Thông thường 1 lon bia khoảng 335ml thường chứa:
- 153 calo
- 2g đạm
- 0g chất béo, đường và chất xơ
- 13g Carbohydrate
- 14g cồn (alcohon)
- 2mg Niacin
- 36mg Cholin
- 21mg Folate
- 21mg Magie
- 50mg Phốt pho
- 2mcg Selen
- <1mcg Vitamin B12 và Riboflavin.
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn uống bia hàng ngày?
Lượng bia vừa phải tốt cho sức khỏe tương đương 1 lon 330ml nồng độ cồn 5% mỗi ngày với phụ nữ và 2 lon tương tự với nam giới.
1. Ưu điểm của bia đối với sức khỏe
- Có lợi cho sức khỏe tim mạch
Dựa trên nguyên liệu làm bia thì có hai loại bia chính là bia vàng (Pale Lager) và bia đen (Dark beer). Bia vàng có tỷ lệ hoa bia (houblon) nhiều hơn, trong khi bia đen có thành phần lúa mạch nhiều hơn và lại là loại lúa mạch được sấy khô cho có màu đen (còn gọi là carafamalt). Tùy vào loại bia và mức độ bạn uống mà lợi ích và tác hại đối với sức khỏe sẽ khác nhau.
Trong đó bia đen được biết đến ít calo hơn bia vàng và chứa các hợp chất chống oxy hóa nên có lợi hơn cho sức khỏe tim mạch nhờ khả năng chống lại các gốc tự do trong cơ thể nêu uống đúng cách.
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn uống bia hàng ngày? (Ảnh: Internet)
- Tăng mật độ khoáng trong xương
Theo một đánh giá năm 2021 được công bố trên Tạp chí Nutrients thì uống bia có liên quan tới việc tăng mật độ khoáng trong xương ở cả nam giới và nữ giới nhờ stout làm từ lúa mạch và hoa bia là một nguồn silicon tốt. Đồng thời, theo nghiên cứu này thì uống 1 cốc bia mỗi tuần giúp giảm nguy cơ gãy xương hông có liên quan tới mật độ khoáng xương thấp.
- Kiểm soát và cải thiện lượng đường trong máu
Uống bia ở mức độ vừa phải có thể cải thiện tình trạng kháng insulin - một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu trên 70.500 người tham gia khi uống bia rượu ở mức độ vừa phải cho thấy nguy cơ mắc tiểu đường giảm lần lượt là 43% và 58% đối với nam và nữ. Nhưng lưu ý là uống quá mức lại khiến lợi ích này bị đảo ngược, khiến nguy cơ mắc tiểu đường tăng cao và lợi ích tiềm năng này không áp dụng cho các loại đồ uống có cồn có chứa lượng đường cao.
Tuy nhiên cần thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để khẳng định điều này và đánh giá xem lợi ích mà bia mang lại có lớn hơn tác hại của việc uống bia hàng ngày hay không.
2. Tác hại cho cơ thể khi uống bia quá mức mỗi ngày
- Gián đoạn giấc ngủ
Mặc dù uống bia hay rượu có thể khiến bạn cảm thấy thư thái và có cảm giác sảng khoái thì việc say bia rượu đều đã được chứng minh là có liên quan tới sức khỏe lâu dài của não bộ.
Nồng độ cồn trong bia khiến não phản xạ chậm, giảm khả năng thăng bằng của cơ thể, suy giảm trí nhớ và giấc ngủ bị gián đoạn cũng như giảm chất lượng của việc nghỉ ngơi. Hay nói cách khác, việc cồn đi vào máu khi uống bia có thể khiến khả năng xử lý thông tin của não bị gián đoạn.
Say bia rượu đều đã được chứng minh là có liên quan tới sức khỏe lâu dài của não bộ (Ảnh: Internet)
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên JMIR Mental Health đã so sánh chất lượng giấc ngủ của những người tham gia uống nhiều lượng rượu bia khác nhau và phát hiện ra rằng ngay cả những người uống rượu có nồng độ nhẹ (uống hai hoặc ít hơn đối với nam giới, một hoặc ít hơn đối với phụ nữ) cũng bị giảm 9,3% chất lượng giấc ngủ. Khi uống rượu, gan sẽ bắt đầu chuyển hóa rượu, điều này có thể khiến bạn mất ngủ vào ban đêm.
