên nhân, các chuyên ra cũng chỉ ra nhiều yếu tố khác nhau. Có thể kể tới là do lỗi lắp đặt thiết bị, lưới lọc thiết bị bị bẩn, ống thoát nước bị nghẹt, quạt dàn lạnh bị hỏng và điều hòa bị thiếu khí gas.
Cụ thể, ở lỗi lắp đặt kỹ thuật là do ngay lỗi ống thoát nước của thiết bị bị gấp khúc, dàn lạnh của máy không cần bằng hoặc bị nghiêng, từ đó khiến nước bị chảy ngược vào trong.
Ống thoát nước của thiết bị có thể đã gặp vấn đề
Tiếp đến là lỗi lưới lọc thiết bị bị bẩn. Các chuyên gia đánh ra, trong quá trình hoạt động, điều hòa sản sinh ra hơi lạnh. Song khi lưới lọc quá bẩn, lượng khí lạnh này sẽ không thể thoát ra ngoài môi trường mà bị ứ đọng lại, từ đó tạo thành những giọt nước nhỏ xuống sàn.
Nguyên nhân thứ 3 và cũng được xem là có thể khiến điều hòa phun nước nghiêm trọng, đó là ống thoát nước của thiết bị bị nghẹt. Lúc này, nước không thể thoát ra ngoài, thay vào đó sẽ tràn ngược vào bên trong dàn lạnh. Việc ống bị nghẹt cũng có thể xuất phát từ việc lâu ngày không được vệ sinh, bảo dưỡng, khiến nhiều chất bẩn, rác thải tích tụ, hoặc có sinh vật lạ bên trong.
Còn lại 2 yếu tố là quạt dàn lạnh bị hỏng hoặc điều hòa bị thiếu khí gas, thì có thể dẫn tới hiện tượng đóng tuyết ở điều hòa. Khi bị đóng tuyết, không chỉ thiết bị bị ảnh hưởng, làm mát không còn được hiệu quả, mà chỗ băng tuyết sẽ tan dần, từ đó thành lượng nước lớn nhỏ xuống sàn, gây bất tiện trong đời sống sinh hoạt của con người.
Tấm lưới lọc điều hòa quá bẩn cũng có thể khiến điều hòa bị nhỏ, phun nước
Làm gì khi điều hòa bị nhỏ nước, phun nước?
Việc điều hòa bị phun nước, nhỏ nước không chỉ gây bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt của gia đình, mà sau thời gian dài, nó còn có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ của không gian hay an toàn của người dùng. Những hậu quả có thể kể tới là làm ẩm mốc tường nhà. trơn trượt hay hỏng sàn nhà, đặc biệt với sàn gỗ, thậm chí là tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập cháy.
Ngay khi phát hiện tình trạng điều hòa nhà mình bị nhỏ nước, phun nước, việc đầu tiên người dùng nên thực hiện đó là ngắt điện thiết bị để tránh trường hợp chập cháy do thiết bị điện nhiễm nước. Ngay sau đó gọi các đơn vị sửa chữa, thợ kỹ thuật tới để kiểm tra, khắc phục.
Có một vài phương pháp giúp người dùng có thể xử lý tạm thời tình trạng điều hòa nhỏ nước, phun nước ngay tại nhà, tuy nhiên các chuyên gia khuyên là không nên thực hiện nếu không có đầy đủ kiến thức, kỹ năng hay các dụng cụ hỗ trợ.
Việc điều hòa bị nhỏ, trào nước cần được giải quyết nhanh chóng
Trong suốt quá trình sử dụng, các chuyên gia cũng khuyên người dùng nên thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ chiếc điều hòa nhà mình để giảm thiểu rủi ro hay việc xảy ra các sự cố đáng tiếc. Thời gian lý tưởng để thực hiện công việc này là khoảng 4-6 tháng/lần, tùy vào tần suất sử dụng thiết bị trong gia đình. Với những chiếc điều hòa đã lâu ngày không hoạt động, trước khi sử dụng cũng nên được bảo dưỡng và vệ sinh tổng quát. Có như vậy, thiết bị mới luôn hoạt động hiệu quả, đảm bảo tuổi thọ lâu bền và ít xảy ra sự cố bất chợt.
Việc bỏ ra một số tiền cho chi phí bảo dưỡng được xem là khoản chi “thông minh” hơn là việc đợi thiết bị xảy ra trục trặc rồi mới xử lý.