- Khiến quá trình giảm cân chậm lại
Mỗi khi bạn uống bia, chúng sẽ đi thẳng vào gan của bạn. Cơ thể không có khả năng lưu trữ rượu vì vậy mà gan của bạn sẽ nhận diện đây là một chất độc nên sẽ ưu tiên loại bỏ nó trước thay vì chất béo nếu bạn đang trong quá trình giảm cân. Điều này khiến quá trình đốt cháy chất béo và giảm cân bị chậm lại.
Ngoài ra, công việc của gan là lọc máu và tiêu hủy các chất độc hại, bao gồm cả bia rượu. Gan có thể xử lý một lượng bia rượu nhất định, nhưng khi một người tiếp tục uống bia rượu thường xuyên, gan có thể trở nên căng thẳng đến mức gây ra tổn thương vĩnh viễn.
Chưa kể đến việc bia chứa nhiều calo rỗng có khả năng gây tăng cân và thậm chí là "bụng bia". Bởi vì bia là một loại carbohydrate, nó có thể tăng đột biến insulin và có thể gây tích trữ chất béo. Điều này là do insulin tích tụ chất béo.
- Các vấn đề tiêu hóa
Bia được phân hủy trong dạ dày, thúc đẩy gia tăng dịch tiêu hóa và có thể gây kích ứng ruột non và ruột kết (vị trí mà bia có thể được phân hủy và hấp thụ thêm); bia cũng khiến tốc độ thức ăn di chuyển qua ruột bị chậm lại gây đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy.
Tuy nhiên nghiên cứu năm 2020 trên Molecules lại cho thấy do bia được lên men nên nếu uống đúng cách sẽ có thể có lợi cho sức khỏe đường ruột của bạn.
- Rút ngắn tuổi thọ
Những người nghiện rượu bia nặng có nguy cơ tử vong cao hơn. Điều này bao gồm cả tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng và ung thư miệng.
Những người nghiện rượu bia nặng có nguy cơ tử vong cao hơn (Ảnh: Internet)
- Ảnh hưởng tới hiệu quả tập luyện
Nhiều người có thói quen uống bia sau mỗi buổi tập. Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng cho biết nếu bạn đang cố gắng tập luyện để có thân hình cân đối thì bia không phải là lựa chọn phù hợp.
Chưa kể bia còn khiến cơ thể mất nước. Vậy nên nếu bạn không bù nước đúng cách sau buổi tập sẽ khiến hiệu quả tập luyện bị giảm và còn khiến cơ thể không tái tạo cơ hiệu quả sau buổi tập do cơ thể cần giữ nước để làm được điều này. Hay nói cách khác uống bia sau khi tập khiến khả năng phục hồi cơ bắp giảm và quá trình hydrat hóa trở nên khó khăn hơn nhiều.
Vậy nếu uống bia trước buổi tập thì sao? Theo Nutrition Twins thì uống bia trước khi tập thể dục có thể gây ra một loạt các triệu chứng thể chất mà bạn hy vọng sẽ không bao giờ gặp phải khi tập bao gồm mệt mỏi, lờ đờ, khó giữ thăng bằng, phối hợp tay chân và não bộ kém kèm theo thay đổi huyết áp và nhịp tim.
- Tăng huyết áp và nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính
Càng uống nhiều bia, huyết áp của bạn càng có nguy cơ tăng vọt. Mặc dù huyết áp của bạn tăng và giảm trong suốt cả ngày là điều bình thường, nhưng thời gian huyết áp tăng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, bao gồm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.
Càng uống nhiều bia, huyết áp của bạn càng có nguy cơ tăng vọt (Ảnh: Internet)
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cũng cho biết, uống quá nhiều bia rượu có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ, suy tim và thậm chí là bệnh cơ tim, một chứng rối loạn ảnh hưởng đến cơ tim.
Khi bạn uống quá nhiều bia, nó sẽ khiến các mạch máu của bạn co lại vì nó làm tăng hormone renin. Renin cũng làm giảm lượng nước tiểu mà cơ thể bạn đào thải. Sự kết hợp giữa các mạch máu bị co lại và lượng chất lỏng trong cơ thể cao hơn sẽ gây ra huyết áp cao.
Tóm lại, với câu hỏi uống bia hàng ngày có hại không thì bất kể câu trả lời là gì thì điều quan trọng chính là bạn phải đúng mức khuyến nghị và phù hợp với thể trạng của bản thân. Nếu đang mắc các bệnh mạn tính, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phù hợp khi muốn uống bia vào mùa hè này.